Dẫn độ là gì? Trường hợp nào được dẫn độ?

Dẫn độ là gì? Hiệp định dẫn độ là gì, trường hợp nào được dẫn độ? Đây là những khái niệm khá mới mẻ với nhiều người. Mời các bạn đọc bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé.

Dẫn độ là gì

Dẫn độ là gì?

Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam 2007 quy định:

Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Trường hợp nào được dẫn độ

Theo quy định của Pháp luật Việt Nam thì những trường hợp sau bị áp dụng dẫn độ:

– Người có thể bị dẫn độ là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của quốc gia yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của quốc gia đó yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

– Hành vi phạm tội của người phạm tội được quy định như trường hợp ở trên, không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh phạm tội, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.

– Trường hợp hành vi phạm tội của người phạm tội giống như trường hợp đầu tiên và xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

– Người phạm tội bị dẫn độ về Việt Nam không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dẫn độ cho nước thứ ba về hành vi mà người đó đã thực hiện ở nước ngoài trước khi bị dẫn độ về Việt Nam nhưng không đủ yếu tố, cơ sở để cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam và không được nêu trong yêu cầu dẫn độ của Việt Nam hoặc của nước thứ ba.

– Trường hợp Việt Nam là quốc gia được yêu cầu dẫn độ thì việc dẫn độ chỉ được thực hiện khi quốc gia yêu cầu dẫn độ cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự với người bị dẫn độ về hành vi phạm tội khác ngoài hành vi phạm tội đã được nêu trong yêu cầu dẫn độ, không dẫn độ người đó cho nước thứ ba, Ngoại trừ đối với trường hợp được sự đồng ý, chấp thuận bằng văn bản của Việt Nam.

Những trường hợp bị từ chối dẫn độ tội phạm

Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ.

Điều 499, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục xem xét, xử lý yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ:

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định từ chối dẫn độ công dân Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Tòa án đã ra quyết định từ chối dẫn độ chuyển hồ sơ và các tài liệu kèm theo của nước ngoài đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, xử lý yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ theo quy định của luật.

3. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với người bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

4. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật để bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ, đúng pháp luật.

Điều kiện cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ

Bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ có thể được thi hành tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện:

1. Có văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ;

2. Hành vi phạm tội mà công dân Việt Nam bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

3. Bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó.

Các nguyên tắc pháp lý về dẫn độ

Dẫn độ tội phạm trước hết phải tuân thủ theo nguyên tắc của luật tương trợ tư pháp

Điều 4 Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam 2007 quy định 2 nguyên tắc sau:

1. Tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp thì hoạt động tương trợ tư pháp được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Ngoài ra, dẫn độ người phạm tội còn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

+ Nguyên tắc có đi có lại:

Nội dung của nguyên tắc này ghi nhận quốc gia được yêu cầu dẫn độ chỉ thực hiện dẫn độ theo yêu cầu nếu nhân được bảo đảm từ phía quốc gia yêu cầu dẫn độ rằng trong trường hợp tương tự, quốc gia này chắc chắn sẽ thực hiện dẫn độ tội phạm cho quốc gia đối tác hữu quan. Đây là được ghi nhân trong Luật quốc gia cùa một số nước, tức luật pháp các nước này yêu cầu phải tuân thủ nguyên tắc có đi có lại trong việc thực hiên dẫn độ tội phạm. Nguyên nhân cơ bản cùa việc xuất hiên nguyên tắc này là sự cần thiết phải tôn trọng quyền bình đẳng giữa các quốc gia, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia đồng thời không được cản trở quốc gia trong việc tự nguyện hạn chế chủ quyền của mình và thực hiện dẫn độ tội phạm trong trường hợp không có các điều kiện loại bỏ việc dẫn độ này. Trong trường hợp ngược lại, quốc gia có thể dựa trên cơ sở giải thích của mình về chủ quyền, cho phép tội phạm hình sự cư trú trên lãnh thổ nước mình.

Đây là nguyên tắc tồn tại thực tế trong quan hệ của nhiều quốc gia liên quan đến việc dẫn độ tội phạm. Hiện nay, cũng có quan điểm pháp lý của không ít quốc gia khác cho rằng nên loại bỏ nguyên tắc có đi có lại trong Luật quốc gia như là điều kiện không thể chấp nhân khi giải quyết các yêu cầu dẫn độ tội phạm từ các quốc gia khác.

+ Nguyên tắc định danh kép:

Trong các văn bản pháp lý quốc gia cũng như quốc tế đều có sự ghi nhận nội dung của nguyên tắc định danh kép trong dẫn độ tội phạm. Theo nguyên tắc này, cá nhân cần phải dẫn độ khi hành vi của họ được định danh là hành vi tội phạm theo luật quốc gia của cả hai nước (nước yêu cầu và nước được yêu cầu dẫn độ). Nói cách khác, dẫn độ tội phạm chỉ được thực hiện nếu theo luật của hai quốc gia hữu quan đều khẳng định hành vi của cá nhân bị dẫn độ là hành vi tội phạm hình sự và mức hình phạt cần là hình thức tù giam, với thời hạn được xác định. Thời hạn tù giam theo ý chí của các bên được thể chế hoá trong luật nước mình hoặc được các bên thoả thuận và ghi trong điều ước quốc tế có liên quan.

Trong quá trình xem xét nguyên tắc định danh kép cũng cần quan tâm đến việc phân loại tội phạm trong quy định pháp luật của một số quốc gia khi có sự phân chia thành tội phạm nghiêm (trọng tội) và tội phạm ít nghiêm trọng (khinh tội). Việc phân loại như vậy sẽ làm cho nhiều trường hợp việc xác định đối tượng cần dẫn độ của nước được yêu cầu hợp tác gặp khó khăn, do trong thực tiễn, luật pháp của các nước khác nhau sẽ không có quan điểm thống nhất đối với khái niệm phân loại tội phạm nêu trên.

+ Nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình:

Quốc gia được yêu cầu dẫn độ có quyền từ chối việc dẫn độ tội phạm nếu cá nhân phạm tội là công dân nước mình . Quy định này được ghi nhận trong hiến pháp hoặc đạo luật về quốc tịch của quốc gia. Tuy vậy, nguyên tắc này cũng có ngoại lệ. Cụ thể, tại Hội nghị quốc tế lần thứ in về thống nhất hoá luật quốc tế đã đạt được thoả thuận nhất trí nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình cho nước khác không được áp dụng đối với các cá nhân thực hiên tội phạm quốc tế.

Tương tự, trong luật pháp của một loạt quốc gia, như Áo, Anh, Israel, Ân Độ, Canada và Mỹ... cho phép khả năng dẫn độ công dân nước mình cho nước khác nhưng phải dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn khi cá nhân bị dẫn độ là người không có quốc tịch hoặc người có nhiều quốc tịch. Trong trường hợp dẫn độ công dân nước thứ ba, luật quốc tế không bắt buộc các quốc gia phải có nghĩa vụ dẫn độ. Vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào pháp luật của quốc gia có liên quan.

+ Nguyên tắc không dẫn độ tội phạm chính trị:

Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong hàng loạt các điều ước quốc tế đa phương và song phương về tương trợ pháp lý và trong pháp luật quốc gia của các nước. Mặc dù cố sự nhất trí về quan điểm công nhận nguyên tắc này nhưng trong thực tiễn quốc tế không có sự thống nhất về giải thích vấn đề tính chất chính trị. Theo nguyên tắc, việc xác định tính chất chính trị của tội phạm được thực hiện trong quá trình xét xử tại tòa án, và hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách của quốc gia nơi đang có người bị dẫn độ lẩn trốn. Thực tiễn dẫn độ tội phạm đã biết đến các trường hợp khi cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở nước mình đã bỏ trốn ra nước ngoài và yêu cầu được cư trú chính trị ở đó.

Bên cạnh những nguyên tắc chuyên biệt nêu trên của chế định pháp lý quốc tế về dẫn độ tội phạm, còn tổn tại và có hiệu lực các quy tắc được công nhận chung của luật quốc tế về quá trình dẫn độ tội phạm. Trước hết phải đề cập đến quy tắc chỉ dẫn độ đối với tội phạm thực hiện được công nhận là cơ sở để tiến hành dẫn độ. Như vậy, quốc gia yêu cầu dẫn độ phải có nghĩa vụ không được tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm không phải là cơ sở pháp lý để thực hiện dẫn độ. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự không đúng với tội phạm bị dẫn độ là cơ sở để quốc gia dẫn độ thực hiện hành vi phản đối. Quy định này có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo khắc phục được sự lạm dụng của các quốc gia đối với chế định dẫn độ nhằm mục đích riêng của mình. Quốc gia dẫn độ có thể thoả thuận rằng họ chỉ đồng ý dẫn độ đốì với một nhóm loại tôi phạm xác định. Ví dụ, Công ước châu Âu năm 1957 về dẫn độ tội phạm đã quy định điều khoản như vậy.

Trong thực tiễn quan hệ quốc tế còn xuất hiên trường hợp cùng một lúc có nhiều quốc gia yêu cầu dẫn độ tội phạm (ví dụ, tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ của nhiều quốc gia). Trong trường hợp như vậy, quốc gia được yêu cầu có toàn quyền quyết định theo đánh giá của mình sẽ dẫn độ cho quốc gia nào trong số các quốc gia có yêu cầu. Trong quan hệ quốc tế về dẫn độ đã xuất hiên quy tắc “thẩm quyền ưu thế hơn”. Khái niệm thẩm quyền này được hiểu là quốc gia dẫn độ sẽ chuyển giao tội phạm cho quốc gia có “thẩm quyền ưu thế hơn” trong số các nước yêu cầu dẫn độ tội phạm. Như vậy, việc xác định nội dung “thẩm quyền ưu thế hơn” hoàn toàn do quốc gia dẫn độ tự quyết định. Trong thực tế, “thẩm quyền ưu thế hơn” sẽ thuộc về quốc gia nơi hành vi tội phạm nghiêm trọng nhất được thực hiện hoặc quốc gia đầu tiên gửi yêu cầu dẫn độ tôi phạm.

+ Các vấn đề pháp lý khác về dẫn độ tội phạm

Vấn đề đầu tiên là vấn đề không dẫn độ tôi phạm, tức các trường hợp mà quốc gia có quyền từ chối dẫn độ. Trong vấn đề này, ngoài trường hợp đã nêu trên, luật quốc tế còn đưa ra các trường hợp không dẫn độ, cho phép quốc gia được yêu cầu từ chối dẫn độ tội phạm cho quốc gia hữu quan nếu không có cơ sở để thực hiện việc dẫn độ. Ví dụ, hành vi của cá nhân người bị yêu cầu dẫn độ chỉ có liên quan đến trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hành chính, hết thời hiệu tố tụng...

Ví dụ về dẫn độ tội phạm

Ví dụ: A (công dân Việt Nam) phạm tội giết người trên lãnh thổ Việt Nam nhưng lẩn trốn sang Lào để trốn tránh trách nhiệm hình sự

Việt Nam và Lào đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp các vấn đề dân sự và hình sự thì theo điều 59 của hiệp định này (về trách nhiệm dẫn độ tội phạm):

Phù hợp với những điều đã ghi trong Hiệp định này, Nước ký kết này sẽ dẫn độ công dân của Nước ký kết kia đang ở trên lãnh thổ của nước mình cho Nước ký kết kia để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để thi hành bản án, quyết định hình sự.
Và điều 60 về Điều kiện dẫn độ người phạm tội thì:

Căn cứ vào các điều kiện của Hiệp định này, hành vi phạm pháp dẫn đến việc dẫn độ người phạm tội là hành vi phạm pháp mà theo pháp luật của các Nước ký kết có thể kết án tù từ một năm trở lên hoặc hình phạt nặng hơn.

Việc dẫn độ để thi hành bản án hình sự chỉ được thực hiện khi người có hành vi phạm pháp bị kết án tù từ một năm trở lên hoặc hình phạt nặng hơn.

Vậy hành vi của A là tội giết người, thỏa mãn các điều kiện tại điều 59, 60 của hiệp định thì khi Việt Nam có yêu cầu dẫn độ thì Lào sẽ dẫn độ A trở về Việt Nam để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hy vọng qua bài viết trên các bạn đã rõ hơn về khái niệm dẫn độ cũng như các đối tượng áp dụng và không áp dụng luật dẫn độ. Ngoài ra các bạn cũng có thể tham khảo thêm về lệnh truy nã đỏ trong bài viết Interpol là gì? Lệnh truy nã đỏ của Interpol là gì?.

Thứ Sáu, 27/08/2021 22:08
51 👨 833
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Là gì?