Leandro Malta Borges, một sinh viên ĐH Santa Maria (Brazil) khi nghiên cứu về loài nhện Tarantula đã phát hiện ra một cảnh tượng đáng kinh ngạc: một con nhện Tarantula khổng lồ đang tấn công và xẻ thịt một con rắn đất Almaden (Erythrolamprus almadensis) dài gần 40cm, lớn hơn nó nhiều lần.
Hiện tượng nhện săn rắn đã từng được ghi chép nhưng đó là loài nhện góa phụ đen nổi tiếng với nọc độc cực mạnh và biết cách kết mạng để bẫy mồi. Còn với loài nhện Tarantla, điều này chưa từng được ghi nhận trước đây trong tự nhiên.
Loài nhện Tarantula này có tên là Grammostola quirogai, một chi của loài nhện khổng lồ. Chúng có kích thước to bằng bàn tay, bên ngoài lông lá xù xì và cặp răng nanh dài tới 2cm trông rất đáng sợ. Loài G.quirogai có nọc độc nhưng chúng ta chưa biết nhiều về nọc độc của chúng.
Thông thường, nhện Tarantula săn các loài nhện khác, bò sát nhỏ, côn trùng, động vật lưỡng cư, chim...
Theo các nhà nghiên cứu, có khả năng con rắn vô tình tiến vào nơi ẩn nấp của nhện Tarantula. Không bỏ lỡ cơ hội, con nhện đã tấn công, hạ gục, giết chết con rắn bằng cặp răng nanh dài và cơ hàm cực khỏe của mình.
Để có thể ăn hết được con rắn có kích thước lớn hơn mình nhiều lần, con nhện sẽ bơm một chất dịch tiêu hóa vào cơ thể con mồi để hóa lỏng các bộ phận bên trong. Sau đó, chúng chỉ việc hút loại chất lỏng này như một loại "nước dinh dưỡng".
Khi được phát hiện, con rắn đã chết, phần đầu đã bị nhện xẻ thịt nham nhở. Quả thực, loài nhện đáng nể hơn con người tưởng rất nhiều.