Một nhóm các nhà khảo cổ học quốc tế vừa bất ngờ tìm thấy hai mảnh hổ phách cực kỳ quý hiếm tại khu vực Teruel, miền trung Tây Ban Nha. Những miếng hổ phách này mang trong mình dấu tích vô giá của thời gian và được bảo tồn một cách hoàn hảo. Đó là những sợi lông của một loài khủng long biết bay và một loài động vật có vú lâu đời trên hành tinh - khám phá gợi nhớ đến bộ phim viễn tưởng Công viên kỷ Jura.
Trên thực tế, có rất nhiều mỏ hổ phách với niên đại từ kỷ Phấn Trắng vẫn chưa được khai thác nằm ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Theo ước tính của các nhà khoa học, hai mảnh mẫu vật trên có niên đại từ 105-110 triệu năm tuổi, tức là đã tồn tại từ đầu kỷ Phấn Trắng. Chúng được tìm thấy ở hai địa điểm cách nhau 40km thuộc tỉnh Teruel, Aragon, Tây Ban Nha. Điều đáng nói là chính các nhà khoa học cũng không ngờ rằng họ có thể tìm thấy mẫu vật được bảo quản tự nhiên tốt như vậy trong hổ phách.
Mảnh hổ phách đầu tiên được tìm thấy tại mỏ hổ phách San Just thuộc thị trấn Utrillas, Teruel, Aragon, Tây Ban Nha. Chứa đựng phần còn lại của những mảng lông vũ khá nhỏ được cho là thuộc về một loài khủng long biết bay. Tuy nhiên do phần lông lưu giữ trong mảnh hổ phách không đủ lớn, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nó thuộc về loài khủng long nào. Một số giả thuyết đang nghiêng về Á điểu (Enantiornithes), tổ tiên của các loài chim hiện đại.
Miếng hổ phách thứ hai chứa đựng ba sợi lông của một loài động vật có vú được khai quật tại khu vực mỏ Santa Maria thuộc vùng đô thị Ariño, Teruel, Aragon, Tây Ban Nha. Những mảnh lông này được cho là thuộc về một loài động vật có vú cổ đại thuộc họ chồn, rụng ra khi con vật đang trong thời kỳ thay lông hoặc vô tình dính nhựa cây khi nó đang ngủ hoặc nghỉ ngơi. Tuy nhiên các nhà khoa học cũng không loại trừ khả năng những sợi lông này đến từ một loài động vật cổ đại chưa từng được biết tới.
Hổ phách, còn được gọi là huyết phách, minh phách, hồng tùng chi, về cơ bản là nhựa cây đã hóa đá. Thông thường, những mảnh hổ phách gần như chỉ lưu giữ mẫu vật côn trùng hoặc động vật không xương sống nhỏ bởi những loài này có xu hướng sống trên cây. Việc tìm thấy những phần còn sót lại của động vật có xương sống trong hổ phách như trên là điều vô cùng hiếm gặp.
Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu hơn trên hai miếng hổ phách này nhằm làm sáng tỏ sự thật về những bí mật tự nhiên vô giá ẩn chứa bên trong.