Vài năm trở lại đây tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng tăng lên với số lượng chóng mặt. Không chỉ ở nước ngoài mà tình trạng này còn xảy ra ở Việt Nam. Đây là một vấn nạn trong xã hội đáng báo động khi nhân cách của những con người này càng bị tha hóa, mang tính cầm thú, mất nhân tính.
Trẻ bị xâm hại tình dục, không chỉ bị nỗi đau về thể chất, mà nỗi đau tinh thần đó còn mãi ám ảnh trong suy nghĩ của các em sau này, không thể nào xóa nhòa đi được.
Theo các cuộc điều tra của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, từ năm 2011 đến 2015, cả nước đã xảy ra 8.200 vụ xâm hại trẻ em với tổng số 9.920 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Điều đặc biệt, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam có dấu hiệu gia tăng.
Báo cáo còn cho biết, trong các vụ xâm hại tình dục này hung thủ gây ra nỗi đau này cho các em lại chính là những người thân cận nhất như thầy giáo, người quen, thậm chí là cha dượng... của các em.
Cũng theo báo cáo mới công bố của UN Women có 4,5 triệu người trên thế giới là nạn nhân của xâm hại tình dục. Trong đó, 98% là phụ nữ và trẻ em gái. Cứ 4 bé gái thì lại có 1 em bị xâm hại tình dục. 1 trong 3 phụ nữ trên thế giới bị bạo hành về thể chất hoặc tình dục, phần lớn là bởi những người thân quen.
Với những con số kể trên chắc chắn các bạn sẽ giật mình trước tình trạng ấu dâm như hiện nay. Vậy làm sao để con bạn có thể tránh được tình trạng lạm dụng tình dục này. Các bậc cha mẹ hãy áp dụng nguyên tắc 5 ngón tay, cha mẹ hãy dạy con cách để phân biệt người thân, người quen và người lạ trong giao tiếp, giúp bé hạn chế khả năng bị xâm hại tình dục.
Dưới đây là 5 nguyên tắc các bé cần ghi nhớ:
Ngón cái: gần mình nhất tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột - bé có thể ôm hôn mọi người hoặc đồng ý đề các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ.
Ngón trỏ: tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa.
Ngón giữa: người quen như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ - bé có thể bắt tay chào hỏi họ.
Ngón áp út: gặp người mới gặp lần đầu, các bé có thể dừng lại ở mức vẫy tay chào.
Ngón út: ngón tay xa bé nhất thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.
Ngoài ra, hãy nhắc trẻ rằng "không ai có quyền yêu cầu trẻ chạm vào vùng kín của họ". Cha mẹ thường quên phần này. Tuy nhiên, lạm dụng tình dục thường bắt đầu khi thủ phạm yêu cầu trẻ chạm vào người họ. Quy tắc an toàn áp dụng mọi lúc không chỉ với người lạ mà với cả người quen hay những đứa trẻ khác bởi đa số nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi người quen biết và tin tưởng.
Bên cạnh nguyên tắc 5 ngón tay, thì để hướng dẫn các con tránh những nguy hiểm từ ấu dâm và bảo vệ bản thân các bậc cha mẹ nên dạy con tự bảo vệ mình những vấn đề sau.
Đồ lót: Không được cho ai nhìn đồ lót của bé trừ bố mẹ, bác sĩ hay y tá. Bác sĩ hay y tá phải mặc đồng phục đang trong giờ khám chữa bệnh và họ cũng cần sự đồng ý của bé và gia đình.
Luôn nhớ cơ thể luôn thuộc về chính bạn: Cơ thể là của chính bạn, không một ai có quyền đụng chạm hay làm bất kỳ điều gì trên cơ thể khi không được sự cho phép của bạn hoặc làm bạn khó chịu.
Không là không: Bạn có quyền từ chối bất cứ một yêu cầu hay những đụng chạm trên cơ thể khiến bạn không thích với tất cả mọi người, kể cả người thân trong gia đình.
Dạy trẻ chia sẻ bí mật với cha mẹ:
- Hầu hết những trẻ bị xâm hại tình dục đều không bao giờ kể cho bố mẹ biết mình bị xâm hại ra sao. Vì vậy hãy khuyến khích, động viên trẻ chia sẻ những chuyện mà trẻ gặp hằng ngày mà trẻ cảm thấy không đúng về một điều gì đó mà người lớn nói hoặc làm.
- Hãy cho trẻ biết và tin tưởng vào cha mẹ, rằng bạn sẽ không đánh, mắng trẻ mà sẽ lắng nghe trẻ và sẽ tìm cách để bảo vệ trẻ được an toàn.
Bên cạnh đó các bậc cha mẹ có thể hướng dẫn và bảo vệ con theo cách dưới đây:
Cha mẹ tập luyện cùng bé
* Nhắc lại nhiều lần hướng dẫn an toàn đơn giản cho trẻ:
- "Nếu ai đó chạm vào người con một cách không bình thường, hãy nói với mẹ về điều đó. Mẹ sẽ giúp con".
- "Người lớn không cần phải chạm vào vùng đồ lót/đồ bơi của trẻ em trừ khi đó là vì lý do sức khỏe, vệ sinh".
- "Con không nên đi xa hoặc đi chung xe hoặc nhận quà cáp của những người mà con không biết dù cho họ nói gì".
* Thiết lập các quy tắc trong gia đình:
- "Con không nên để người khác biết nếu con đang ở nhà một mình".
- "Con có thể nói "không" với bất cứ ai muốn con phá vỡ những quy tắc trong gia đình. Mẹ sẽ giúp con".
* Tập luyện cách xử lý trong các tình huống:
- "Nếu con đang chơi (ở một nơi nào đó) và một người đàn ông hay người phụ nữ rủ con vào xe hoặc vào nhà của họ?...".
- "Nếu ai đó làm những điều tốt khiến con cảm động và yêu cầu con giữ bí mật?...".
- "Nếu ai đó cho con tiền (hoặc một thứ gì đó con thực sự muốn) để phá vỡ quy tắc gia đình chúng ta?...".
* Dạy trẻ cách từ chối bằng lời nói:
- "Không".
- "Cháu không muốn bị chọc lét".
- "Để cháu yên. Cháu sẽ la lên đấy".
- "Cháu không được phép làm điều đó".
Khi dạy trẻ nói không, hãy chỉ cho trẻ cách giật tay mình khỏi tay một ai đó, chạy đi, lắc đầu...