Cá mặt thỏ là một món ăn ngon và đắt tiền nhưng cũng vô cùng nguy hiểm bởi loài cá này có chứa một loại độc tố thần kinh có thể cướp đi sinh mạng con người trong thời gian ngắn.
Cá mặt thỏ là cá gì?
Cá mặt thỏ là một loài cá sống ngoài khơi xa, ở dưới đáy cách mực nước biển từ 40-50m. Loài cá này sống chủ yếu ở khu vực các đảo Phú Quý, Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Cái tên của loài cá này bắt nguồn từ hàm răng giống răng thỏ và vô cùng chắc khỏe, có thể cắn rách lưới của ngư dân. Loài cá này rất hung dữ. Thức ăn của chúng là các loài cá yếu hơn và thậm chí là cả đồng loại.
Vì khó đánh bắt và hiếm nên cá mặt thỏ có giá thành khá cao. Cá mặt thỏ là nguyên liệu chế biến nhiều món ngon. Da cá mặt thỏ thường được lột ngay sau khi đánh bắt để làm nguyên liệu sản xuất hoạt chất collagen tái tạo mô.
Cá mặt thỏ độc như thế nào?
Cá mặt thỏ còn được gọi là cá nóc mú bởi loài cá này chứa độc tố Tetrodotoxin (TTX) gây chết người, tương tự như cá nóc. Độc thường tập trung ở trứng, gan và mật nên nếu để chất độc này dính vào thịt khi chế biến món ăn thì có thể gây ra ngộ độc.
Độc tố TTX là một loại độc tố thần kinh nguy hiểm, không bị phá huỷ khi nấu chín, phơi khô hay sấy. TTX thường có trong da, gan hoặc thịt của một số sinh vật biển như cá nóc, sam, ốc, bạch tuộc... TTX được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa trong vòng 5-15 phút. Nếu ăn phải thức ăn có chứa độc tố này, sau khoảng 10 phút nạn nhân sẽ bị tê, ngứa môi và phía trong miệng, yếu liệt cơ, hạ huyết áp... Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong sau khoảng 30 phút.