Đầu tuần này, một tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã phóng 58 vệ tinh Starlink mới vào quỹ đạo Trái đất. Để tiết kiệm chi phí, SpaceX cố gắng thu hồi lại các phần Nosecone của tên lửa, một trong số các bộ phận quan trọng sẽ rơi ra trong quá trình phóng.
Nosecone là phần chóp hình nón ở đầu của tên lửa vũ trụ, bao phủ khoang tải trọng. Sau khi tàu vũ trụ bay vào không gian, phần Nosecone sẽ rơi trở lại Trái đất.
Mới đây, Elon Musk đã chia sẻ một video được thực hiện bởi một máy bay không người lái ghi lại một cú "túm bắt" Nosecone đã được thực hiện thành công.
Trong video, khi một nửa của Nosecone đang từ từ rơi xuống biển thì bị tóm lại bằng một tấm lưới rộng trên chiếc thuyền được đặt tên là Ms.Tree. SpaceX có hai chiếc thuyền như vậy và nhiệm vụ của chúng là cố gắng bắt cả hai nửa của Nosecone khi chúng lao xuống.
Video của Elon Musk chia sẻ cho thấy quá trình tóm bắt được thực hiện theo cách mà chưa ai từng thấy trước đây và trông có vẻ mọi thứ diễn ra khá dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình này phức tạp và khó khăn hơn nhiều.
Nosecone có thiết kế đặc biệt nên 2 nửa của nó có tạo hình không cân xứng. Điều này khiến việc dự đoán hướng và tốc độ rơi xuống của chúng gặp khó khăn. Không có gì đảm bảo rằng khi Nosecone quay trở lại Trái đất, các con thuyền sẽ bắt được chúng.
Và trong lần phóng ở trên, khi một tàu của SpaceX khác đã không kịp tới thu hồi nửa còn lại của Nosecone, nó rơi xuống dưới đáy đại dương.
Nhưng tại sao SpaceX phải bận tâm để bắt các Nosecone đến vậy?
Bên trong các nửa Nosecone là các linh kiện vô cùng phức tạp và đắt tiền. Mỗi nửa Nosecone có giá khoảng 6 triệu USD và việc phục hồi tân trang lại nó rẻ hơn rất nhiều so với việc làm những chiếc mới hoàn toàn.