Thành lập trang mạng xã hội Facebook khi còn là một sinh viên đại học, Mark Zuckerberg trở thành một trong những tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới.
Ở tuổi 30, độ tuổi mà rất nhiều người mới bắt đầu tạo dựng sự nghiệp thì Mark đã có trong tay khổi tài sản khổng lồ trị giá 29,9 tỉ USD (theo Forbes năm 2014). Và dưới đây là 10 bài học làm giàu từ ông chủ Facebook.
Thành công không bao giờ đến trước
Ngay từ khi còn học tại Đại học Havard, Mark Zuckerberg đã thành lập một website có tên là FaceMash.com và gặp phải không ít rắc rối với website này.
Mục đích của Mark khi tạo ra FaceMash.com để cho phép mọi người có thể so sánh hình hảnh của những nữ sinh trong trường Havard và đánh giá xem ai nóng bỏng hơn. Website này ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của rất nhiều sinh viên, nhưng ban quản lí trường Havard đã nhanh chóng yêu cầu Mark đóng cửa với lí do “không thể chấp nhận được mục đích của FaceMash.com”. Ngay sau đó, Mark bỏ học và bắt đầu xây dựng Facebook với tên gọi ban đầu là TheFacebook.com.
Tuy nhiên, khó khăn chưa chịu “buông tha” chàng trai trẻ, vài ngày sau khi TheFacebook.com ra đời, Mark lại gặp rắc rối khi hai anh em sinh đôi Winklevoss và Divya Narendra tố anh ăn cắp ý tưởng của họ. Vụ việc ầm ĩ kéo dài mất vài năm, sau những thu xếp về mặt pháp lí, anh em sinh đôi Winklevoss được nhận số tiền 65 triệu USD như công đóng góp ý tưởng cho Facebook.
Đừng bao giờ đồng ý lời mời chào đầu tiên
Kể từ khi Facebook ra đời, đã có rất nhiều công ty muốn thâu tóm “gã khổng lồ” này. Facebook, lúc còn là TheFacebook.com bắt đầu có mặt trên thị trường Internet vào tháng 2/2004. Chỉ 4 tháng sau, nhà sáng lập Mark Zuckerberg (khi đó mới 20 tuổi) đã nhận được lời đề nghị rót vốn 10 triệu USD từ một nhà đầu tư không rõ danh tính ở New York. Tuy nhiên, Zuckerberg không hề để tâm tới đề nghị này.
Năm 2005, NBC (công ty chuyên về mạng lưới phát thanh và truyền hình thương mại Mỹ) đã ngỏ ý muốn mua lại Facebook. Năm 2006, Yahoo! dành cho Mark lời đề nghị thâu tóm 1 tỉ USD nhưng theo Zuckerberg thì Facebook còn đáng giá hơn nhiều. Đỉnh điểm là vào năm 2007, Microsoft – hãng phần mềm số 1 thế giới và Google đều đã đưa ra con số 15 tỉ USD nhưng vẫn không thể thuyết phục được Mark. Một câu hỏi đặt ra là nếu Mark Zuckerberg “ăn non”, chấp nhận một trong số những lời đề nghị ở trên thì thế giới có biết đến một Mark Zuckerberg thành công như ngày hôm nay?
Kiên trì theo đuổi ước mơ
Kí túc xá Đại học Havard, nơi Mark Zuckerberg theo đuổi ước mơ của mình
Một vài ngày sau khi tung ra phiên bản Facebook đầu tiên, Mark đã nghĩ cần phải xây dựng một dịch vụ như thế trên toàn thế giới. Khi đó, hầu hết không ai tin rằng một dự án “ra lò” từ khu kí túc xá đại học lại có thể biến thành một trong những trang web lớn nhất trên Internet hiện nay với 1,23 tỉ người sử dụng hàng tháng, tương đương với 1/6 dân số thế giới. Người dùng Facebook đã tạo ra 201,6 tỉ kết nối bạn bè và nhấp chuột vào nút “like” tổng cộng 3,4 ngàn tỉ lần.
Chấp nhận sự cạnh tranh
Khi Facebook ra đời, Mark cùng các nhà đồng sáng lập phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Tại thời điểm đó, tất cả các đối thủ đều ở vị thế cao hơn Facebook. Myspace đã có 5 triệu người dùng, Frienster có giá trị lên tới 13 triệu USD. Tuy nhiên, thay vì từ bỏ, Mark Zuckerberg tiếp tục làm việc chăm chỉ và cố gắng cải thiện website của mình. Và kết quả Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay là câu trả lời rõ ràng nhất cho những cố gắng của Mark cùng các đồng sự.
Chấp nhận rủi ro
“Rủi ro lớn nhất chính là không dám đối mặt với rủi ro. Không dám mạo hiểm khi thế giới không ngừng thay đổi là chiến lược chắc chắn dẫn đến thất bại”. Đó là 1 trong những câu nói nổi tiếng của Mark. Theo anh, rất nhiều người dù đã xác định kinh doanh trên thương trường nhưng vẫn luôn sợ thất bại. Nhưng với Mark, ngay cả khi công ty có 1 năm kinh doanh tồi tệ, thậm chí là 5 năm, anh cũng sẽ không lo lắng. Anh hoàn toàn tin tưởng anh có thể lãnh đạo công ty để tạo ra giá trị lâu dài.
Tiền không phải là tất cả
Trước khi Facebook bắt đầu kiếm tiền, Zuckerberg đã nói “Chúng tôi không làm dịch vụ để kiếm tiền mà đơn giản, chúng tôi kiếm tiền để tạo ra các dịch vụ tốt hơn”
Đối xử tốt với nhân viên
Ông chủ Facebook luôn muốn mang đến cho nhân viên của mình những điều tuyệt vời nhất
Zuckerberg cho rằng, một khi nhân viên của bạn không hài lòng, họ sẽ không có nhiệt huyết làm việc và sẽ không làm việc chăm chỉ. Chính vì vậy mà tại trụ sở chính của Facebook, nhân viên được nhận rât nhiều đặc quyền. Từ thức ăn miễn phí, phụ kiện máy tính miễn phí đến một cửa hàng cắt tóc trên trang web…. Zuck đã biến Facebook là nơi làm việc mà không một nhân viên nào muốn rời bỏ.
Hoàn thành tốt hơn sự hoàn hảo
“Done is better than perfect” (Hoàn thành tốt hơn sự hoàn hảo), đó là câu nói rất nổi tiếng của Mark Zuckerberg. Theo Mark, hoàn thành nhiệm vụ là một việc tối quan trọng và một khi kết thúc công việc, chúng ta hoàn toàn có thể quay trở lại và cải thiện nó. Tất nhiên, bạn luôn cần phải hoàn thành công việc hết sức có thể.
Không nên quá phụ thuộc vào cách đánh giá bên ngoài
“Hãy nhớ rằng bạn không tốt như mọi người nói và cũng không xấu như mọi người nghĩ”. Zuckerberg đã từng nói nếu Facebook bị giới truyền thông không đánh giá cao, anh ấy sẽ nhắc nhở các thành viên trong nhóm của mình rằng Facebook không hề tệ như báo chí đưa tin. Ví dụ như lần đầu Facebook đưa ra Newsfeed, mọi người đều ghét nó. Phản ứng dữ dội làm đảo lộn nhiều người sử dụng mạng xã hội này. Thay vì từ bỏ nó và quay trở về với những gì vốn có, Zuckerberg vẫn tuyệt đối tin tưởng và đến nay, Newsfeed là một trong những tính năng quan trọng nhất của Facebook.
Và đến khi Facebook được ca ngợi, anh nhắc nhở với các thành viên rằng nó không tốt như mọi người đang nói.
Hãy khiêm tốn
Thành công và trở thành tỉ phú thế giới ở tuổi rất trẻ, nhưng Mark luôn có một cuộc sống hết sức khiêm tốn và giản dị. Zuckerberg không tiêu quá nhiều tiền vào sở thích cá nhân, mà thay vào đó, anh tập trung vào phát triển công ty. Cho đến gần đây, Mark vẫn chỉ lái một chiếc Acura tương đối rẻ tiền và mua biệt thự bằng tiền vay ngân hàng với lãi suất thấp.