Camera mất 1.000 năm để chụp một bức ảnh

Dự án "Camera Thiên niên kỷ" do nhà triết học Jonathan Keats tại Đại học Mỹ thuật Arizona cùng nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sa mạc phát triển nhằm chụp bức ảnh chậm nhất thế giới.

Các nhà khoa học đã đặt camera với thiết kế đơn giản trên đỉnh đồi Tumamoc, Tucson, bang Arizona, để ghi lại những thay đổi về cảnh quan xung quanh với thời gian phơi sáng dài kỷ lục, lên tới 1.000 năm.

Camera Thiên niên kỷ được đặt trên một chiếc cọc ở đồi Tumamoc. Ảnh: Chris Richards/University Communications
Camera Thiên niên kỷ được đặt trên một chiếc cọc ở đồi Tumamoc. Ảnh: Chris Richards/University Communications

Chìa khóa để thiết kế một chiếc camera có thể tồn tại 1.000 năm là sự đơn giản. Camera Thiên niên kỷ có thiết kế dạng camera lỗ kim cổ điển gồm một ống trụ bằng đồng với một tấm vàng 24 karat mỏng ở một đầu và có một lỗ nhỏ. Ánh sáng xuyên qua lỗ đó và chiếu lên bề mặt nhạy sáng bên trong camera, được phủ nhiều lớp mỏng chất màu sơn dầu mang tên rose madder.

Camera Thiên niên kỷ được gắn trên một cột thép, gần chiếc ghế dài ven một con đường đi bộ trên đồi Tumamoc cùng một tấm biển giải thích mục đích dự án.

Trong suốt 1.000 năm, bề mặt nhạy sáng bên trong camera sẽ bị tác động dần dần bởi ánh sáng phản chiếu từ cảnh quan. Các chất màu sẽ bị làm mờ ở các mức độ khác nhau một cách chậm rãi trong quá trình phơi sáng có kiểm soát.

Những vùng tối hơn, sẽ mờ chậm hơn vùng sáng. Trong tương lai, bức ảnh sẽ là một hồ sơ độc đáo về những gì thay đổi và những gì vẫn giữ nguyên trong khoảng thời gian này.

Vậy bức ảnh sẽ trông như thế nào? Keats cho biết, ví dụ sau 500 năm nữa toàn bộ nhà cửa bị dỡ bỏ, khi đó những ngọn núi sẽ trở nên thoáng đãng, sắc nét và đậm màu, còn nhà cửa sẽ giống như bóng ma.

Keats dự định lắp đặt thêm các Camera Thiên niên kỷ trong vùng quay về nhiều hướng khác nhau và một số nơi trên thế giới như Công viên Griffith ở Los Angeles, Mỹ, phần dãy núi Alps thuộc Áo và các địa điểm ở Trung Quốc.

Thứ Năm, 11/01/2024 16:35
52 👨 1.115
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học