AMD vừa chính thức tuyên bố đã phát triển thành công bản sửa lỗi Ryzen boost, và sẽ sớm tung ra bản vá này dưới dạng một phần của bản cập nhật BIOS trong thời gian tới.
Bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, rất nhiều chủ sử hữu các sản phẩm CPU AMD Ryzen đã phát hiện ra rằng bộ xử lý của họ không thể đạt được tốc độ xung nhịp tối đa trong nhiều tình huống. Vấn đề sau đó đã được phía AMD ghi nhận và xác định nguyên nhân bắt nguồn từ một vài trục trặc về mặt phần mềm.
AMD đã phát thiển thành công bản vá lỗi Ryzen boost
Thực tế mà nói thì việc tốc độ xung nhịp không đạt mức tối đa trong nhiều tình huống, hay nói cách khác là thiếu ổn định, không gây ra những bất tiện quá lớn trong trải nghiệm sử dụng thực tế. Tuy nhiên vấn đề này sẽ khiến người dùng cảm thấy khó chịu vì cho rằng nhà sản xuất cố tình đánh lừa họ. Sau đó một thời gian ngắn, AMD cho biết công ty đã tìm ra cách giải quyết được lỗi này, và họ đang ghi nhận những kết quả tích cực trong thử nghiệm nội bộ của mình.
“Các phân tích của chúng tôi đã chỉ ra rằng thuật toán chịu trách nhiệm quản lý hoạt động điều tiết xung nhịp của CPU đã gặp lỗi, từ đó có thể khiến các chỉ số xung nhịp không được tăng lên đúng mức dự kiến trong nhiều tình huống thực tiễn. Điều này đã được giải quyết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã khám phá ra một số phương thức khác tương đối hiệu quả trong tối ưu hóa hiệu suất, có thể giúp tăng cường hơn nữa mức xung nhịp trên các CPU Ryzen. Những thay đổi này hiện đang được triển khai trong các bản BIOS có thể flash được từ một số đối tác sản xuất bo mạch chủ của chúng tôi”, AMD cho biết trong một thông báo.
Thuật toán chịu trách nhiệm quản lý hoạt động điều tiết xung nhịp của CPU gặp lỗi khiến Ryzen boost hoạt động không như dự kiến
AMD tuyên bố rằng sau khi được cập nhật BIOS mới, tốc độ xung nhịp trên các model CPU Ryzen 3000 hoàn toàn có thể được tăng thêm từ 25 đến 50MHz trên các chip tùy theo từng phiên bản và chế độ vận hành thực tế. Điều này là đủ để đưa mức xung nhịp trên hầu hết các mẫu CPU Ryzen thế hệ thứ 3 vượt qua ngưỡng cần thiết.
Tuy nhiên không vì thế mà bỏ qua việc đánh giá xem phiên bản BIOS mới hoạt động như thế nào trong các điều kiện sử dụng thực tiễn. Các đánh giá về mức độ cải thiện hiệu suất cũng như tác động thực tế được AMD đưa ra dựa trên một số công cụ tương đối uy tín như PCMark 10 và Kraken JavaScript Benchmark.
“Mức độ cải thiện hiệu suất thực tế có thể thấp hơn hoặc cao hơn tùy thuộc vào khối lượng công việc, tác vụ, cấu hình hệ thống cũng như giải pháp tản nhiệt/làm mát đang được triển khai trong PC của người dùng”, phía AMD cho biết.
Khi nào bản cập nhật BIOS mới được tung ra? Làm thế nào để nhận được bản cập nhật này?
Theo dự tính của AMD, sẽ mất khoảng 3 tuần để bản cập nhật quan trong này “cập bến” đến tay người dùng. Thực tế là bản cập nhật đã hoàn thành và công ty đã bàn giao cho các nhà sản xuất bo mạch chủ. Tuy nhiên phải đến gần đây các đối tác sản xuất phần cứng của AMD mới mới xác nhận bản cập nhật và bắt tay vào chạy thử nghiệm thông qua các quy trình prelaunch của riêng họ, trong khi quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian.
Bản cập nhật BIOS mới sẽ được đăng tải trên website hỗ trợ của nhà sản xuất bo mạch chủ bạn đang sử dụng
Sau khi hoàn tất các công đoạn cần thiết, bản cập nhật BIOS sẽ được đăng tải trên website hỗ trợ của nhà sản xuất bo mạch chủ mà bạn đang sử dụng. Bạn sẽ phải flash BIOS mới, tương đối đơn giản. Tuy nhiên cần phải cẩn thận bởi bạn hoàn toàn có thể làm hỏng hệ thống nếu không tuân thủ đúng theo hướng dẫn, vì vậy hãy đọc và chắc chắn hiểu kỹ quy trình flash BIOS trước khi bắt đầu cập nhật.