Một nhóm sinh viên trường Stanford (Mỹ) đã thực hiện một dự án mang tên Dự đoán vị trí địa lý hình ảnh (PIGEON) cho thấy khía cạnh sức mạnh mới của trí tuệ nhân tạo đó là định vị địa lý với tỷ lệ chuẩn xác cao chỉ qua ảnh chụp. Điều này khiến chuyên gia bảo mật lo ngại hành vi xâm phạm quyền riêng tư.
Nhóm sinh viên thiết kế dự án nhằm xác định địa điểm chụp những tấm hình trên ứng dụng Google Street View. Nhưng hệ thống có thể đoán chính xác nơi tấm hình được chụp trong đa số trường hợp khi được "cho xem" hình ảnh một vài cá nhân chưa từng nhận diện trước đó.
Khả năng mới này của AI được xem là "con dao hai lưỡi". Nó cho phép các nhà sinh vật học thực địa có thể nhanh chóng khảo sát toàn bộ khu vực địa lý để phát hiện thực vật xâm lấn hoặc có thể giúp con người xác định vị trí chụp những tấm hình cũ. Tuy nhiên, nó có thể bị kẻ xấu sử dụng để truy xuất thông tin về cá nhân bất kỳ.
Nhà phân tích chính sách cao cấp Jay Stanly của Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) lo ngại chính phủ, các tổ chức có thể sử dụng những công nghệ tương tự như dự án PIGEON nhằm theo dõi hay thám thính người dân.
Nhóm sinh viên chia sẻ, họ bắt đầu dự án PIGEON từ CLIP - một hệ thống phân tích hình ảnh có sẵn do chính OpenAI - công ty sáng tạo ChatGPT làm ra. Nhóm sau đó, nhóm sử dụng bộ dữ liệu với khoảng 500.000 ảnh chụp đường phố lấy từ Google Street View để huấn luyện phiên bản AI của mình.
Sau khi huấn luyện, PIGEON đã có thể xác định vị trí địa lý của ảnh chụp qua Google Street View ở bất kỳ đâu trên trái đất với tỷ lệ chính xác đất nước lên tới 95% và chỉ ra địa điểm đúng trong bán kính 40 km từ vị trí chụp.