Để nấu được một mâm cơn ngon, đảm bảo an toàn không phải là một điều dễ dàng. Để đảm bảo bữa cơm đó đủ sạch và an toàn thì khâu lựa chọn thực phẩm và chế biến là một điều vô cùng quan trọng.
Một trong những thói quen từ khâu chuẩn bị và chế biến nguyên liệu khi nấu ăn lại không hoàn toàn đúng như bạn thường lầm tưởng. Nếu không cẩn thận khi chế biến thì rất có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của những thành viên trong gia đình.
Dưới đây là những sai lầm nghiêm trọng cần tránh khi nấu ăn tại nhà, bạn nên chú ý để tránh những thói quen có hại đó.
1. Không bật máy hút mùi khi nấu ăn
Máy hút mùi được đặt trong phòng bếp là có công dụng để hút đi các loại khí thải, khói bụi bẩn sinh ra trong quá trình chế biến thức ăn.
Trong quá trình nấu ăn, nếu bạn không bật máy hút mùi, thì không khí trong phòng sẽ bị ám rất nhiều mùi khó chịu, những mùi này khi tích tụ lâu dần chúng ta hít phải sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Vậy nên, sau khi nấu ăn xong bạn nên để máy hút mùi như vậy thêm 3 - 5 phút rồi mới tắt, để đảm bảo lượng khí thải được khử sạch trong nhà.
2. Tái sử dụng lại dầu cũ để chế biến tiếp
Nhiều người sau khi chiên, nấu còn thừa dầu ăn thường sử dụng tiếp sang những món khác, đây là một thói quen vô cùng nguy hiểm, bởi dầu mỡ sau khi chiên ở nhiệt độ cao, sau đó lại dùng để đun nấu những món ăn khác rất dễ sinh ra những hóa chất độc hại. Lớp cặn thực phẩm sót lại trong quá trình chiên bị cháy cũng là tác nhân gây hại cho người sử dụng.
Do đó, khi chế biến món ăn bạn nên sử dụng một lượng dầu ăn vừa phải để tiết kiệm, sau mỗi lần dùng thì nên bỏ đi chứ không nên tái sử dụng.
3. Rã đông thịt sai cách
Nhiều người chúng ta thường có thói quen mua nhiều thực phẩm về, sau đó cho vào tủ đá để bảo quản và sử dụng dần. Thế nhưng, bảo quản thực phẩm trong ngăn đá quá lâu không chỉ làm mất đi độ tươi ngon tự nhiên của thực phẩm mà nó còn biến chất, gây hại cho sức khỏe.
Thời gian tối đa để bảo quản thực phẩm trong ngăn đá tủ lạnh là không quá một tuần. Thịt để trong ngăn đá, sau khi lấy ra sử dụng cũng cần phải rã đông đúng cách.
Nếu cho thịt rã đông trong nước nóng sẽ làm ảnh hưởng đến miếng thịt, tạo cơ hội cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập.
Còn nếu rã đông ở nhiệt độ phòng sẽ làm vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, làm thịt bị biến chất so với lúc đầu. Vậy nên, cách rã đông tốt nhất là bạn nên chuyển thịt từ ngăn đá xuống ngăn mát và chờ khi tan đá thì chế biến ngay.
4. Đợi cho dầu sôi đến bốc khói mới bắt đầu chế biến
Nhiệt độ dầu khi sôi quá nóng sẽ ở mức trên 200 độ, lúc này hàm lượng chất dinh dưỡng có trong rau củ sẽ bị phá hủy khi chế biến. Chính vì thế, khi chế biến món ăn kiểm soát nhiệt độ là điều vô cùng quan trọng, nhiệt độ phù hợp nhất là khoảng 150 - 180 độ. Muốn kiểm tra được nhiệt độ của dầu ăn như thế nào là vừa đủ thì có một cách vô cùng đơn giản, đó là khi đun dầu thì hãy nhúng đũa vào dầu ăn, nếu thấy các bong bóng nhỏ nổi lên quanh đũa là lúc nhiệt độ dầu đủ nóng.
Hãy chế biến thực phẩm ở nhiệt độ dầu vừa phải, như vậy không chỉ giúp cho món ăn được chín đều mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe lại không làm mất đi các axit béo cần thiết cho cơ thể cũng như giá trị dinh dưỡng cho món ăn.
5. Hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần
Nhiều người thường có thói quen hâm nóng lại cơm hoặc một số loại đồ ăn còn thừa từ hôm trước để sử dụng, thói quen này vô cùng có hại, nó có thể làm gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh trên cơ thể người sử dụng. Việc hâm đi hâm lại thức ăn sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng, cũng như biến đổi các chất trong thực phẩm kéo theo triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi...
Vậy nên, khi nấu ăn bạn nên nấu đủ lượng thực phẩm cho mọi người trong gia đình sử dụng, không nên nấu thừa rồi cất vào tủ lạnh dùng dần, như vậy món ăn sẽ mất đi độ ngon cũng như ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Đây là những sai lầm trong nấu ăn mà nhiều gia đình rất hay mắc phải, bạn hãy khắc phục và thay đổi cùng với gia đình để luôn đảm bảo nấu ăn sao cho đúng cách nhé!