Trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các nhà phát triển phần mềm và chủ sở hữu nền tảng cửa hàng ứng dụng trực tuyến như Google (Play Store) và Apple (App Store) liên quan đến chính sách quản lý cũng như thu phí đang ở giai đoạn căng thẳng đỉnh điểm, gã khổng lồ Mountain View vừa bất ngờ đưa ra một quyết định giúp hạ nhiệt đáng kể tình hình, đó là cam kết đơn giản hóa việc cài đặt hàng ứng dụng của bên thứ ba trên Android, bắt đầu từ Android 12 ra mắt năm tới.
Cụ thể, Google hôm nay đã công bố một số thay đổi đáng kể về mặt chính sách dành cho các nhà phát triển Android. Trong một bài đăng trên blog có tiêu đề "Listening to Developer Feedback to Improve Google Play" (tạm dich: Lắng nghe phản hồi của nhà phát triển để cải thiện Google Play), công ty đã nói rằng bắt đầu với phiên bản Android năm sau (Android 12), họ sẽ tối ưu hóa việc hỗ trợ người dùng cài đặt các cửa hàng ứng dụng khác trên hệ thống ngoài Google Play, từ đó cung cấp cho các nhà phát triển thêm nhiều tùy chọn hơn về phương án phân phối ứng dụng Android của mình, thay vì phải phụ thuộc hoàn toàn vào Play Store như hiện tại.
Google không tiết lộ thêm thông tin chi tiết về quyết định này, nhưng đây rõ ràng là một tin tốt đối với không chỉ đối với các nhà phát triển ứng dụng mà cả với người dùng Android.
Bên cạnh đó, Google cũng đưa ra thông báo cho biết đã cập nhật chính sách thanh toán mới đối với Play Store để tái khẳng định việc bất kỳ nhà phát triển nào muốn bán ứng dụng trên nền tảng này đều sẽ phải trả phí, cũng như sử dụng hệ thống thanh toán của Google và chấp nhận khoản cắt giảm doanh thu tương ứng. Đây không phải là một sự thay đổi, mà là lời giải thích rõ ràng hơn đối với những chính sách đã được áp dụng. Google cho biết chỉ 3% nhà phát triển đang bán hàng hóa kỹ thuật số yêu cầu sử dụng hệ thống thanh toán của công ty.
Ngoài ra, Google cũng sẽ không áp đặt chính sách hạn chế đối với cách thức các nhà phát triển định giá sản phẩm của họ với khách hàng, miễn là nó không được thực hiện trong chính ứng dụng. Có nghĩa là nếu nhà phát triển cung cấp các tùy chọn giá khác nhau trên trang web của riêng họ hoặc trong một cửa hàng ứng dụng khác, họ có thể cho người dùng biết về điều đó qua email hoặc bất kỳ kênh nào khác.
Trở lại với vấn đề chính, khả năng cài đặt các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba dễ dàng hơn trên Android sẽ là tin tốt cho các nhà phát triển như Epic Games, những đơn vị đã kiên quyết không chia sẻ doanh thu của mình với Google. Ở phía đối diện, không rõ liệu Apple có đưa ra chính sách nhượng bộ nào hay không. Quan điểm của Táo Khuyết đối với vấn đề này luôn rất cứng rắn.
>> Epic, Spotify và hàng loạt nhà phát triển ứng dụng ‘liên minh’ chống lại Apple và Google