Niue là quốc gia đầu tiên trên hành tinh không bị ô nhiễm ánh sáng

Lâu nay chúng ta thường nghe nói tới ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm rác thải nhựa… mà không biết rằng có một loại hình ô nhiễm khác không kém phần nguy hiểm đang có tác động ngày càng càng sâu rộng đến cuộc sống của chúng ta, đó là ô nhiễm ánh sáng.

Theo định nghĩa khoa học, ô nhiễm ánh sáng là một dạng ô nhiễm môi trường, xảy ra khi ánh sáng nhân tạo lấn át ánh sáng tự nhiên vào ban đêm, gây khó chịu cho con người. Nói cách khác, đây là hiện tượng xảy ra khi con người tạo ra lượng ánh sáng quá mức, gây khó chịu. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng có hại với sức khỏe, che mờ ánh sáng của các ngôi sao, ảnh hưởng đến việc quan sát thiên văn, lãng phí năng lượng và làm rối loạn cuộc sống của các loài động vật hoang dã, phá hủy sự cân bằng sinh thái.

Ô nhiễm ánh sáng

Hiện tượng ô nhiễm ánh sáng có mặt ở khắp các đô thị lớn và gần như tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới, trừ Niue.

Ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng đến khả năng quan sát thiên văn

Niue - có lẽ nhiều người trong số chúng ta chưa từng biết đến sự tồn tại của đất nước này. Đây là một quốc gia nhỏ bé, nằm hoàn toàn trên một hòn đảo san hô có diện tích 260 km² ở khu vực Nam Thái Bình Dương, cách 2.400 km về phía đông bắc New Zealand. Dân số Niue chỉ vỏn vẹn 1400 người và bên cạnh cảnh đẹp tự nhiên trời phú, quốc gia này còn nổi tiếng với danh hiệu đất nước không bị ô nhiễm ánh sáng.

Vào ban đêm, Niue thực sự "tắt đèn" - theo đúng nghĩa đen. Trên thực tế, đất nước này vừa chính thức được công nhận là một “Dark Sky Place” - khu vực có bầu trời đêm đạt độ tối đủ tiêu chuẩn để quan sát vũ trụ bằng mắt thường cũng như các hệ thống kính thiên văn cầm tay.

Niue không bị ô nhiễm ánh sáng

Đây có thể được coi là phần thưởng cho cam kết của Niue trong việc giữ ánh sáng nhân tạo ở mức tối thiểu. Tất nhiên, sự vắng mặt của ô nhiễm ánh sáng cũng đã là phần thưởng lớn cho quốc gia này. Nhưng danh hiệu Dark Sky Place còn giúp Niue được biết đến như một đất nước mà mọi người có thể quan sát vũ trụ qua bầu trời đêm một cách toàn diện. Hiện không có nhiều khu vực có người sinh sống trên Trái Đất đáp ứng được tiêu chuẩn này, khiến các hoạt động nghiên cứu thiên văn học bị ảnh hưởng đáng kể.

“Đây là một nhiệm vụ to lớn đối với chúng tôi, bởi nó chỉ ra cho phần còn lại của thế giới rằng chúng tôi rất coi trọng sự bền vững của môi trường. Chúng tôi bảo tồn đất, biển và bây giờ là bầu trời như những báu vật quý giá”, Giám đốc điều hành Du lịch Niue, ông Felicity Bollen cho biết.

Bầu trời đêm ở Niue

Các ngôi sao và bầu trời đêm có một ý nghĩa rất lớn đối với lối sống của người Niuean, từ góc độ văn hóa, môi trường và sức khỏe. Trở thành một quốc gia Dark Sky Place sẽ giúp Niue tiếp cận được nhiều hơn với các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế trong việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên hiện tại cho các thế hệ người Niueans và du khách tương lai đến với đất nước này.

Thứ Năm, 02/04/2020 20:00
4,84 👨 1.896
0 Bình luận
Sắp xếp theo