Sự căng thẳng của não bộ (stress) có thể làm suy yếu hệ miễn dịch như thế nào

Cuộc sống bận rộn của xã hội hiện đại khiến “căng thẳng” hay “stress” trở thành một thuật ngữ phổ biến ở khắp mọi nơi. Bất cứ ai đều đã, đang, và sẽ có thể rơi vào trạng thái stress. Trái với suy nghĩ của nhiều người, stress không chỉ gây ra những tổn thương tâm lý, mà còn tác động cực kỳ tiêu cực đến sức khỏe thể chất của chúng ta.

Theo một nghiên cứu lâm sàng trên chuột mới được công bố trên tạp chí Cell ngày 8-8, Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể chúng ta cảm thấy ốm yếu, và vi khuẩn trong ruột có thể là nguyên nhân. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng việc não bị căng thẳng sẽ trực tiếp đóng các tuyến cụ thể trong ruột. Đây là cơ quan có nhiệm vụ tiết ra các chất hoá học, giải phóng vào bên trong hoặc ra bên ngoài cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột và hệ thống miễn dịch rộng hơn của cơ thể.

Nhà khoa học thần kinh John Cryan đến từ đại học College Cork Ireland cho biết phát hiện này "là một kỳ tích về mặt kỹ thuật". Hầu hết các nghiên cứu trước đây đều tập trung vào cách vi khuẩn ảnh hưởng đến não, còn bây giờ chúng ta đang xem xét cơ chế tác động ngược lại: Cách các trạng thái tâm lý của não có thể ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn, mà cụ thể là ở đường ruột.

Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng ruột và não có khả năng 'nói chuyện' với nhau. Khi bị căng thẳng, não sẽ thúc đẩy giải phóng các hormone có thể gây ra các tình trạng đường ruột như bệnh viêm ruột. Ngược lại, một số vi khuẩn trong ruột cũng có thể giải phóng các tín hiệu hóa học ảnh hưởng đến não và hành vi của cơ thể.

Sự căng thẳng của não bộ (stress) có thể làm suy yếu hệ miễn dịch như thế nào

Tuy nhiên, con đường dẫn truyền thần kinh ít được hiểu rõ hơn. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, nhà khoa học thần kinh Ivan de Araujo tại Viện Max Planck Đức và các cộng sự đã tập trung vào các cơ quan nhỏ gọi là tuyến Brunner nằm trong thành ruột non. Cho đến nay, các nhà khoa học biết rất ít về hoạt động của các tuyến này, ngoài việc chúng sản xuất chất nhầy và chứa nhiều tế bào thần kinh.

Nhóm nghiên cứu của De Araujo phát hiện ra rằng việc cắt bỏ tuyến Brunner ở chuột khiến những con vật này dễ bị nhiễm trùng hơn. Đồng thời cũng làm tăng các dấu hiệu viêm, một loạt các hóa chất miễn dịch và tế bào có thể gây tổn thương mô. Nhóm nghiên cứu đã thấy một tác động tương tự ở người: những người đã cắt bỏ khối u ở phần ruột chứa tuyến Brunner có mức tế bào bạch cầu cao hơn — một dấu hiệu viêm — so với người bình thường.

Phân tích sâu hơn cho thấy việc loại bỏ tuyến Brunner khỏi chuột cũng sẽ khiến vi khuẩn trong chi Lactobacillus sống trong ruột non biến mất. Đây vốn là một loại lợi khuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hàng rào bảo vệ ruột. Trong đường tiêu hóa khỏe mạnh, Lactobacilli kích thích sản xuất protein đóng vai trò như vữa giữa các tế bào lót ruột, giữ hầu hết các chất trong ruột, đồng thời cho phép một số chất dinh dưỡng nhất định đi vào máu. Khi Lactobacilli biến mất, ruột bị "rò rỉ", giải phóng một số chất có hai vào máu. Hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các phân tử lạ này, gây ra tình trạng viêm và bệnh tật như đã quan sát thấy ở những con chuột không có tuyến Brunner.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các tế bào thần kinh của tuyến. Họ phát hiện ra rằng các tuyến Brunner được kết nối trực tiếp với hạch hạnh nhân, vùng não liên quan đến cảm xúc và phản ứng stress, thông qua dây thần kinh phế vị. Khi chuột bị stress mãn tính, các tuyến Brunner bị ức chế, dẫn đến sự suy giảm Lactobacillus và tăng viêm nhiễm, tương tự như khi loại bỏ hoàn toàn các tuyến này.

Tiến sĩ De Araujo cho biết phát hiện này ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị các rối loạn liên quan đến căng thẳng như bệnh viêm ruột. Nhóm của ông hiện đang nghiên cứu xem liệu căng thẳng mãn tính từ người mẹ có ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh nhận Lactobacillus qua sữa mẹ hay không.

Thứ Tư, 14/08/2024 12:05
32 👨 114
0 Bình luận
Sắp xếp theo