Gần đây,Clouds, một công ty kiến trúc ở New York mới công bố một bản thiết kế về một tòa nhà chọc trời. Điểm đặc biệt là tòa nhà này nằm bên ngoài Trái Đất và được xây dựng từ trên trời xuống, thay vì từ dưới đất lên.
Tòa nhà đặc biệt này có tên Analemma Tower, nó sẽ được "treo ngược" trên một thiên thạch có quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 50.000 km.
Hàng ngày, quỹ đạo của thiên thạch sẽ xoay tòa tháp thành một hình số tám giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, đưa những người trong tòa tháp đi qua nhiều nơi khác nhau trên thế giới như New York, Havana, Atlanta, Panama... chỉ trong một chu kỳ 24 tiếng. Do độ cong của Trái Đất nên lượng ánh sáng ban ngày sẽ có thể kéo dài thêm tới 40 phút ở đỉnh tòa nhà.
(Kích vào để phóng to ảnh).
Thiết kế sẽ sử dụng một hệ thống có tên gọi Hệ thống Hỗ trợ Quỹ đạo Toàn cầu (UOSS), nó sẽ gắn một dây cáp chịu lực vào thiên thạch rồi thả xuống Trái Đất. Sau đó tòa nhà đã được xây dựng sẵn ở Trái Đất sẽ được gắn với dây cáp chịu lực này.
Theo dự tính, tòa nhà Analemma sẽ được xây dựng tại Dubai, một nơi chuyên xây dựng các tòa nhà cao chọc trời và chi phí rẻ hơn hẳn so với xây dựng ở thành phố New York.
Theo bản vẽ, tòa nhà sẽ được thiếp lập theo từng phần, mỗi phần sẽ có chức năng riêng như một thành phố, mỗi công dân tại đây có thể cảm thấy thoải mái như ở nhà. Khu vực để ngủ sẽ được đặt ở hai phần ba phía trên của tòa nhà, phần phía dưới tòa nhà sẽ được dùng để kinh doanh. Các tấm pin Mặt Trời được lắp đặt sao cho có thể hấp thụ tối đa lượng ánh sáng mặt trời.
Nước mưa, nước ngưng tụ trong các đám mây sẽ được thu gom và tinh chế lại để sử dụng. Hình dạng và kích thước của cửa sổ cũng được thiết kế đặc biệt để chống lại sự khác biệt về áp lực và nhiệt độ.
Có rất nhiều người thắc mắc về khả năng tiếp cận thiên thạch để tiến hành dự án, nhưng Cloud vẫn tin rằng ý tưởng của họ sẽ sớm trở thành sự thật.