Những mâu thuẫn xung quanh vụ bán lọ nước tắm giá 30 USD và câu hỏi thú vị về DNA

Nếu bạn lượn lờ qua một vài trang tin giải trí, chuyện phiếm, cả trong nước lẫn quốc tế, có lẽ không khó để thấy thằng câu chuyện kỳ quặc nhưng cũng không kém phần giải trí đáng chú ý nhất tuần qua chính là vụ việc của ngôi sao mạng xã hội Belle Delphine. Cụ thể, cô nàng nổi tiếng trong giới “sống ảo” toàn cầu này đã đăng đàn rao bán… nước tắm của chính mình, một lọ nhỏ bằng lòng bàn tay có giá 30 USD, và điều thú vị là các fan hâm mộ của cô đã nhiệt tình ủng hộ.

Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói thêm nếu những người thuộc “trường phái” đa nghi không đặt ra câu hỏi to tướng về việc liệu lọ nước tắm giao đến tay các fan hâm mộ có thực sự là của Belle Delphine hay không? Nếu có thì lấy gì để chứng minh và nếu không thì cô nàng này có nên bị phạt với hành vi lừa gạt, “bán hàng giả”?

Ngôi sao mạng xã hội Belle DelphineNgôi sao mạng xã hội Belle Delphine

Thắc mắc trên âu cũng hợp tình hợp lý bởi mặt hàng này không hề rẻ, nó có giá tới 30 USD và người tiêu dùng đương nhiên có quyền đặt dấu hỏi về chất lượng sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, một thành viên Reddit đã nghĩ ra phương án gửi mẫu nước tắm mà anh ta mua đến phòng thí nghiệm để thử phân tích DNA xem có phải “chính chủ” hay không. Ngay khi có kết quả, thành viên này đã đăng đàn thông tin cho biết trong lọ nước tắm trị giá 30 USD mà anh ta mua về không hề chứa DNA của con người - và do đó có thể không phải là nước tắm của Belle Delphine.

Đương nhiên bài viết này đã nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán, thậm chí tranh luận gay gắt trên nhiều diễn đàn khác nhau. Và khi mà những lý lẽ mang tính chủ quan đã bắt đầu dần không tìm được tiếng nói chung, khoa học đã nhanh chóng vào cuộc. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chúng ta có thể thực sự kiểm tra nước trong bồn tắm của một người để tìm DNA của người đó hay không?

“Tất nhiên, điều này là hoàn toàn có thể”, đó là câu khẳng định chắc nịch của nhà sinh vật học pháp y nổi tiếng Helen Page. Helen Page hiện đang là giảng viên cao cấp tại Đại học Teesside, Anh Quốc, đồng thời là một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu DNA. Trong quá khứ, cô đã thực sự nghiên cứu cách phục hồi các mẫu DNA rất đặc biệt, thu được từ bồn tắm.

Nói qua một chút về DNA. Về cơ bản, DNA là phân tử mang thông tin di truyền dưới dạng bộ ba mã di truyền, quy định mọi hoạt động sống (bao gồm quá trình sinh trưởng, sinh sản, phát triển...) của mọi loài sinh vật và hầu hết các virus tồn tại trên trái đất. Thông tin sinh học, các mã di truyền đến những thế hệ tiếp theo cũng như để chỉ dẫn cho quá trình sản sinh và tổng hợp protein sẽ được lưu trữ trong DNA.

Trên thực tế, việc phục hồi các chuỗi DNA từ những mẫu vật thu được trong phòng tắm như vòi hoa sen hoặc bồn tắm không phải là nhiệm vụ xa lạ trong lĩnh vực pháp y hình sự. Công việc này có thể cung cấp những đóng góp hữu ích, mang tính bước ngoặt trong quá trình điều tra một vụ án (thường là tấn công tình dục), đặc biệt là nếu nạn nhân không muốn trải qua một cuộc kiểm tra pháp y đầy đủ (thường khá phức tạp và nhạy cảm), hoặc đã tắm sau khi bị tấn công.

Helen Page đã từng dành nhiều năm nghiên cứu về việc làm thế nào có thể phục hồi được DNA trong mẫu tinh dịch thu được từ hiện trường sau một khoảng thời gian nhất định. Mẫu tinh dịch này có thể được tìm thấy ở lưới chắn cống thoát nước nhà tắm, khăn tắm, bồn tắm, hoặc các vật dụng kỳ cọ khác như bông tắm (còn gọi là bọt biển, xơ mướp). Cô phát hiện ra rằng hoàn toàn có thể phục hồi được DNA từ mẫu vật phẩm thu được trên lưới chắn nhà tắm, những vết bẩn, hay thậm chí chỉ bằng cách lau xung quanh các bức tường, chân đế và miệng cống thoát của bồn tắm.

Ngoài ra, Helen Page cũng đã chứng minh rằng có thể phục hồi được DNA từ tinh dịch trong nước tắm, tuy nhiên tinh dịch cũng chứa đựng những đặc điểm sinh học rất khác so với các tế bào trong cơ thể. “Cấu trúc DNA của một tinh trùng khá bền vững so với các tế bào khác, đặc biệt là khi nói đến quá trình suy biến tự nhiên (lão hóa) của tế bào nói chung”, nhà nghiên cứu cho biết. Trong trường hợp của cô nàng Belle Delphine, thay vì tinh dịch, nguồn DNA có nhiều khả năng được tìm thấy nhất sẽ là từ các tế bào da, có thể bị bong ra khi da tiếp xúc với nước và trôi nổi trong bồn nước tắm. Nghiên cứu của Helen Page về vấn đề này tiếp tục được thực hiện dưới các điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên với trường hợp của cô nàng ngôi sao mạng xã hội kia, nếu không có bằng chứng cụ thể về “quy trình sản xuất” (hành động cụ thể của Belle Delphine trong bồn tắm), thì thực sự không có cách nào để xác định được lượng DNA của Delphine trong nước là bao nhiêu.

Mô phỏng cấu trúc chuỗi DNAMô phỏng cấu trúc chuỗi DNA

“Sẽ rất khó để biết được có bao nhiêu tế bào đã bị bong ra trong khi tắm, hay “nghịch nước”, Helen Page cho biết. Đồng thời nhà khoa học này cũng nhận định rằng nếu Belle Delphine chỉ dội nhẹ nước lên cơ thể (như trong đoạn video quảng cáo), sẽ có rất ít tế bào da bị bong ra so với khi kỳ cọ kỹ hơn. Đồng thời bày tỏ sự hoài nghi về việc về việc một lọ nước tắm nhỏ như vậy có thể chứa đủ lượng DNA cần thiết để phân tích, đặc biệt là khi cô nàng này chỉ dội nhẹ nước như vậy.

Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng rất đáng lưu ý, đó là thời gian mà DNA có thể tồn tại được trong một môi trường phức tạp như nước tắm là không dài. Những mối đe dọa lớn nhất đối với tính toàn vẹn DNA là nhiệt độ, độ ẩm và vi khuẩn... đều là các yếu tố vốn rất dễ dàng tìm thấy được trong bồn tắm. Ngoài ra xà phòng và các phụ gia tẩy rửa khác có tính ăn mòn cao cũng có thể dễ dàng phá vỡ cấu trúc DNA, trong khi không nhiều nghiên cứu khoa học sẵn có hiện nay có liên quan đến những trường hợp này.

Vấn đề chưa dừng lại ở đó. Ngay cả khi có đủ lượng DNA (còn cấu trúc nguyên vẹn) cần thiết trong nước để tiến hành kiểm tra, đồng thời bạn sở hữu trang thiết bị phòng thí nghiệm phù hợp, việc xác định danh tính một người cũng không phải đơn giản. Trong trường hợp này, quá trình phân tích hoàn toàn có thể chỉ rõ được DNA đó có phải là của con người hay không, tuy nhiên việc xác định được chuỗi DNA đó thuộc về ai lại là câu chuyện khác. “Bạn không thể khẳng định đó là DNA của Belle Delphine trừ khi bạn nắm trong tay hồ sơ DNA của cô ấy để so sánh trực tiếp, đó là điều kiện bắt buộc”, Helen Page cho biết.

Buộc phải có hồ sơ DNA gốc của đối tượng để tiền hành so sánh

Tất nhiên, toàn bộ những điều “dài dằng dặc” nêu trên sẽ chỉ trả lời được cho câu hỏi liệu mọi người có thể - chứ không phải họ có nên - thử nghiệm một bình nhỏ nước tắm trị giá 30 đô la để tìm DNA. Còn về mục đích của Belle Delphine trong phi vụ mua bán kỳ quặc này thì đã quá rõ ràng. Ngôi sao mạng xã hội này muốn bán những lọ nước đó cho người hâm mộ của mình. Họ vui và cô ấy thu về được lợi nhuận, đôi bên cùng hài lòng với thoả thuận giao dịch. Do đó việc cố gắng chỉ ra rằng những lọ nước tắm này có thực sự là “hàng chuẩn” hay không vừa là công việc khó khăn lại không mang nhiều ý nghĩa, bởi những người muốn tin (các fan hâm mộ của Belle Delphine) thì họ vẫn sẽ tin, trong khi những người tỏ ra hoài nghi ngay từ đầu sẽ vẫn không tin tưởng vào kết quả cuối cùng.

Và trên tất cả, nhà chức trách, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng chẳng có lý do gì để xử phạt Belle Delphine, trừ khi họ nhận được những khiếu nại và bằng chứng cụ thể về việc cô nàng này bán “đồ rởm”.

Thứ Hai, 15/07/2019 08:20
55 👨 461
0 Bình luận
Sắp xếp theo