Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Baidu (9888.HK) hôm thứ Ba vừa qua đã tiết lộ phiên bản mới nhất của mô hình Generative AI Ernie 4.0, cho biết khả năng của nó có thể sánh ngang với mô hình GPT-4 tiên phong của nhà sản xuất OpenAI, ChatGPT.
Giám đốc điều hành Robin Li đã giới thiệu Ernie 4.0 tại một sự kiện ở Bắc Kinh, tập trung vào những gì ông mô tả là khả năng ghi nhớ của mô hình và cho thấy nó viết tiểu thuyết võ thuật trong thời gian thực như thế nào. Ngoài ra, khả năng tạo poster và video quảng cáo của Ernie 4.0 cũng được thể hiện trong sự kiện này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lại không mấy ấn tượng. Nhà phân tích Lu Yanxia tại công ty tư vấn ngành IDC cho biết, sự ra mắt của Ernie 4.0 thiếu những điểm nổi bật lớn so với phiên bản trước.
Cổ phiếu Hồng Kông của Baidu đã giảm 1,32% trong phiên giao dịch buổi sáng, kém hơn mức tăng 0,7% của chỉ số Hang Seng (.HIS).
Bà Lu nói: “Chúng ta sẽ thấy những cải tiến đáng kể khi Ernie 4.0 được sử dụng thực tế, nhưng những nâng cấp cụ thể vẫn chưa thể hiện rõ ràng ngay lập tức”.
Lu cho biết các thông báo quan trọng khác từ sự kiện này bao gồm việc tích hợp Generative AI của Baidu trên tất cả các sản phẩm của họ, bao gồm Baidu Drive và Baidu Maps.
Ông Li đã mô tả cách Baidu Map hiện cho phép người dùng truy cập các chức năng bằng truy vấn ngôn ngữ tự nhiên do Ernie cung cấp, trong khi người dùng trước đây phải tìm kiếm qua hàng nghìn tùy chọn.
Baidu, chủ sở hữu công cụ tìm kiếm Internet lớn nhất Trung Quốc, đang đi đầu trong các mô hình AI ở Trung Quốc trong bối cảnh cơn sốt toàn cầu về công nghệ này do sự ra đời của ChatGPT vào năm ngoái.
Công ty đã tung ra một chatbot do Ernie cung cấp vào tháng 3, được đặt tên là ErnieBot, mặc dù các nhà đầu tư đã thất vọng khi chỉ các bản demo ghi trước được trình chiếu.
Vào tháng 8, Baidu là một trong số các công ty nhận được sự chấp thuận của chính phủ để phát hành những sản phẩm AI ra công chúng. Giám đốc công nghệ của Baidu, Wang Haifeng, cho biết trong sự kiện này rằng Ernie đã tích lũy được 45 triệu người dùng kể từ khi được mở cho công chúng sử dụng.
Dữ liệu từ công ty môi giới CLSA cho thấy, Trung Quốc hiện có ít nhất 130 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), chiếm 40% tổng số toàn cầu và chỉ sau Hoa Kỳ (chiếm 50%).
Tuần trước, Bắc Kinh đã công bố các yêu cầu bảo mật được đề xuất đối với các công ty cung cấp dịch vụ được hỗ trợ bởi công nghệ này, bao gồm danh sách đen các nguồn không được sử dụng để đào tạo những mô hình AI.