Phẫu thuật mắt là việc vô cùng quan trọng, bất kể vì nguyên nhân gì đi chăng nữa. Thời gian cần để mắt hồi phục còn tùy thuộc vào loại phẫu thuật và cơ thể của từng người. Tuy nhiên, cho dù là phẫu thuật đục thủy tinh thể, võng mạc, giác mạc hay bất cứ loại phẫu thuật nào khác, bạn cũng phải dành thời gian để mắt nghỉ ngơi và hồi phục đúng cách. Dưới đây là phương pháp chăm sóc mắt đúng cách sau khi phẫu thuật. Mời các bạn cùng tham khảo!
Phần 1: Bảo vệ mắt
1. Tránh để nước vào mắt
Có thể bạn thích hất nước lên mặt vì cảm giác đó thật dễ chịu, nhưng hành động này có thể gây nhiễm trùng và khiến mắt của bạn cảm thấy khó chịu hơn sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, thời gian tránh để nước vào mắt có thể khác nhau tùy vào loại phẫu thuật. Ví dụ, bạn nên đeo kính bảo vệ mắt khi tắm vòi sen trong vòng một tuần sau phẫu thuật LASIK (Laser In-situ Keratomileusis - điều chỉnh tật khúc xạ của mắt). Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể hơn.
- Tất nhiên, điều này không áp dụng cho mọi loại phẫu thuật mắt, do đó bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ. Chẳng hạn như một chút nước vào mắt sau phẫu thuật võng mạc một ngày có lẽ không thành vấn đề.
- Thật nhẹ nhàng mỗi khi lau khô mặt.
2. Điều chỉnh thói quen rửa mặt
Thay vì rửa mặt bằng cách vỗ nước lên mặt, hãy làm ướt khăn mặt và lau thật nhẹ nhàng. Việc tắm vòi sen ngay sau phẫu thuật có thể khá rủi ro vì bạn phải tránh để nước rỏ xuống mắt (trừ trường hợp phẫu thuật võng mạc). Do đó, trừ khi được bác sĩ cho phép, nếu không có lẽ tắm bồn an toàn hơn vì nước chỉ ngập đến cổ. Khi muốn gội đầu, bạn nên ngửa đầu về phía sau để làm ướt tóc trong khi đó vẫn giữ khô mặt, tránh để nước vào mắt.
3. Tránh dùng mỹ phẩm xung quanh mắt
Không nên thoa bất cứ dung dịch chất lạ nào lên mặt ở xung quanh vùng mắt trước khi được bác sĩ cho phép, đó không chỉ mỹ phẩm mà tất cả các loại tinh dầu và lotion thường ngày bạn vẫn thoa lên mặt nữa. Bởi các sản phẩm này gây kích ứng mắt, có thể dẫn đến nhiễm trùng và gây nguy hiểm cho mắt.
- Tất nhiên, bạn vẫn có thể dùng son môi hoặc son bóng nhưng tránh mọi loại mỹ phẩm có thể dính vào mắt.
4. Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng trực tiếp từ mặt trời
Sau khi phẫu thuật, mắt của bạn sẽ không có khả năng thích nghi nhanh với ánh sáng từ bên ngoài. Đặc biệt là khi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mạnh, mắt của bạn có thể sẽ đau và cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng. Do đó, hãy tránh bất cứ thứ gì có thể làm mắt căng thẳng.
- Khi ra ngoài vào ban ngày, bạn cần đeo kính mắt theo đúng thời gian khuyến cáo của bác sĩ phẫu thuật. Khoảng thời gian này có thể từ ba ngày đến một tuần, tuy nhiên còn tùy thuộc vào loại phẫu thuật. Hãy tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.
5. Đeo băng che mắt khi ngủ
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyên bạn nên đeo băng che mắt khi ngủ trong vòng vài ngày cho đến hai tuần sau phẫu thuật. Việc này là để phòng ngừa bạn dụi mắt trong lúc ngủ.
6. Tránh khói và bụi
Trong vòng ít nhất một tuần sau khi phẫu thuật, mọi chất gây kích ứng đều có thể là nguồn gây nhiễm trùng. Hãy đeo kính bảo hộ nếu thấy có nguy cơ bụi bay vào mắt. Đặc biệt, những người hút thuốc nên cố gắng ngừng hút ít nhất một tuần, đồng thời đeo kính bảo vệ và hết sức tránh tiếp xúc với khói.
7. Không giụi mắt
Có thể mắt của bạn sẽ bị ngứa sau khi phẫu thuật, nhưng hãy cố gắng cưỡng lại phản xạ giụi mắt. Hành động này có thể gây tổn hại cho vết mổ mỏng manh và bề mặt của mắt. Hơn nữa, vi khuẩn từ bàn tay có thể lây lan vào mắt một cách dễ dàng.
- Thông thường, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn các dụng cụ bảo vệ mắt như băng gạc hoặc kính bảo hộ. Bạn có thể bỏ chúng ra để nhỏ thuốc mắt do bác sĩ chỉ định.
- Nhớ phải sử dụng các dụng cụ bảo vệ mắt trong thời gian bác sĩ khuyến cáo. Hãy cẩn thận khi ngủ, không để mắt bị chèn ép và giữ tư thế theo lời khuyên của bác sĩ.
8. Đề phòng vi khuẩn
Hãy rửa tay thật sạch mỗi khi có nguy cơ rủi ro tiếp xúc với vi khuẩn: ra ngoài trời, vào nhà tắm, đi lại, v.v... Ngoài ra, không đến những nơi đông người trong vài ngày đầu sau khi phẫu thuật. Bởi nếu nghỉ ở nhà, bạn có thể bớt phơi nhiễm với mầm bệnh.
9. Liên hệ ngay với bác sĩ phẫu thuật nếu xảy ra các triệu chứng nghiêm trọng
Nhớ báo cho bác sĩ biết các triệu chứng sau phẫu thuật và đi tái khám đúng hẹn để hạn chế các vấn đề có thể xảy ra. Nếu có biểu hiện các triệu chứng thông thường sau phẫu thuật nhưng kéo dài dai dẳng, bạn cũng cần nói ngay với bác sĩ. Ngoài ra, bạn có thể ghi lại thời gian các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Ngay lập tức báo với bác sĩ nếu có các triệu chứng nghiêm trọng như sau:
- Với phẫu thuật đục thủy tinh thể: Cơn đau tăng dần, mất thị lực hoặc bị lóa/thấy đốm đen bay trước mắt.
- Với phẫu thuật LASIK (phẫu thuật điều chỉnh tật khúc xạ): Cơn đau tăng dần lên hoặc thị lực giảm trong nhiều ngày sau phẫu thuật.
- Với phẫu thuật bong võng mạc: Có thể ban đầu bạn sẽ thấy ánh sáng lóa sau phẫu thuật, nhưng hiện tượng này dần dần biến mất. Nếu có ánh sáng lóa mới xuất hiện, hiện tượng nhìn thấy đốm đen bay trước mặt tăng lên hoặc mất tầm nhìn, bạn phải lập tức liên hệ với bác sĩ.
- Với mọi loại phẫu thuật: Cơn đau tăng dần, chảy dịch lẫn máu hoặc mất thị lực.
10. Tự chăm sóc bản thân
Để giữ gìn sức khỏe sau khi phẫu thuật, hãy áp dụng thực đơn cân bằng gồm chất đạm, hoa quả, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và nước ép hoa quả. Bên cạnh đó, uống nhiều nước để giúp vết thương mau lành. Viện Y học khuyến nghị nam giới nên uống 13 cốc (3 lít) nước, và nữ giới nên uống 9 cốc (2,2 lít) nước mỗi ngày.
11. Uống vitamin bổ sung
Mặc dù không thể thay thế cho thực đơn cân bằng hàng ngày nhưng vitamin tổng hợp có thể giúp bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt, vitamin C có thể hỗ trợ quá trình chữa lành; vitamin E, lutein và zeaxanthin bảo vệ các mô mới khỏi các gốc tự do có hại cho cơ thể và vitamin A cần thiết cho thị lực. Theo cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ khuyến nghị về liều lượng vitamin hàng ngày như sau:
- Vitamin C: 90mg cho nam giới; 75mg cho nữ giới; cộng thêm 35mg cho những người hút thuốc.
- Vitamin E: 15mg vitamin E tự nhiên hoặc 30mg vitamin E tổng hợp.
- Lutein và Zeaxanthin: 6mg.
12. Hạn chế tiếp xúc với màn hình vi tính
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể về thời gian bạn được phép tiếp xúc với màn hình vi tính, còn tùy vào tính chất cuộc phẫu thuật và tình hình hồi phục của bạn. Ví dụ, bạn không nên nhìn vào bất kỳ màn hình nào sau phẫu thuật LASIK chẳng hạn. Hãy trao đổi với bác sĩ về thời gian hạn chế tiếp xúc màn hình vi tính tùy theo tình trạng của bạn.
Phần 2: Dùng thuốc đúng cách
1. Dùng thuốc nhỏ mắt theo hướng dẫn
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc hai loại thuốc nhỏ mắt: thuốc kháng khuẩn hoặc kháng viêm. Thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn để chống nhiễm trùng, còn thuốc nhỏ mắt kháng viêm để chống tình trạng sưng viêm. Nếu gặp khó khăn trong việc chăm sóc mắt, hãy nhờ bạn bè hoặc người nhà giúp.
- Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc nhỏ mắt làm giãn mắt như atropine để ngăn ngừa hình thành sẹo trong con ngươi và giảm đau. Hoặc có thể chỉ định thuốc nhỏ mắt giúp giảm áp lực trong mắt, đặc biệt nếu trong quá trình phẫu thuật có tiêm khí hoặc dầu vào mắt.
2. Tra thuốc nhỏ mắt
Đầu tiên, ngửa đầu ra sau, hai mắt nhìn thẳng lên trần nhà để khỏi chớp mắt. Sau đó, dùng một ngón tay kéo mí mắt dưới xuống bên dưới và nhỏ thuốc vào đó. Nhắm mắt lại nhưng không giụi. Chờ ít nhất 5 phút trước khi nhỏ loại thuốc khác.
- Tránh để đầu lọ thuốc nhỏ mắt chạm vào mắt.
3. Cách tra thuốc mỡ mắt
Tra thuốc mỡ cũng giống như tra thuốc nhỏ mắt. Đầu tiên, ngửa đầu ra sau và nhẹ nhàng kéo mí mắt dưới xuống, dốc ngược lọ thuốc và nhẹ nhàng bóp thuốc mỡ vào mắt. Sau đó, nhắm mắt khoảng một phút để thuốc mỡ thấm vào mắt và bắt đầu phát huy tác dụng.
4. Rửa mắt theo hướng dẫn của bác sĩ
Bác sĩ thường hướng dẫn rửa xung quanh mắt mỗi ngày hai lần. Bạn có thể đun sôi nước, để ấm rồi nhúng khăn sạch vào nước để khử trùng. Rửa tay sạch, sau đó nhẹ nhàng lau mí mắt trên, mí mắt dưới và lông mi. Nhớ lau cả các góc mắt.
- Nhớ giặt khăn trong nước sôi hoặc dùng khăn mới và sạch cho mỗi lần rửa. Khăn phải được vô trùng vì mắt rất dễ bị nhiễm trùng sau khi được phẫu thuật.
Phần 3: Trở lại cuộc sống bình thường
1. Tham gia một số hoạt động nhẹ nhàng
Bạn có thể vận động nhẹ nhàng khi về nhà sau cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, các hoạt động nặng như tập tạ, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội cần phải tránh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tập tạ và căng cơ sẽ làm tăng áp lực trong mắt dẫn đến việc làm chậm quá trình lành bệnh và thậm chí còn gây tổn hại cho các mô đang lành.
- Hãy nhờ người khác giúp đỡ khi phải làm việc nặng. Bạn bè và người nhà của bạn sẽ rất sẵn lòng giúp đỡ và vui khi bạn bình phục nhanh chóng.
2. Khoan sinh hoạt tình dục
Cũng giống như tập thể dục, bạn nên khoan quay trở lại sinh hoạt tình dục. Bất cứ hành vi gắng sức nào cũng có thể gây áp lực trong mắt, làm chậm quá trình hồi phục.
3. Không lái xe ngay sau khi phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật, mắt thường bị nhòe có thể gây nguy hiểm trong lúc lái xe. Vì vậy, nên tránh lái xe cho đến khi thị lực hồi phục hoặc khi được bác sĩ cho phép. Nói chung, bạn có thể bắt đầu lái xe lại khi mắt có thể tập trung và không còn nhạy cảm với ánh sáng nữa.
- Hãy chắc chắn có người đưa bạn về nhà sau khi phẫu thuật.
4. Hỏi bác sĩ khi nào bạn có thể đi làm trở lại
Thời gian hồi phục còn tùy vào loại phẫu thuật và khả năng phục hồi của từng người. Một số loại phẫu thuật đòi hỏi đến 6 tuần để hồi phục. Ngược lại, phẫu thuật đục thủy tinh thể chỉ cần thời gian hồi phục khoảng một tuần.
5. Tránh thức uống có cồn trong thời gian hồi phục
Một ly rượu vang để cải thiện tâm trạng nghe có vẻ không hại gì nhưng thực ra chất cồn làm tăng xu hướng tích tụ chất lỏng trong cơ thể. Chất lỏng tích tụ trong mắt cũng có thể làm tăng áp lực lên mắt. Điều này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi hoặc khiến mắt có thể tổn thương thêm.
Phần 4: Hồi phục sau khi phẫu thuật mắt
1. Nghỉ ngơi ít nhất 24 tiếng sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể
Phẫu thuật đục thủy tinh thể lấy đi thủy tinh thể đục (màng đục) thường phát triển theo tuổi tác. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đặt kính nội nhãn nhân tạo vào trong mắt. Bệnh nhân thường than phiền về cảm giác có "vật lạ" trong mắt sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể. Hiện tượng này thường là triệu chứng khô mắt do các mũi khâu, do thuốc sát trùng sử dụng trước khi phẫu thuật dẫn đến kích ứng khô bất thường hoặc do tình trạng khô mắt trong quá trình phẫu thuật.
- Dây thần kinh thường phải mất vài tháng mới lành được, trong thời gian này bạn có thể có cảm giác lạ trong mắt.
- Để đối phó với các triệu chứng này, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt để bôi trơn và thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
2. Phẫu thuật bong võng mạc
Các triệu chứng khiến bạn phải phẫu thuật có thể kéo dài một thời gian sau phẫu thuật bong võng mạc, nhưng dần dần sẽ khỏi. Việc phẫu thuật bong võng mạc là cần thiết để tránh mù lòa. Hơn nữa, các triệu chứng này bao gồm tình trạng giảm thị lực không đau, ví dụ như cảm giác có màng che trước mắt; lóa mắt hoặc thấy ánh sáng ở góc mắt; và đột ngột xảy ra hiện tượng nhiều đốm đen bay trước mắt.
- Loại phẫu thuật bong võng mạc cần thời gian hồi phục khoảng từ một đến tám tuần.
- Sau phẫu thuật có thể thấy hơi đau, nhưng có thể xử lý bằng cách dùng thuốc giảm đau không kê toa hoặc chườm đá.
- Hiện tượng các đốm đen bay trước mắt hoặc thấy ánh sáng lóa sẽ dần dần biến mất. Hãy liên lạc với bác sĩ ngay lập tức nếu thấy xuất hiện ánh sáng lóa vốn không xảy ra trước khi phẫu thuật.
- Bạn cũng có thể thấy vệt đen hoặc trắng bạc trong tầm nhìn. Hiện tượng này là do các bóng khí tích tụ lại và sẽ biến mất khi không khí dần dần hấp thụ vào mắt.
3. Hồi phục sau phẫu thuật LASIK
Mặc dù thời gian tiến hành phẫu thuật LASIK ngắn, nhưng thời gian phục hồi có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng. LASIK là phẫu thuật dành cho những người có tật khúc xạ phải đeo kính hoặc dùng kính sát tròng. Loại phẫu thuật này sử dụng tia laser để làm thay đổi độ cong của giác mạc, giúp bệnh nhân nhìn rõ hơn. Sau phẫu thuật, bạn có thể bị chảy nước mắt nhiều hơn, thấy các quầng sáng hoặc hình ảnh bị nhòe. Ngoài ra, còn cảm thấy bỏng rát hoặc ngứa, điều quan trọng là bạn phải cố gắng không chạm vào mắt. Nếu các triệu chứng trở nên quá khó chịu, bạn cần báo lại cho bác sĩ.
- Bác sĩ thường hẹn tái khám trong vòng 24-48 tiếng sau phẫu thuật để kiểm tra thị lực và tình trạng nhiễm trùng. Hãy báo với bác sĩ về bất cứ cảm giác đau hoặc các tác dụng phụ nếu có, đồng thời sắp xếp các buổi tái khám tiếp theo.
- Dần dần quay trở lại các hoạt động thường ngày, nhưng phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Bạn có thể trang điểm và bôi kem dưỡng da lên mặt sau hai tuần. Sau bốn tuần có thể tham gia các hoạt động mạnh và các môn thể thao tiếp xúc.
- Tránh giụi mí mắt, đi tắm bể nước nóng hoặc bồn nước xoáy trong khoảng 1-2 tháng hoặc trong thời gian theo khuyến cáo của chuyên gia chăm sóc mắt.
Tham khảo thêm một số bài viết:
- 3 cách tự nhiên giúp tăng cường thị lực hiệu quả
- Lý giải vì sao đôi khi mí mắt của chúng ta bị co giật?
- Đường sọc trên móng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư hắc tố
Chúc các bạn vui vẻ!