Tổng thống đầu tiên dùng ChatGPT viết bài phát biểu
Ông Isaac Herzog, tổng thống Israel đã nhờ ChatGPT viết phần mở đầu cho bài phát biểu của mình tại sự kiện khai mạc hội thảo về an ninh mạng Cybertech Global Tel Aviv 2023 ngày 1/2.
Trong phát biểu của mình, ông Herzog đánh giá cao AI nhưng nhấn mạnh rằng “phần cứng và phần mềm không thể thay thế ý chí của con người".
Cuối bài, ông Herzog nhắc đến "câu trích dẫn đầy cảm hứng" của chính ChatGPT khi được yêu cầu "Hãy viết câu trích dẫn cảm hứng về vai trò của con người trong một thế giới công nghệ siêu phàm". ChatGPT nói rằng: "Đừng quên rằng nhân tính mới chính là thứ khiến chúng ta thực sự trở nên đặc biệt trong thế giới này. Trái tim, khối óc và quyết tâm của chúng ta sẽ định hình vận mệnh của chúng ta, để tạo ra ngày mai tươi sáng hơn cho toàn nhân loại chứ không phải máy móc.”
Herzog trở thành nhà lãnh đạo quốc gia đầu tiên sử dụng ChatGPT hỗ trợ cho bài phát biểu của mình.
Thẩm phán dùng ChatGPT để xử án
Một thẩm phán ở Colombia đã tham khảo ý kiến ChatGPT để ra quyết định trong vụ công ty bảo hiểm bị kiện vì từ chối thanh toán chi phí điều trị y tế, trị liệu và di chuyển cho cậu bé mắc chứng tự kỷ. Sự việc đang gây ra tranh cãi.
Thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia của vụ án xác nhận ông đã hỏi ChatGPT về vụ án. Ông hỏi siêu AI này rằng: "Trẻ vị thành niên mắc chứng tự kỷ có được miễn phí chi phí điều trị không? Trước đó có tòa án nào đưa ra phán quyết tương tự chưa?". Câu trả lời của siêu AI này là: "Có, theo quy định ở Colombia, trẻ vị thành niên được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ được chi trả miễn phí các liệu pháp điều trị", thậm chí nó còn dẫn luật số 1753, bộ luật năm 2015 của Colombia về quyền lợi được áp dụng cho toàn bộ cơ sở y tế dù công hay tư.
Hồ sơ tòa án cũng ghi lại câu trả lời của ChatGPT. Và thẩm phán Garcia tuyên bố công ty bảo hiểm phải chi trả toàn bộ chi phí cho người bệnh.
Ông cho biết, dùng AI hỗ trợ các quyết định của thẩm phán không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc sử dụng ChatGPT của thẩm phán Garcia đang gây nhiều tranh cãi. Các nhà đạo đức AI chỉ trích việc dùng các AI như ChatGPT tại các hệ thống tòa án vì kết quả đầu ra thường có xu hướng phân biệt chủng tộc, giới tính và làm gia tăng khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội.