Trong ấn tượng của nhiều người, lợn là loài động vật gắn liền với hình ảnh đáng yêu, hiền lành và ngốc nghếch. Công việc hàng ngày của chúng chỉ có ăn và ngủ. Tuy nhiên, có một sự thật thú vị về lợn mà không phải ai cũng biết đó là lợn được coi là 'kẻ thù' của rắn, bởi khi hai con vật này gặp nhau phần lớn rắn sẽ trở thành thức ăn của lợn.
1. Lợn sinh ra đã có "áo giáp"
Da lợn dày, lông cứng. Trong khi đó, hình dạng của răng nanh của rắn lại cong nên nó khó cắn trúng và tiêm nọc độc vào lợn.
Nọc độc cần phải phản ứng với máu. Mà sau lớp da lợn là lớp mỡ đặc khiến nọc độc khó lan nhanh vào máu, đồng thời sẽ bị làm loãng từ từ.
Ngoài ra, lợn nhà trưởng thành có một đột biến gen trong các thụ thể tế bào của chúng có tác dụng chặn sự liên kết của độc tố a-neurotoxin, khiến nọc độc trở nên vô dụng. Nên nếu răng nanh của rắn cắn xuyên qua da lợn thì sau một thời gian nhất định cơ thể của lợn sẽ tự giải độc đối với lượng nọc độc này.
2. Sức chiến đấu của lợn cao hơn nhiều so với rắn
Lợn nhà trông vô hại, và thường không thích vận động nhưng sức mạnh chiến đấu của chúng rất đáng kinh ngạc, thậm chí có thể so sánh với lợn rừng.
Khứu giác của lợn rất nhạy bén, nó có thể nhanh chóng tìm ra con rắn. Sau đó tấn công, cắn hoặc giẫm chết con rắn rồi nuốt chửng nó vào bụng. Về cơ bản, khi gặp lợn con rắn không có khả năng phản kháng.
3. Phân lợn có khả năng đuổi rắn
Phân lợn có chứa một lượng lớn vi khuẩn gây bệnh. Nếu rắn bò trong phân lợn, nó rất dễ bị vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh trong phân lợn tấn công. Vì vậy, trong chuồng lợn thường không có sự xuất hiện của rắn.
4. Lợn ăn rắn độc không bị ngộ độc?
Lợn có thể sống sót nếu ăn phải một con rắn độc. Nguyên nhân là do các enzym tiêu hóa và axit mạnh trong dịch dạ dày của lợn có khả năng phân hủy nọc rắn thành các protein không độc.
Tuy nhiên, nếu lợn ăn phải rắn độc trong khi có vết thương ở miệng, đường tiêu hóa thì cũng sẽ bị ngộ độc.