Kính viễn vọng không gian Hubble vừa tiếp tục cho thấy tầm quan trọng khó thay thế của mình trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn học, khi mang về cho nhân loại bức ảnh có một không hai cho thấy vẻ đẹp rực rỡ của Tinh vân Veil. Tinh vân Veil là tàn tích của một ngôi sao khổng lồ đã phát nổ trong một vụ nổ siêu tân tinh cách đây 10.000 năm, để lại một cấu trúc bụi và khí ấn tượng với hình dạng mỏng manh như tấm màn. Đây cũng là đặc điểm tạo nên tên gọi của tinh vân này.

Ngôi sao tạo ra tinh vân này có khối lượng gấp 20 lần Mặt Trời, và vụ nổ của nó lớn đến mức sẽ sáng hơn cả sao Kim trên bầu trời Trái Đất, dù nằm cách chúng ta tới 2.400 năm ánh sáng. Theo thời gian, tác động của vụ nổ này tiếp tục lan rộng, tạo nên cấu trúc mà chúng ta thấy ngày nay.
Hubble đã chụp ảnh Tinh vân Veil trước đây, lần gần nhất là vào năm 2015. Tuy nhiên, bức ảnh mới này phóng to một khu vực “tinh tế” hơn bên trong tinh vân, mang đến nhiều kiến thức mới thú vị. Màu sắc hiển thị trong ảnh cũng đại diện cho các nguyên tố khác nhau có mặt trong tinh vân, cho phép các nhà khoa học theo dõi hóa học đặc trưng của khu vực này.
Hình ảnh này kết hợp các bức ảnh được chụp bằng ba bộ lọc khác nhau của Máy ảnh Trường rộng 3 (Wide Field Camera 3) trên Hubble, làm nổi bật sự phát xạ từ các nguyên tử hydro, lưu huỳnh và oxy. Hình ảnh chỉ cho thấy một phần nhỏ của Tinh vân Veil. Còn nếu bạn muốn nhìn thấy toàn bộ tinh vân mà không cần kính viễn vọng, kích thước sẽ tương đương với sáu Mặt Trăng đặt cạnh nhau.
Mặc dù hình ảnh này chụp Tinh vân Veil tại một thời điểm cụ thể, nhưng vẫn có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu được cách tàn tích siêu tân tinh tiến hóa qua nhiều thập kỷ. Kết hợp dữ liệu phân tích từ bức ảnh mới này với những quan sát của Hubble từ năm 1994, các nhà khoa học kỳ vọng sẽ tìm thấy dấu vết của chuyển dịch của các nút và sợi khí riêng lẻ, từ đó nâng cao hiểu biết của nhân loại về tinh vân tuyệt đẹp này”.
Dưới đây là những hình ảnh gốc mà Hubble chụp vào năm 1994 và 1997, cho thấy chi tiết các phần khác nhau của tinh vân:
