Không cần phải là người quan tâm đến thị trường điện thoại thông minh bạn vẫn hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra rằng những chiếc smartphone đang dần trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở phân khúc cao cấp. Các thiết bị hàng đầu (flagship) của Apple, Samsung, Google cũng như nhiều nhà sản xuất smartphone lớn khác hiện đã có giá bán cao hơn hàng trăm đô la so với cách đây chỉ vài năm. Và bây giờ, với sự xuất hiện của những chiếc điện thoại màn hình gập đang được định giá từ 2.000 đô la trở lên, có vẻ như giới hạn về giá bán của những chiếc điện thoại sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong tương lai.
Có một vài lý do khác nhau dẫn đến việc giá điện thoại thông minh tăng vọt trong nhiều năm trở lại đây. Lý do đầu tiên, rất đơn giản và dễ hiểu: Sự biến mất của các gói dịch vụ đi kèm với nhà mạng. Đơn cử như tại Hoa Kỳ, trước đây những mẫu điện thoại thông minh đầu bảng thường được bán ra với mức giá thậm chí còn chưa tới 200 đô la như một phần của hợp đồng sử dụng dịch vụ điện thoại di động với các nhà mạng, trong khi chi phí thực sự của chúng được ẩn giấu trong số tiền mà bạn trả hàng tháng để sử dụng dịch vụ. Bây giờ khi những hợp đồng kiểu này dần không còn được ưa chuộng nữa, giá của những chiếc điện thoại dần trở về nguyên gốc và vượt quá khả năng của nhiều người. Điều đó giải thích tại sao vài năm trước, giá bán iPhone ở Mỹ đột nhiên tăng vọt lên tới mức 649 đô la.
Tuy nhiên, lý do trên chỉ chiếm một phần nhỏ và không thể nói nên thực trạng tình hình giá cả trong thế giới smartphone ngày nay được. Giá bán của những chiếc điện thoại thực sự đã tăng thêm vài trăm đô la. Chẳng hạn như năm 2016, Samsung đã tính giá 670 USD cho một chiếc Galaxy S7 hoàn toàn mới. Còn năm nay, Galaxy S10 có giá khởi điểm là 900 USD. Một trong những nguyên nhân lý giải cho điều này đó là việc những chiếc flagship mới đang ngày càng khó bán hơn. Nghe có vẻ lạ nhưng trên thực tế, tuy rằng hiện nay số lượng người sở hữu điện thoại thông minh lớn hơn khá nhiều so với vài năm trước, thế nhưng họ cũng có xu hướng dùng chiếc điện thoại của mình lâu hơn (phần lớn là do những chiếc điện thoại đầu bảng hiện nay đều có chất lượng build tốt hơn, phần cứng mạnh hơn cũng như hệ điều hành hoạt động ổn định hơn so với trước đây).
Điều này rõ ràng đã khiến cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh phải đưa ra một lựa chọn khó khăn nếu không muốn doanh thu của mình sụt giảm, đó là bán nhiều điện thoại hơn hoặc bán điện thoại đắt hơn. Và trên thực tế để bảo toàn danh tiếng cho chính mình, họ đã chọn phương án thứ hai.
Chúng ta đã được chứng kiến những mẫu flagship với các tùy chọn cho màn hình lớn hơn và nhiều bộ nhớ hơn, khiến cho giá bán được đẩy lên tới gần 1.500 đô la. Ngay cả giá khởi điểm cho những sản phẩm này (ở mức cấu hình thấp nhất) cũng đã lên tới gần 1.000 đô la so với ngưỡng chỉ 649 đô la thường thấy một vài năm trước đây.
Tuy nhiên nói đi thì cũng phải nói lại, chi phí để sản xuất ra một chiếc điện thoại cao cấp cũng đang tăng lên nhanh chóng. Lấy đơn cử như trường hợp của iPhone, chi phí cho linh kiện bên trong cũng như nhân công, kho bãi để tạo ra một chiếc iPhone 4 vào năm 2010 chỉ chưa tới 190 đô la, trong khi iPhone XS Max ra mắt vào năm ngoái đã có chi phí sản xuất lên tới 390 đô la, đó là còn chưa tính đến yếu tố lạm phát của nền kinh tế thế giới. Theo tính toán của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ thì 649 đô la trong năm 2010 sẽ có giá trị tương đương với 750 đô la ngày nay, tức là gần bằng chi phí sản xuất của một chiếc iPhone XR.
Trong nhiều trường hợp, những mẫu điện thoại có giá bán tăng cao về cơ bản là các sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp, là tinh hoa của các hãng sản xuất. Ở thời điểm hiện tại iPhone đang có giá bán trung bình là 999 đô la. Tương tự cũng là trường hợp của Samsung - đối thủ số 1 của Apple, với Galaxy S10 có giá khởi điểm 900 USD, một model khác rẻ hơn là S10E cũng có giá bán rơi vào khoảng 750 USD.
Suy cho cùng thì chúng ta có thể tổng kết được sơ qua ưu - nhược điểm của xu hướng này như sau. Vâng, giờ đây bạn sẽ phải chi tiêu nhiều hơn so với vài năm trước để có được chiếc điện thoại “xịn xò” nhất của nhà sản xuất mà mình yêu thích, nhưng cái lợi có thể thấy rõ ở đây là sản phẩm sẽ đẹp hơn, bền hơn và do đó bạn có thể sử dụng được lâu hơn.
Tuy nhiên cũng may là toàn bộ hiện tượng này thông thường chỉ diễn ra ở phân khúc cao cấp. Trong năm 2018 vừa qua, chúng ta tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc trung và thấp, khiến cho các sản phẩm thuộc phân khúc này ngày càng cân bằng tốt hơn giữa hiệu năng và giá thành. Vì vậy, trong khi các thiết bị mạnh nhất, tốt nhất, đẹp nhất vẫn đang “dắt tay” nhau sải bước trên những nấc thang mới trong giá bán, thì vẫn có một sự “đồng cam cộng khổ” trong phân khúc điện thoại tầm trung và cấp thấp, nhắm vào những người có ngân sách eo hẹp hoặc có nhu cầu cơ bản hơn.