Gạo lứt có gì khác gạo bình thường? Bệnh tiểu đường có nên ăn gạo lứt không? Nếu bạn đang có cùng nỗi băn khoăn này thì Quản Trị Mạng sẽ giúp bạn giải đáp thông qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung
Tại sao người bệnh tiểu đường không nên ăn gạo thường
Trong số các loại thực phẩm có chứa tinh bột, gạo trắng được xếp vào loại có hàm lượng tinh bột và tỷ lệ đường cao, dễ gây tăng đường huyết sau ăn nên được đưa vào danh sách “ thực phẩm” nguy hiểm cho người bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân vì điều này mà kiêng hoàn toàn cơm trắng cũng như tinh bột cũng là một quan niệm sai lầm có thể dẫn đến hệ lụy sức khỏe khác. Nguyên nhân là vì việc nhịn ăn tinh bột như vậy có khả năng khiến cho cơ thể bị thiếu năng lượng, dẫn đến hạ đường huyết, thậm chí có thể gây ra hôn mê và tử vong.
Vậy người bệnh tiểu đường nên ăn gì tốt hơn thay cho cơm gạo trắng?
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường đó là cần lựa chọn những thực phẩm có thể dùng thay thế được cơm mà vẫn đảm bảo không có khả năng làm tăng đường huyết đột ngột sau khi ăn và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể trong ngày dài hoạt động.
Hiện nay, rất nhiều người đã và đang truyền tai nhau rằng bệnh nhân tiểu đường nên sử dụng gạo lứt thay cho gạo trắng, điều này có thực sự đúng? Nếu bạn đang có chung câu hỏi thì hãy theo dõi tiếp bài viết này nhé.
Bệnh tiểu đường có nên ăn gạo lứt không?
Để có thể lý giải vấn đề người bệnh tiểu đường có nên ăn gạo lứt không thì trước hết, chúng ta cần tìm hiểu rõ xem loại gạo này là gì và có thành phần dinh dưỡng như thế nào.
Gạo lứt là gì? Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt có gì đặc biệt?
Gạo lứt, còn gọi là gạo rằn, gạo lật là loại gạo chỉ xay bỏ vỏ trấu, chưa được xát bỏ lớp cám gạo. Đây là loại gạo rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là các sinh tố và nguyên tố vi lượng. Thành phần dinh dưỡng chủ yếu của gạo lứt bao gồm: Chất xơ, protein, mangan, thiamine, niacin, axit pantothenic (B5), pyridoxine (B6), đồng, selen, magie, photpho, kẽm, carbs, chất béo. Hơn nữa, gạo lứt còn là một nguồn giàu riboflavin, sắt, kali và folate.
Với những thành phần trên đây, nhiều chuyên gia dinh dưỡng và các nhà khoa học đã tìm ra được sự liên kết giữa việc ăn gạo lứt với duy trì sức khỏe cho con người, đặc biệt là với người bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch… Vậy công dụng của gạo lứt với người bệnh tiểu đường cụ thể là như thế nào?
Công dụng của gạo lứt với việc phòng và điều trị bệnh tiểu đường
Chỉ số đường huyết (Glycemic Index) dùng để đo lường mức độ thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu và là một công cụ hữu ích để người bệnh tiểu đường có thể đánh giá chất lượng thực phẩm trước khi ăn. Các loại thực phẩm có chỉ số GI cao sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn so với những thực phẩm có GI trung bình hoặc thấp.
Theo đó, GI của gạo lứt là 68 ± 4, trên thang tính 100, trong khi gạo trắng sau khi xay, giã, gạo trắng có chỉ số đường huyết là 73, thuộc danh sách thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Hơn nữa, không giống như gạo lứt, gạo trắng có ít chất xơ, tiêu hoá nhanh hơn, dẫn đến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Người mắc bệnh tiểu đường thường được khuyến cáo hạn chế ăn các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao, thay vào đó nên ăn các loại thực phẩm có GI thấp cùng với thực phẩm nhiều chất xơ, có chỉ số lượng đường thấp, nguồn protein và chất béo lành mạnh. Gạo lứt chính là loại lương thực phù hợp với tiêu chí này.
- Với hàm lượng chất xơ cao, gạo lứt có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu đường nên không làm tăng đường huyết đột ngột, làm giảm đáng kể lượng đường trong máu sau bữa ăn, tốt cho những người có trọng lượng dư thừa, cũng như những người mắc bệnh tiểu đường loại 2. Kiểm soát lượng đường trong máu là phương pháp hữu hiệu nhất giúp ngăn ngừa, trì hoãn sự tiến triển của bệnh tiểu đường.
- Gạo lứt còn đóng vai trò làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 ngay từ giai đoạn đầu nhờ có hàm lượng magie cao. Magie chủ yếu cải thiện tác dụng của insulin và giúp đưa lượng đường trong máu vào các tế bào. Với nguồn cung cấp magie kém, các tế bào sẽ trở nên ít nhạy cảm hơn với hormone của cơ thể. Điều này sẽ gây thiếu hụt insulin khiến lượng lớn đường thừa sẽ đi vào máu làm tăng nguy cơ đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tiểu đường ăn nhiều magie, insulin hoạt động tốt hơn và lượng đường trong máu giảm.
- Lượng hemoglobin trong lớp cùi của hạt gạo lứt được chuyển hóa thành glycosyl-hóa, cải thiện quá trình tổng hợp insulin ở bệnh nhân tiểu đường. Bên cạnh đó, gạo lứt chứa các vitamin nhóm B, và các chất kháng oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa glucose trong cơ thể.
Không chỉ vậy, các thành phần dinh dưỡng trong gạo lứt còn có nhiều tác dụng trong việc tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra với bệnh nhân tiểu đường như: Biến chứng về tim mạch, đột quỵ, ung thư…
- Gạo lứt chứa các chất xơ, carotenoid, phytosterol, acid omega 3, inositol hexaphosphate(IP6)... Đây là các chất có tác dụng phòng chống sự ngưng kết các tiểu huyết cầu và làm giảm hàm lượng cholesterol xấu, giảm lượng triglyceride, tăng HDL cholesterol tốt, tăng bài tiết chất béo… Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bị các biến chứng cấp tính về huyết áp, tim mạch cho bệnh nhân tiểu đường.
- Coenzyme Q10 mang lại tác động tích cực đối với áp suất máu và cholesterol, cải thiện những chức năng của cơ tim, ổn định nhịp tim, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ, tai biến tim mạch.
- Sterol và sterolin trong gạo lứt có tác dụng quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch kháng vi khuẩn, vi rút, phòng chống ung thư, làm chậm quá trình lão hóa.
Ngoài ra, gạo lứt có nhiều chất xơ hơn so với gạo trắng, vì vậy, quá trình tiêu hóa sẽ diễn ra lâu hơn, cảm giác đói sẽ đến chậm hơn. Việc này sẽ giúp làm giảm cảm giác thèm ăn của bạn, góp phần giảm cân, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Gạo dành cho người tiểu đường mua ở đâu?
Những công dụng của gạo lứt đối với sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường là rất rõ ràng, tuy nhiên, gạo dành cho người tiểu đường mua ở đâu, mua loại nào cũng cần tìm hiểu. Bởi gạo lứt trên thị trường hiện nay không chỉ có một loại và không phải loại nào cũng đem lại tác dụng như nhau. Gạo lứt trên thị trường hiện nay đang chia thành 4 loại gồm: Gạo lứt tẻ, gạo lứt nếp, gạo lứt đỏ và gạo lứt đen.
- Gạo lứt tẻ: Là loại gạo được xay từ gạo thông thường, tức là khi xay lúa của gạo tẻ 1 lần, chỉ loại bỏ vỏ trấu.
- Gạo lứt nếp: Gồm có gạo nếp than, gạo nếp ngỗng, nếp Thái Bình, nếp hương và đặc biệt là gạo nguyên cám của giống nếp cái hoa vàng.
- Gạo lứt đỏ: Gạo lứt đỏ được nhận biết bằng màu nâu đỏ bên ngoài và bên trong hạt gạo vẫn là màu trắng. Nhiều nơi gọi gạo lứt đỏ là gạo lứt huyết rồng nên thường dễ gây nhầm lẫn với loại gạo huyết rồng. Tuy gạo huyết rồng cũng có phần vỏ ngoài màu đỏ nhưng khi bẻ ra, hạt gạo bên trong không có màu trắng như gạo lứt đỏ mà có màu đỏ đậm. Khi mua hàng bạn nên chú ý kiểm tra để không mua nhầm bởi gạo huyết rồng có tác dụng hoàn toàn ngược lại so với gạo lứt đỏ, không phù hợp với người bị tiểu đường.
- Gạo lứt đen: Là loại gạo chứa hàm lượng đường thấp nhưng lại rất nhiều chất xơ và hợp chất thực vật rất tốt cho sức khỏe.
Để mua các loại gạo có chất lượng tốt thì bạn nên đến các siêu thị, chợ dân sinh lớn hoặc có thể mua online tại các trang bán hàng online uy tín.
Cần lưu ý gì khi sử dụng gạo lứt cho người bệnh tiểu đường?
Gạo lứt cũng không có quá nhiều khác biệt về cách chế biến so với các loại gạo thông thường, tuy nhiên trong quá trình sử dụng gạo lứt cho người bệnh tiểu đường bạn vẫn cần lưu ý một số điều sau:
- Gạo lứt chỉ được bảo quản 4 - 5 tháng do đó nếu để lâu sẽ có mùi, không còn tác dụng.
- Gạo lứt ăn rất cứng, cần phải ngâm trước khi nấu và nấu lâu mới chín. Tuy nhiên, bạn không nên ngâm gạo quá lâu cũng như vo quá kỹ, việc này sẽ làm mất đi lượng lớn dinh dưỡng từ phần cám gạo.
- Khi ăn gạo lứt nên nhai kĩ ra nước mới nuốt, nếu không sẽ gây ra chứng khó tiêu.
- Gạo lứt có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe nhưng với điều kiện là sạch, không chứa tồn dư chất hóa học, chất bảo quản. Vì vậy, bạn cần chọn mua gạo lứt ở những địa chỉ uy tín, có bao bì nhãn mác rõ ràng.
- Chỉ nên sử dụng gạo lứt từ 2 - 3 lần/tuần, bởi dùng quá thường xuyên không mang lại nhiều lợi ích, thậm chí còn gây phản tác dụng.
- Gạo lứt vẫn có tinh bột nên người bị tiểu đường khi ăn cần tính toán kỹ khẩu phần, nếu đã ăn gạo lứt trong bữa chính cần cắt bỏ tinh bột ở các thức ăn khác.
- Gạo lứt chỉ là thực phẩm hỗ trợ chữa, phòng chống bệnh chứ hoàn toàn không có tác dụng chính là chữa bệnh tiểu đường.
Đến đây thì chắc hẳn bạn đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi bệnh tiểu đường có nên ăn gạo lứt không rồi nhỉ? Hy vọng với những thông tin trên, Quản Trị Mạng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về loại thực phẩm này cũng như cách sử dụng gạo lứt một cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và bản thân.