Trong thế giới công nghệ, nói tới Apple là người ta nghĩ ngay tới các thiết kế tính thẩm mỹ cao và rất táo bạo. Những thiết kế của Apple luôn có khả năng định hình một thế hệ sản phẩm mới.
Tuy nhiên, đôi khi Apple cũng mắc một số lỗi trong thiết kế. Một vài sản phẩm của Apple phải hy sinh chức năng chỉ để theo đuổi yếu tố hình thức. Cũng không ít lần Apple đưa ra một số lựa chọn thiết kế kỳ quái và không mang nhiều ý nghĩa.
Dưới đây là 12 thiết kế bị coi là tồi tệ nhất của Apple từ trước tới nay:
1. Macintosh TV
Năm 1993, trước khi ra mắt Apple TV, Apple đã cố tạo ra một chiếc Macintosh TV. Về cơ bản nó một nửa là Mac, một nửa là TV và chẳng làm tốt chức năng của bất cứ thiết bị nào. Mức giá 2.099 USD (khoảng 4.000 USD ngày nay) cũng góp phần khiến Macintosh TV thất bại nhanh hơn.
Do doanh số nghèo nàn, Apple đã khai tử Macintosh TV chỉ sau 3 tháng tung ra thị trường.
2. Apple Newton
Newton là lần đầu tiên Apple thử chế tạo một thiết bị trợ lý kỹ thuật số cá nhân. Đây là một thiết bị đi trước thời đại khá xa. Nhưng ở thời điểm ra mắt, nó không thể hiện được gì nhiều.
Trong một số model đầu tiên, tính năng được coi là trọng tâm - nhận dạng chữ viết - hoạt động kém ổn định. Đây là điều không có gì lạ bởi tới tận năm 2021 công nghệ nhận dạng chữ viết vẫn còn chưa được hoàn hảo cho lắm.
Sau đó không lâu, thiết bị mang tên Pilot được hãng Palm ra mắt. Newton nhanh chóng thất thế trước Pilot với tính năng nhận dạng chữ viết Graffiti đáng tin cậy hơn.
Năm 1997, ngay sau khi trở lại Apple Steve Jobs đã ra lệnh ngừng sản xuất Newton vì có vẻ như ông ghét nó. Và cũng có thể vì không ưa nổi Newton nên Jobs đã sáng tạo ra iPhone.
3. Con chuột hockey của iMac đời đầu
iMac đời đầu là một cỗ máy tuyệt vời cả về thiết kế lẫn hiệu năng nhưng con chuột kèm theo máy thì lại cực kỳ tệ hại. Với thiết kế tròn hoàn hảo, con chuột này gây ra sự bất tiện cùng cực cho người dùng vì chẳng biết chầm sao cho đúng hướng nếu không nhìn vào nó. Sản phẩm này là một sự xấu hổ với công ty tiên phong trong việc tạo ra con chuột máy tính như Apple.
4. iPhone 4 với sự cố Antennagate
iPhone 4 là một trong những thiết bị đẹp tuyệt và mang tính biểu tượng của thế giới công nghệ. Nhiều fan Apple còn cho rằng iPhone 4 là mẫu iPhone có thiết kế đẹp nhất trong lịch sử của hãng. Vâng, mọi thứ đều đúng trừ mỗi việc là nếu cầm thiết bị trên tay bạn có thể khiến nó bị mất sóng.
Khung kim loại của iPhone 4 còn hoạt động như những chiếc ăng ten. Vì thế, chạm tay vào phần dưới cạnh trái - vị trí mà ai cũng đặt tay vào khi cầm điện thoại bằng tay trái - có thể tạo ra cầu nối giữa các ăng ten và khiến máy bị mất sóng.
Trả lời những khiếu nại, Steve Jobs còn bảo rằng người dùng tránh cầm máy kiểu đó là được. Phản hồi của Jobs giống như một trò cười bởi làm sao mà tránh đặt tay vào vị trí đó của máy. Một loạt meme đã được chế ra để chê thiết kế cũng như cách phản hồi của Apple khi bị chỉ trích.
Khi iPhone 4s ra mắt, Apple đã tìm được cách khắc phục vấn đề ăng ten trong khi duy trì thiết kế giống với iPhone 4.
5. Chuột Magic Mouse 2 và cơ chế sạc chẳng giống ai
Rất ít sản phẩm phản ánh được cả hai khía cạnh về thiết kế của Apple như Magic Mouse 2. Một mặt, con chuột này có thiết kế đẹp, bề mặt cảm ứng mượt mà cho phép bạn sử dụng các cử chỉ với nhiều ngón tay. Tuy nhiên, đến lúc cần sạc thì người dùng sẽ ngã ngửa vì ngạc nhiên khi cổng sạc được đặt ở đáy của con chuột.
Điều này đồng nghĩa với việc khi Apple Magic Mouse 2 đang sạc bạn sẽ không thể sử dụng. Chưa từng có con chuột không dây nào có cơ chế sạc giống như vậy. Đúng là thỉnh thoảng bạn mới phải sạc cho nó nhưng kiểu thiết kế này vẫn là không hợp lý. Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu khi phải hoàn thành việc gì đó gấp nhưng con chuột Magic Mouse lại lăn ra hết pin.
Hầu như mọi con chuột không dây trên thị trường đều có cổng sạc ở phía trên đầu. Điều này mang tới cho người dùng tùy chọn sử dụng chuột ở chế độ có dây và cũng cho phép vừa dùng vừa sạc pin. Tuy nhiên có vẻ như Apple không muốn làm hỏng bề mặt đẹp đẽ của Magic Mouse 2 nên người dùng sẽ phải chịu đựng một chút khó chịu.
6. Mac Pro hình thùng rác
Năm 2013, Apple ra mắt mẫu Mac Pro mới với thiết kế hình trụ bóng bẩy, nhỏ nhắn. Apple rất tự hào khi có thể gói gọn các linh kiện hiệu suất cao vào một khung máy nhỏ nhắn và trang bị hệ thống tản nhiệt thông minh.
Thế nhưng với người dùng thì Mac Pro mới lại là một thảm họa. Nó gây ra sự khó chịu vì gần như không có khả năng nâng cấp và sửa chữa. Một số người còn chế nhạo Mac Pro 2013 trông như cái thùng rác được sơn màu đen bóng.
Gần đây có vẻ như Apple đã quay lại đúng hướng. Năm 2019, Mac Pro mới ra mắt với thiết kế hình tháp với các linh kiện dễ tiếp cận hơn.
7. Bendgate
iPhone 6 và 6 Plus lên kệ chẳng bao lâu thì liên tiếp bị phàn nàn vì khung quá yếu, quá dễ bị bẻ cong. Nhiều người dùng cho biết iPhone của họ bị cong chỉ vì đút ở túi sau và ngồi xuống. Apple sau đó đã sửa sai, gia cố lại khung máy trên iPhone 6s và 6s Plus. Dẫu vậy, sau đó vấn đề dễ bẻ cong lại quay trở lại trên iPad Pro 2018.
8. Cơ chế sạc của Apple Pencil
Apple Pencil là một vị dụ khác về sự vô duyên của Apple khi thiết kế cơ chế sạc. Apple Pencil có chân Lightling ở phía đầu bút và để sạc bạn phải cắm trực tiếp chân này vào cổng Lightning của iPad. Điều này khiến chiếc iPad trông như một cái đập ruồi và tiềm ẩn nguy cơ làm hỏng cổng sạc.
Thật là may mắn khi trên Apple Pencil 2 Apple đã trang bị cơ chế sạc không dây.
9. Các loại cáp của Apple
Trong nhiều năm qua, các loại cáp của Apple luôn có độ bền kém, dễ bị đứt và sờn. Thậm chí nhiều người dùng còn nghi ngờ rằng Apple cố tình giảm chất lượng cáp để buộc người dùng phải bỏ tiền mua linh kiện mới.
Gần đây, Apple đã bắt đầu cải tiến chất lượng cáp, sử dụng thiết kế bọc vài dù để tăng đổ bền.
10. Bàn phím cánh bướm
Apple tung ra cơ chế bàn phím cánh bướm mới với mục đích giúp bàn phím của MacBook mỏng hơn nhưng vẫn duy trì cảm giác gõ tốt. Tuy nhiên, bàn phím cánh bướm lại mắc một lỗi nghiêm trọng. Chỉ cần có hạt bụi nhỏ lọt xuống thôi là bàn phím sẽ không hoạt động hoặc kém ổn định.
Cuối cùng, sau nhiều than phiền của người dùng Apple đã buộc phải bỏ cơ chế bàn phím cánh bướm để quay về với cơ chế cắt kéo cũ.
11. Đế màn hình giá 1.000 USD
Chẳng có gì sai với đế của màn hình Pro Display XDR ngoài mức giá 999 USD của nó kèm với một chiếc màn hình đã có giá 5.999 USD.
Ngoài ra thì nếu không mua màn hình chỉ mua chân đế bạn sẽ phải bỏ ra thêm 200 USD để mua một adapter vì chiếc chân đế này không tương thích với chuẩn VESA mà mọi màn hình khác đang dùng.
12. Phần khuyết trên màn hình MacBook Pro 2021
MacBook Pro 2021 vừa ra mắt được Apple trang bị cho kiểu màn hình tai thỏ giống các mẫu iPhone mới. Điều này có nghĩa là trên màn hình MacBook Pro sẽ có một phần khuyết dành cho webcam.
Theo Apple, thiết kế này giúp MacBook Pro mới có viền màn hình cực mỏng nhưng vẫn trang bị web cam chất lượng cao. Tuy nhiên, thiết kế phần khuyết trên màn hình có vẻ như quá lớn, nó giống như một lựa chọn của Apple nhằm tạo dựng thương hiệu chứ không phải xuất phát từ yêu cầu thiết kế thực tế.
Chẳng bao lâu sau khi được bán ra, nhiều người dùng đã báo cáo về việc phần khuyết trên màn hình gây ra vấn đề về giao diện người dùng. Ngoài ra, người dùng cũng khá thất vọng khi mà phần khuyết lớn như vậy nhưng lại không có Face ID.
Nói một cách ngắn gọn là làm fan của Apple thì đôi khi bạn phải sống chung với những điều kỳ quặc.