Google Stadia - Tên gián điệp trong vỏ bọc dịch vụ chơi game, có thể lắm chứ!

Google đang ngày càng tỏ rõ ý định “xâm chiếm” thị trường game với hàng loạt các sản phẩm ấn tượng, mới đây nhất là Stadia - nền tảng chơi game hoàn toàn mới cho phép chơi game thông qua dịch vụ đám mây của hãng. Google tin rằng việc họ xây dựng lên nền tảng Stadia sẽ đóng vai trò cực lớn trong việc định hướng cho tương lai phát triển của ngành công nghiệp game. Có thể hiểu nôm na rằng Stadia sẽ thay đổi căn bản toàn diện phương thức chơi game cũng như phát video trực tuyến (livestream) hiện nay, từ hình thức cá thể hóa sang tập trung theo từng vùng cũng như máy chủ thông qua kết nối internet. Suy nghĩ này là hoàn toàn “thức thời”, và đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là người dùng bởi với một nền tảng như Stadia, họ sẽ chỉ cần đến trình duyệt Chrome và mạng Internet tốc độ cao, ổn định là có thể chiến mượt phần lớn các tựa game khủng hiện nay, đồng thời cũng có thể phát trực tiếp tất cả các nội dung mà mình muốn trên hầu hết mọi thiết bị có kết nối internet như TV, điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay laptop…Vâng, sự ưu việt của nền tảng chơi game này là không thể bàn cãi, nhưng khoan! Bạn cũng đừng quên rằng Google xuất thân từ một công cụ tìm kiếm, và đồng thời cũng là một trong những công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu lớn nhất thế giới. Công ty Mountain View này tập hợp dữ liệu về mọi thứ, từ giáo dục, cộng đồng, cho đến trí tuệ nhân tạo. Họ thậm chí còn nghiên cứu cách thức bạn sử dụng các trang web như YouTube và Gmail ra sao, hay thói quen lướt web như thế nào, vậy thì Google có thể làm gì với loại dữ liệu mà họ thu nhận được từ người dùng thông qua nền tảng phát trực tuyến trò chơi Stadia mới của mình? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ngay sau đây.

Google Stadia

Nếu Stadia hoạt động đúng theo như mô tả, thì như đã nói, nền tảng này hoàn toàn có khả năng thay đổi cách thức hoạt động của ngành công nghiệp game nói chung, và đồng thời nó cũng sẽ thu về cho Google một loại dữ liệu người dùng mới mà công ty này chưa từng “sờ đến” trước đây, đó chính là dữ liệu cá nhân liên quan đến các game thủ. Cụ thể hơn, những thông tin cơ bản đại loại như trò chơi mà người dùng mua, họ dành ra bao nhiêu phút chơi game mỗi ngày và thường chơi ở khung giờ nào… Bên cách đó, dữ liệu về loại hình thiết bị mà người chơi sử dụng để kết nối với Stadia cũng có thể cung cấp những hiểu biết có giá trị giúp Google kiếm “tiền tấn” từ một lĩnh vực chưa bao giờ (và có lẽ sẽ không bao giờ) hết hot trong thời đại thông tin toàn cầu hóa như hiện nay, đó là: Bán quảng cáo.

Những thông tin dạng như cách thức mà bạn chơi game, mới nghe qua thì có vẻ vô thưởng vô phạt. Ai mà thèm quan tâm đến việc gã “game thủ” nghiệp dư kia chơi game như thế nào cơ chứ! Tuy nhiên, những bộ não “nhìn đâu cũng ra tiền” đang an tọa tại Mountain View lại không nghĩ như vậy. Với họ, đây là một trong những nguồn dữ liệu quý giá nhất. Theo giáo sư Jon Festinger, đang công tác tại Trung tâm truyền thông kỹ thuật số Canada thì với sự ảnh hưởng của mình trong thế giới Internet, Google hoàn toàn có thể dễ dàng thu thập thông tin rồi sau đó phân tích và đánh giá sở thích hoặc khuynh hướng chính trị, cũng như quan điểm của bạn từ những loại dữ liệu mà nhiều người cho là chẳng để làm gì như lịch sử tìm kiếm internet, thói quen truy cập web, hay thậm chí là loại game mà bạn thường xuyên chơi và quyết định của bạn trong game hoàn toàn có thể giúp tiết lộ một bức tranh chân thực đến mức đáng ngạc nhiên về con người bạn, và đó là thứ mà Google hướng đến.

“Bạn có phải là người rụt rè không? Bạn có táo bạo trong việc đưa ra quyết định không? Bạn có dám chấp nhận rủi ro? Những loại rủi ro nào bạn dám đối mặt? Bạn thấy gì và không thấy gì? Khả năng xử lý tình huống thế nào? Đó là ví dụ về những thông tin mà một nhà tâm lý học giỏi sẽ có thể lần ra khi nắm trong tay dữ liệu về cách thức mà chúng ta chơi một trò chơi tưởng chừng như đơn giản, qua đó có thể hiểu rất rõ về chúng ta”, giáo sư Jon Festinger cho biết.

Bethesda và Ubisoft, 2 nhà phát hành game lớn đang hợp tác với Google trên nền tảng Stadia

Bethesda và Ubisoft, 2 nhà phát hành game lớn đang hợp tác với Google trên nền tảng Stadia, đã không thể đưa ra câu trả lời ngay trước câu hỏi của giới chuyên gia về việc những tựa game mà họ phát hành trên nền tảng mới của Google có được sử dụng cho mục đích thu thập dữ liệu hay không, liệu có phải do câu hỏi này quá bất ngờ và nằm ngoài “dự tính” của họ? Tuy nhiên, thực tế mà nói thì ngay cả khi không có sự tham gia của nhà phát hành game, những trò chơi video vốn từ lâu cũng đã được sử dụng để nghiên cứu cách thức mà một người bình thường suy nghĩ và đưa ra quyết định. Ví dụ, trong quá khứ, nhiều công trình nghiên cứu đã được tiến hành để kiểm tra “tính linh hoạt” của tinh thần đồng đội cũng như các mối quan hệ hợp tác trong game bằng cách thu thập dữ liệu và phân tích cách thức các bang hội trong World of Warcraft vận hành. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác liên quan đến tính năng voice chat cũng đã được thực hiện nhằm tìm hiểu cách thức mà nam giới và nữ giới được đối xử khác nhau như thế nào trong môi trường game.

World of Warcraft

Rachel Kowert, tiến sĩ, giám đốc nghiên cứu tại Take This, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm tăng cường hỗ trợ cho các vấn đề sức khỏe tâm thần trong cộng đồng game, đã giải thích tình huống này như sau: “Trong môi trường của nhiều trò chơi trực tuyến (game online), các nhà nghiên cứu sẽ nghiên cứu những “khoảng cách” trong cách thức mà mọi người tương tác với nhau trong trò chơi. Từ đó, có thể phân tích được mức độ thân mật trong game ra sao? Hay phức tạp hơn là có bao nhiêu tương tác xã hội giữa các game thủ khi họ chơi trò chơi nhập vai so với những tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất?”.

Loại hình nghiên cứu này trước đây vốn chỉ được thực hiện với nhóm dữ liệu rất hạn chế, thường được cung cấp bởi mô tả từ chính người chơi, tức là dữ liệu “bị động”. Cụ thể, người chơi được yêu cầu nhớ lại những hành vi mà họ thực hiện trong trò chơi, hay họ đã dành bao nhiêu thời gian trong trò chơi đó chẳng hạn. Nhưng với sự xuất hiện của các nền tảng như Stadia, những dữ liệu dạng này sẽ được thu thập một cách chủ động, cũng như đảm bảo tính khách quan tốt hơn rất nhiều. Google sẽ có thể thu thập dữ liệu người chơi theo độ tuổi, vùng miền, giới tính, cũng như thể loại game mà họ chơi. Đây là những thông tin “lớp trên” của loại dữ liệu họ đã thu thập được thông qua email, lịch sử tìm kiếm, lịch sử vị trí và hơn thế nữa.

Trên thực tế, các công ty phát triển trò chơi cũng đã bắt đầu triển khai những công trình nghiên cứu dữ liệu người chơi của riêng mình trong vài năm trở lại đây, nhưng họ thường chỉ lưu giữ những phân tích này trong môi trường nội bộ. Thế nhưng với Google thì lại khác, cái “nội bộ” của công ty này lại mang ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều. Trong khi một công ty như Blizzard - nhà phát triển của tựa game huyền thoại World of Warcraft, thường tiến hành những nghiên cứu về hành vi của người chơi chỉ để nắm được xem được người chơi cần gì, mong muốn gì và qua đó, cải thiện trò chơi hoặc đưa ra kế hoạch kiếm tiền mới, nhưng Google thì lại khác, họ đang nắm trong tay một hệ sinh thái rộng lớn, từ phần mềm điện thoại thông minh đến tự động hóa và bảo mật gia đình.

Mountain View Googe

“Tôi nghĩ rằng lợi thế duy nhất mà Google sẽ sở hữu đó dữ liệu người chơi trên nền tảng của mình theo độ tuổi, vùng miền, giới tính, và thể loại, kết hợp với dữ liệu mà họ đã thu thập được thông qua email, lịch sử tìm kiếm, lịch sử vị trí và nhiều dịch vụ khác”, tiến sĩ Rachel Kowert chia sẻ.

Từ năm 2012, chính sách về quyền riêng tư của Google, đã cho phép công ty này kết hợp dữ liệu được thu thập về một cá nhân từ một dịch vụ với tất cả dữ liệu mà họ đã thu nhận được từ các dịch vụ khác trong cùng hệ sinh thái của mình. Như chúng ta đều biết, Stadia đã được dự định tung ra thị trường dưới dạng một dịch vụ của Google (và thậm chí nền tảng này còn sở hữu một vị trí trong Google Store), do đó, thật hợp lý khi giả định dữ liệu được thu thập về bạn thông qua Stadia có thể kết nối với mọi thứ khác mà Google đã nắm giữ, giúp công ty này tạo nên một bức “chân dung” hoàn chỉnh và chân thực về chính bạn.

Khi đưa ra nhận xét về việc Google sẽ tiến hành nghiên cứu về người dùng hay phát triển các sản phẩm chơi game nói không với việc thu thập dữ liệu người chơi, một đại diện của Google chỉ nói đơn giản rằng công ty sẽ có nhiều thứ để chia sẻ cho giới quan sát về các thông tin chi tiết cụ thể của Stadia vào thời điểm nền tảng này sắp được đưa vào vận hành chính thức. Liệu có thể hiểu đây là một sự “né tránh” hay “kế nghi binh” khôn ngoan tới từ gã khổng lồ Mountain View không nhỉ?

GOOG-411

Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì cái mà chúng ta đã biết là Google có thể sử dụng những dữ liệu dường như không quan trọng để xây dựng lên các sản phẩm thực sự mạnh mẽ. Quay trở lại thời điểm năm 2007, công ty đã ra mắt dịch vụ tìm kiếm trên điện thoại có tên GOOG-411, bản thân nó là một tập hợp con của dịch vụ VOIP và thư thoại, Google Voice. Người dùng GOOG-411 có thể gọi đến một số điện thoại miễn phí để tìm kiếm các doanh nghiệp, địa điểm xung quanh nơi họ sống hoặc tại một khu vực nhất định. Khi mà điện thoại thông minh chưa phổ biến như ở thời điểm đó, GOOG-411 là một dịch vụ miễn phí rất hữu ích và được người dùng đánh giá cao.

Và tất nhiên Google cũng thụ lợi rất nhiều từ “chuyến phiêu lưu” này. Trong một cuộc phỏng vấn tại Hội nghị thượng đỉnh Web 2.0 năm 2007, Marissa Mayer, người mà sau đó đã trở thành phó chủ tịch phụ trách sản phẩm tìm kiếm và trải nghiệm người dùng của Google, đã giải thích rằng những người sử dụng dịch vụ này vô hình chung đã cung cấp cho Google những “thông tin cần thiết” để xây dựng lên một công cụ chuyển đổi giọng nói thành văn bản mạnh mẽ và hữu ích.

“Nếu bạn muốn chúng tôi xây dựng một mô hình chuyển đổi giọng nói thành văn bản thực sự mạnh mẽ, chúng tôi sẽ cần phải sử dụng đến rất nhiều "âm vị", đó là một âm tiết như được nói bởi một giọng nói cụ thể với ngữ điệu cụ thể, tóm lại là "người thật việc thật". Và GOOG-411 đã có đóng góp rất lớn trong việc giúp Google thu thập loại dữ liệu này”, Marissa Mayer chia sẻ.

Đương nhiên những thông tin mà vị đại diện của Google chia sẻ phía trên chỉ được công khai sau khi GOOG-411 đã được đưa vào sử dụng rộng rãi sau vài tháng. Bên cạnh đó, có lẽ cũng bởi chính sự tiện lợi của công cụ này mà việc liệu nó có vi phạm chính những chính sách về bảo mật và quyền riêng tư của Google hay không cũng dần trôi vào dĩ vãng.

Sau cùng, điều này đã mang lại cho Google một lợi thế không hề nhỏ trong thị trường phần mềm ra lệnh bằng giọng nói vốn vẫn đang phát triển hết sức mạnh mẽ ở thời điểm hiện tại. Thật vậy, đến năm 2010 - một thời gian ngắn trước khi GOOG-411 ngừng hoạt động - công ty đã giới thiệu công cụ ra lệnh giọng nói Voice Actions cho điện thoại Android của mình. Cuối cùng, tính năng này đã được tích hợp vào Google Now, và đến năm 2016, công cụ này đã đổi tên thành Google Assistant - một nền tảng trợ lý ảo nổi tiếng, được sử dụng trên hơn 1 tỷ thiết bị công nghệ ngày nay, cũng như nắm trong tay tiềm năng phát triển cực lớn trong tương lai.

Google vẫn tiếp tục sử dụng chiến lược này ngay cả ở thời điểm hiện tại. “Google Goggles” là cỗ máy học tập gọn gàng, một ứng dụng di động nhận dạng hình ảnh do Google phát triển. Nó được sử dụng cho các tìm kiếm dựa trên hình ảnh chụp bằng thiết bị cầm tay. Tuy nhiên các kỹ sư trong nội bộ Google lại chỉ coi đó là một “dự án nghiên cứu”. Ngày nay, nghiên cứu đó đã làm nền tảng cho sự ra đời của Google Lens, một công cụ tìm kiếm thông qua hình ảnh trên smartphone được tích hợp trong ứng dụng Google Photos của Google, vận hành bởi trí tuệ nhân tạo cho hiệu quả cực cao. Ngoài ra cũng phải kể đến trường hợp của Niantic, một công ty khởi nghiệp nội bộ của Google, đã tạo ra một trò chơi có tên Ingress thu hút tới hơn 5 triệu lượt gửi vị trí từ cá nhân một cách tự nguyện từ chính người chơi - lượng dữ liệu khổng lồ và rất có giá trị đối với bất cứ nhà cung cấp dịch vụ nào chứ không riêng gì Google. Kho dữ liệu vị trí này sau đó tiếp tục được sử dụng để hình thành nên cơ sở của tựa game Pokémon Go cực kỳ nổi tiếng vài năm trước.

Không thể nói chắc chắn rằng loại sản phẩm, tính năng hoặc hiểu biết nào mà Google có thể nhận được từ việc phân tích dữ liệu người chơi thu được trên Stadia. Cũng giống như việc vào năm 2007, ai mà biết được dự án GOOG-411 tiện dụng là thế sau cùng lại trở thành bước đệm cho sự phổ biến của trợ lý ảo thông minh Google Assistant ngày nay. Chúng ta đều biết dữ liệu người chơi là hữu ích và có giá trị, nhưng không, hay nói đúng hơn là chưa thể biết được Google sẽ sử dụng nó chính xác vào mục đích nào.

Google Assistant

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là với kinh nghiệm của mình, Google thừa khôn ngoan để biết cách tận dụng những dữ liệu dường như vô hại từ một sản phẩm, và sử dụng nó để tinh chỉnh hoặc thậm chí ra mắt một nền tảng khác hoàn toàn mới có thể mang lại bội tiền. Cho đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về Stadia, đơn giản nhất là việc nền tảng này sẽ thực sự hoạt động như thế nào, liệu nó có thể “định nghĩa lại” thị trường game như tham vọng của Google hay sẽ sớm “về nơi an nghỉ cuối cùng" như nhiều cái tên đình đám khác của gã khổng lồ tìm kiếm này. Sau tất cả, bạn đừng quên đọc qua về chính sách quyền riêng tư trước khi quyết định sử dụng Stadia hay bất kỳ nền tảng dịch vụ nào khác nói chung, sẽ là không thừa đâu!

Bạn có suy nghĩ thế nào về vấn đề này? Hãy để lại ý kiến ở mục bình luận bên dưới nhé!

Thứ Tư, 10/04/2019 08:28
55 👨 238
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ