The USB Implementers Forum (USB-IF) - tổ chức chịu trách nhiệm duy trì tiêu chuẩn USB trên nhiều phiên bản khác nhau - vừa giới thiệu danh sách các mẫu logo mới dựa trên xếp hạng công suất nguồn hỗ trợ của hàng loạt chuẩn USB Type-C mới. Điều này được cho là hữu ích trong việc giúp người dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình.
Các mẫu logo mới này sẽ được in trực tiếp trên bao bì của các sản phẩm cáp và củ sạc USB-C được cấp phép từ USB-IF. Qua đó giúp khách hàng dễ dàng nắm bắt loại hình, công suất sạc và khả năng hỗ trợ truyền dữ liệu của sản phẩm một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Chẳng hạn, với những biểu trưng mới này, người dùng sẽ có thể nhanh chóng xác định xem liệu sợi cáp USB-C mà họ định mua hỗ trợ công suất sạc 60W hay 240W, có tương tự như được xác định trong bảng thông số kỹ thuật USB Power Delivery 3.1 hay không. Điều này là cần thiết bởi sự ra mắt liên lục của hàng mẫu cáp sạc USB-C mới, hỗ trợ nhiều mức thông số khác nhau như hiện nay có thể khiến những người tiêu dùng bình thường lạc vào “mê cung”, khi muốn tìm cho mình một sản phẩm phù hợp với nhu cầu.
Tuy nhiên, danh sách logo mới này cũng phần nào cho thấy tiêu chuẩn USB-C vẫn còn tương đối “rối rắm” trong thực tế sử dụng, dù đã được đơn giản hóa. Chẳng hạn, có các logo riêng biệt biểu thị khả năng hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu 40Gbps, 20Gbps, cũng như 2 cấp thông số công suất: 240W và 60W. Phức tạp hơn là các tiêu chuẩn có thể không gắn liền với nhau: Một sợi cáp hỗ trợ truyền dữ liệu 40Gbps nhưng sạc chậm hơn. Trong khi sợi cáp 240W hỗ trợ sạc nhanh lại không phù hợp để truyền tệp tốc độ cao. Và còn nhiều tình huống khác.
So với Thunderbolt 4, mọi thứ đơn giản hơn đáng kể. Chuẩn Thunderbolt 4 chỉ có một loại cáp duy nhất nhưng có thể đáp ứng mọi thứ trong bảng thông số kỹ thuật, chứ không lộn xộn như USB-C.
Vấn đề này chủ yếu bắt nguồn từ việc các tiêu chuẩn USB-C đã phát triển quá nóng chỉ trong vài năm qua, dẫn đến khả năng tối ưu, đơn giản hóa vẫn còn hạn chế. Vẫn còn một chặng đường dài trước khi chuẩn USB-C có thể đạt được trạng thái “plug-and-play” tiện dụng.