Đom đóm có lẽ là loài côn trùng thân thuộc với đại đa số người Việt Nam, không chỉ bởi chúng gắn liền với ruộng đồng, cảnh làng quê yên bình, mà còn xuất hiện cả trong những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn truyền miệng của dân tộc trong hàng ngàn đời qua. Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta đều đã từng nghe đến câu truyện về thần đồng Nguyễn Hiền - trạng nguyên trẻ nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam (13 tuổi), bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn, dùi mài kinh sử sớm khuya.
Thế nhưng đã bao lâu rồi bạn chưa nhìn thấy một con đom đóm? Có lẽ là rất lâu rồi, và trên thực tế, loài động vật này đang dần biến mất khỏi trái đất, giống như ong, lưỡng cư và bướm. Vậy lý do ở đây là gì?
Nguyên nhân thực sự gây suy giảm số lượng đom đóm vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên có 3 yếu tố chính đang được các nhà sinh vật học chú trọng nghiên cứu: Sự thu hẹp của môi trường sống, hóa chất độc hại (có xu hướng tồn tại trong môi trường nước nơi đom đóm bắt đầu cuộc sống của chúng) và ô nhiễm ánh sáng.
Sự thu hẹp môi trường sống
Hầu hết các loài đom đóm phát triển như ấu trùng trong gỗ mục nát, nền đất ở rìa ao, suối, và thậm chí ở dưới nước. Đom đóm là động vật tiêu biểu cho vùng ôn đới mặc dù phần lớn chúng sống ở vùng nhiệt và cận nhiệt đới (khoảng 2000 loài). Chúng chủ yếu được nhìn thấy trên các cánh đồng, rừng và đầm lầy. Môi trường ưa thích của chúng là nước ấm, ẩm ướt và gần nước, chẳng hạn như ao, suối và sông, hoặc thậm chí là những vùng đầm lầy. Đom đóm là những sinh vật có tập tính hoạt động về ban đêm (mặc dù có những loại sống vào ban ngày). Con đực thường có cánh, bay vào những đêm đầu mùa hạ và đa số đều có thể phát sáng ở bụng - đặc điểm nhận dạng chủ yếu của chúng trong đêm tối.
Dân số thế giới ngày càng tăng đồng nghĩa với việc môi trường sống của động vật nói chung và đom đóm nói riêng ngày càng bị thu hẹp. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục biến những cánh rừng thành khu công nghiệp, những đồng cỏ thành khu dân cư, số lượng đom đóm sẽ càng suy giảm. Đó là điều chắc chắn.
Ô nhiễm ánh sáng
Bên cạnh sự thu hẹp của môi trường sống, ô nhiễm ánh sáng cũng là mối đe dọa lớn đối với đom đóm. Cả đom đóm đực và cái đều sử dụng ánh sáng rực rỡ phát ra từ bụng để liên lạc với nhau, tìm kiếm bạn tình, xua đuổi kẻ thù và thiết lập lãnh thổ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nguồn ánh sáng - kể cả ánh sáng bất động, như đèn đường hoặc đèn từ dân, lẫn ánh sáng tạm thời, như đèn pha ô tô - đều khiến đom đóm gặp khó khăn trong giao tiếp với nhau. Một lý thuyết đơn giản, nếu đom đóm mẹ và bố không thể tìm thấy nhau để giao phối do tác động từ các loại ánh sáng nhân tạo của con người, đương nhiên những ấu trùng đom đóm non sẽ không bao giờ được sinh ra.
Sự tò mò của con người
Một trong những hành vi của con người mà các nhà nghiên cứu cho rằng góp phần dẫn đến sự suy giảm số lượng đom đóm là tính tò mò quá mức. Những đàn đom đóm lập lòe trong đêm luôn là cảnh tượng lôi cuốn, gắn liền với nhiều câu chuyện kỳ bí, từ đó thu hút nhiều người tới chiêm ngưỡng. Các tour du lịch để ngắm nhìn đom đóm phát sáng từ lâu đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ngành du lịch này nếu không được quy hoạch và quản lý tốt cũng sẽ khiến môi trường sống của đom đóm bị ảnh hưởng.
Ô nhiễm môi trường
Nguyên nhân cuối cùng chính là ô nhiễm môi trường và sự biến đổi khí hậu. Trái đất đang ấm dần lên nhanh chóng kéo theo hàng loạt hệ lụy tiêu cực khác khiến số lượng các loài côn trùng sụt giảm với tốc độ “đáng sợ”, lên đến 2.5% mỗi năm. Đom đóm đương nhiên không nằm ngoài số đó.
Bên cạnh đó, sự phơi nhiễm thuốc trừ sâu cũng là vấn đề lớn với đom đóm. Theo các chuyên gia, chất hữu cơ gốc phốt phát tên organophosphate và neonicotinoid trong nhiều loại thuốc trừ sâu ngoài việc giết sâu bọ chúng còn giết luôn cả các loài côn trùng khác.