Hộ chiếu đỏ là gì?

Hộ chiếu là loại giấy tờ tùy thân được cấp cho người dân để dùng vào mục đích để xuất nhập cảnh. Tại Việt Nam có 3 loại hộ chiếu ứng với 3 màu là đỏ, xanh lá và xanh ngọc bích. Trong đó, hộ chiếu đỏ là hộ chiếu ngoại giao. Vậy, hộ chiếu ngoại giao là gì, có gì đặc biệt, đối tượng nào được cấp hộ chiếu ngoại giao? Mời các bạn đọc bài viết dưới đây để có câu trả lời.

Hộ chiếu ngoại giao là gì?

Hộ chiếu ngoại giao là gì?

Hộ chiếu ngoại giao là loại giấy tờ tùy thân dùng vào mục đích để xuất nhập cảnh chỉ được cấp đối với một số chủ thể nhất định theo quy định pháp luật.

Đối tượng được cấp loại hộ chiếu ngoại giao này thường là người có chức vụ cao hoặc người thân của người có chức vụ cao ở trong cơ quan nhà nước.

Công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu ngoại giao khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 10 Luật xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, cụ thể:

Thuộc đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao;

Được cơ quan, người có thẩm quyền cử hoặc cho phép ra nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ công tác.

Nội dung thông tin cơ bản được thể hiện trên hộ chiếu ngoại giao: họ, chữ đệm và tên; ảnh chân dung; ngày tháng năm sinh của người được cấp; nơi sinh; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày tháng năm cấp hộ chiếu, cơ quan cấp; ngày tháng năm mà hộ chiếu hết hạn; số định danh cá nhân hoặc là số chứng minh nhân dân; chức vụ, chức danh đối với hộ chiếu ngoại giao phù hợp với yêu cầu đối ngoại.

Đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao

Hộ chiếu ngoại giao cấp cho công dân Việt Nam thuộc diện sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cử hoặc quyết định cho ra nước ngoài, phù hợp với tính chất của chuyến đi:

Thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam gồm: Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Nguyên là Tổng Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập. Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, khối doanh nghiệp Trung ương; Đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trợ lý ủy viên Bộ Chính trị.

Thuộc Quốc hội gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Tổng kiểm toán, Phó Tổng kiểm toán nhà nước; Trưởng ban, Phó Trưởng các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đại biểu Quốc hội; Trợ lý, Thư ký của Chủ tịch Quốc hội.

Thuộc Chủ tịch nước gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước; Nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước; Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Đặc phái viên, Trợ lý, Thư ký của Chủ tịch nước.

Thuộc Chính phủ gồm: Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ; nguyên Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Tổng cục trưởng và Thủ trưởng cơ quan nhà nước tương đương cấp Tổng cục; sỹ quan có cấp hàm từ Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Hải quân trở lên đang phục vụ trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; Đặc phái viên, trợ lý, thư ký của Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam và nước ngoài.

Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Thuộc cơ quan nhà nước ở địa phương gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, Ủy viên Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thuộc các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư thứ nhất, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Những người đang phục vụ trong ngành ngoại giao đã được phong hàm ngoại giao hoặc giữ các chức vụ từ phó tùy viên quốc phòng trở lên tại cơ quan đại diện ngoại giao, phái đoàn thường trực tại các tổ chức quốc tế liên Chính phủ và từ chức vụ Tùy viên lãnh sự trở lên tại cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.

Giao thông viên ngoại giao, giao thông viên lãnh sự.

Vợ hoặc chồng của những người thuộc diện quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều này cùng đi theo hành trình công tác; vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi của những người thuộc diện quy định tại khoản 10 Điều này cùng đi theo hoặc đi thăm những người này trong nhiệm kỳ công tác.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào yêu cầu đối ngoại hoặc lễ tân nhà nước và tính chất chuyến đi công tác, Bộ trưởng Ngoại giao thực hiện việc cấp hộ chiếu ngoại giao theo chỉ đạo của Thủ tướng hoặc xét quyết định cấp hộ chiếu ngoại giao theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam…

Hộ chiếu ngoại giao có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Loại hộ chiếu này còn giá trị dưới một năm thì được gia hạn một lần, tối đa không quá ba năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

Hy vọng, các bạn đã nắm được các nội dung liên quan đến hộ chiếu ngoại giao và những đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao.

Thứ Tư, 15/09/2021 08:15
31 👨 640
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Là gì?