Chúng ta đều biết rằng, mỗi mẫu DNA chỉ nhận dạng và định nghĩa lên một con người duy nhất. Điều đó có nghĩa là mỗi con người trên trái đất này chỉ có một mẫu DNA duy nhất và không giống bất cứ ai nhưng điều này có vẻ không còn đúng một cách tuyệt đối nữa. Trên thế giới tồn tại không ít người có 2 DNA trong cơ thể.
Khác với trường hợp bệnh nhân đa nhân cách, tưởng tượng ra một con người khác bên trong trí não của mình, người mang 2 DNA đang thực sự sống chung cơ thể với một con người khác. Con người này tồn tại thực sự dưới dạng vật lý khiến cho các bộ phận như da, móng tay, gan hoặc máu... mang một DNA khác hẳn với những phần còn lại của cơ thể.
Một người làm thế nào mà lại có 2 DNA?
Một người có 2 DNA là do họ mắc bệnh ung thư máu và đã được ghép mô dị di truyền như ghép tủy xương. Khi đó, các tế bào máu gốc chưa trưởng thành có thể phát triển thành tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong cơ thể người nhận nhưng chúng vẫn mang DNA của người hiến tặng. Những trường hợp như vậy được gọi là người Chimera, tên của một quái thú ba đầu trong thần thoại Hy Lạp.
Hiện nay, trên thế giới tồn tại hàng trăm người có 2 DNA khác nhau. Theo thống kê tới năm 2013, trên thế giới đã ghi nhận 1 triệu ca ghép tủy, 50% những ca ghép sẽ tạo ra người Chimera.
Nỗi đau của những người Chimera
Những người Chimera gây ra không ít rắc rối, một số trường hợp hy hữu xảy ra như những tên tội phạm thoát án do dấu vết để lại hiện trường không trùng khớp với mẫu DNA trong máu hắn hay chuyện bố đẻ không phải là cha ruột do có 2 DNA khác nhau khiến nhiều người đau đầu.
Đặc biệt, Chimera khiến những người sau khi ghép tủy phải chịu những nỗi thống khổ do bệnh ghép chống chủ (graft vs. host disease- GVHD) - cuộc chiến giữa tế bào ghép và tế bào chủ. Điều này giống như có 2 người đang cạnh tranh, giằng xé nhau bên trong để chiếm lấy toàn bộ cơ thể họ.
Ronni Gordon (ngoài cùng bên phải) trong lễ tốt nghiệp của con gái cô.
Ronni Gordon, một người Chimera sau khi tiến hành cấy ghép tủy tới 4 lần do mắc bệnh ung thư máu đã phải chống chọi với GVHD trong suốt 13 năm qua. Hệ tiêu hóa, gan và da của cô bị tàn phá do có 2 loại DNA và cô phải điều trị GVHD trong suốt phần đời còn lại của mình. Đây là cái giá phải trả để cô được tiếp tục nhìn ngắm con cái của mình lớn lên và trưởng thành.
Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những gì mà Gordon phải chịu đựng, việc uống thuốc để kiểm soát GVHD khiến hệ miễn dịch của cô bị suy yếu cực độ thậm chí là mắc ung thư da tế bào vảy, da bụng cứng lại như quả bóng bowling, bàn tay phồng rộp lên và da đùi giống một miếng nilon bọt bóng....
Để đối phó với tình hình đó, Gordon phải thực hiện liệu pháp quan hóa ngoài cơ thể ECP (extracorporeal photopheresis). Máu của cô được rút ra ngoài, tách riêng các tế bào bạch cầu và dùng tia cực tím chiếu vào chúng để làm biến đổi DNA của bạch cầu sau đó lại được truyền vào cơ thể Gordon. Điều này đã có kết quả tốt đẹp và cuộc sống của Gordon đã trở lại bình thường.
Cha đẻ của ghép tủy xương
Nhà khoa học E. Donnall Thomas (1920-2012) chính là cha đẻ sáng chế ra phương pháp ghép tủy xương cứu sống hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu trên thế giới. Ông đã giành giải Nobel cho phát hiện của mình năm 1990.
E. Donnall Thomas (trái), cha đẻ của ghép tủy xương, trong lễ trao giải Nobel năm 1990.
Năm 1957, Thomas xuất bản một báo cáo khoa học trình bày phương pháp mới trong điều trị ung thư máu, gồm 3 liệu trình: xạ trị, hóa trị và truyền tủy xương. Công trình của ông gặp phải sự phản đối, nghi ngờ từ nhiều nhà khoa học và bác sĩ cùng thời, thậm chí theo họ công việc này là vô nghĩa.
Ghép tủy là một thủ thuật khó khăn bởi nếu cấy những mô và tế bào ngoại lai vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ giết chết chúng hoặc tế bào cấy ghép sẽ lật ngược lại phá hủy cơ thể của bệnh nhân. Vấn đề này chỉ được giải quyết nếu chúng ta tìm được nguồn hiến tặng giống hệt từ một người anh em song sinh.
Thomas đã tìm cách giải quyết được vấn đề nan giải, mấu chốt này bằng cách sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch để không cho quá trình đào thải xảy ra. Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể được cấy ghép từ người hiến tặng ngoài gia đình giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân ung thư máu.
Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có khoảng 50.000 bệnh nhân được ghép tủy, 53% từ chính tế bào gốc của họ, 47% nhận các tế bào từ người khác hoặc máu dây rốn tương đương với khoảng 24.000 bệnh nhân nhận được các tế bào hiến tặng.