Các nhà khoa học và sinh vật học đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã phát hiện một loài rắn lục mới tại Việt Nam sở hữu nọc độc nguy hiểm.
Trong năm 2023, các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu thực địa tại một số khu rừng ven biển miền Nam Việt Nam để khảo sát các loài động vật hoang dã trong khu vực. Trong chuyến đi thực địa này, họ đã tìm thấy hàng chục cá thể rắn lục với đôi mắt vàng nổi bật.
Trong đó, nổi bật là một cá thể rắn lục với đôi mắt màu vàng và cặp môi màu xanh, dài khoảng 63cm được tìm thấy trong khu rừng thuộc tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam.
Sau khi xem xét kỹ hơn về những cá thể rắn bắt được, họ phát hiện chúng có những đặc điểm khác biệt và thuộc một loài hoàn toàn mới và đặt tên cho chúng là rắn lục mép xanh, với tên khoa học Trimeresurus cyanolabris.
Rắn lục mép xanh khác biệt so với các loài rắn lục đã được biết đến về số lượng vảy, màu sắc và mắt. Chúng có ít nhất 6% sự khác biệt về di truyền so với các loài rắn lục khác đã được biết đến.
Rắn lục mép xanh có kích thước nhỏ, cơ thể màu xanh lá dài khoảng 60cm và mảnh, đầu hình tam giác phân biệt rõ với cổ. Hai bên và bụng chúng có màu xanh vàng, đuôi có một vạch màu đỏ tối ở phần cuối. Dọc theo môi, xương hàm và cổ họng là một vệt màu xanh da trời. Điểm nổi bật của chúng là đôi mắt màu vàng, to và sáng.
Rắn lục mép xanh sống trong những khu rừng ven biển duyên hải miền Trung Việt Nam, trên những tảng đá gần sông, trong các bụi rậm trên mặt đất từ Phú Yên tới Ninh Thuận. Vào ban ngày, chúng thường nằm ẩn mình trên các cành cây thấp hoặc trong các hốc cây, vào lúc hoàng hôn và trời tối mới đi kiếm ăn. Thức ăn của chúng là các loài ếch và thằn lằn nhỏ.
Rắn lục mép xanh sở hữu nọc độc nguy hiểm cho con người, nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa nghiên cứu kỹ về nọc độc của chúng.