Pando là sinh vật nặng nhất hành tinh với trọng lượng lên tới 6.600 tấn. Đây cũng là sinh vật lâu đời nhất trên thế giới, ước tính Pando đã 14.000 năm tuổi và có thể sẽ sống thêm được gần 1 triệu năm nữa.
Pando thực tế là 1 cây dương vàng đực mọc ở sườn dãy núi Wasatch thuộc Hạt Kiểm lâm Sông Fremont.
Nhìn từ trên cao, Pando trông giống như cả một khu rừng rộng hơn 42 ha, mọc lên khoảng 47.000 cá thể toàn là những cây dương vàng đực thân trắng.
Khi phân tích DNA của những cây dương tử đực của khu rừng này, các nhà khoa học rất kinh ngạc khi thấy chúng giống hệt nhau về mặt di truyền. Điều này có nghĩa là cả khu rừng này chỉ là 1 cá thể dương vàng duy nhất được nhân bản lên từ cùng một bộ rễ khổng lồ.
Mỗi nhánh cây trồi lên mặt đất chỉ sống được khoảng 100 năm. Khi một cây già và chết đi, cây non sẽ chiếm chỗ và duy trì sự sống suốt hơn 14.000 năm cho toàn bộ hệ rễ ngầm. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã đặt tên cho cá thể dương này một cái tên riêng, Pando, trong tiếng la tinh nghĩa là "Tôi lan toả".
Tuy nhiên, diện tích khu rừng dương đang thu hẹp lại, khả năng thay thế các cây dương đã chết của Pando giảm dần. Nguyên nhân chính là do con người đã loại bỏ phần lớn động vật ăn thịt hoang dã như sói và gấu xám khỏi khu vực rừng để đảm bảo an toàn cho sự phát triển du lịch trong khu vực. Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ của quần thể động vật ăn cỏ trong rừng Pando, chúng ăn các cây non đang mọc lên từ bộ rễ của nó.
Ngoài ra, bản thân nhiều cá thể dương già của Pando cũng đang bị ảnh hưởng bởi các loại bệnh như bệnh thối nhũn vỏ cây, đốm lá và bệnh nấm.
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ tới Pando. Thời tiết ấm hơn vào đầu năm đã khiến các nhánh cây khó hình thành lá mới, nhiệt độ tăng cao vào mùa hè đe dọa khu rừng có thể bị cháy. Ngoài ra, nguồn cung cấp nước là Pando cũng đang cạn kiệt dần.
Các nhóm hoạt động vì môi trường và cơ quan lâm nghiệp Hoa Kỳ đã có nhiều biện pháp để bảo vệ Pando và hệ sinh thái nó đang nuôi dưỡng.