10 thách thức tiềm ẩn mà nhà lãnh đạo phải đương đầu và giải quyết

Trở thành người đứng đầu của một tổ chức không có nghĩa là "đất dưới chân" của bạn không thể sụp đổ. Với tư cách một người lãnh đạo, có những nhiệm vụ khó khăn mà bản thân bạn phải chấp nhận đương đầu. Trên thực tế, đó là nhiệm vụ của nhà lãnh đạo nếu bạn chấp nhận nó. Tuy nhiên với những kỹ năng và biện pháp phù hợp, bạn sẽ vượt qua những khó khăn này và luôn dẫn đầu trong công việc một cách dễ dàng. Dưới đây là 10 thử thách mà nhà lãnh đạo phải đối mặt và giải quyết:

10 thử thách mà nhà lãnh đạo phải đối mặt và giải quyết

Thay đổi

Mặc dù bản thân đảm nhận vị trí lãnh đạo đã là một thay đổi lớn đối với bạn, nhưng mỗi ngày trôi qua sẽ còn gặp nhiều biến động và thách thức khác nữa. Một số thay đổi là do bạn chủ động lựa chọn, còn một số khác hoàn toàn do tác động khách quan. Trách nhiệm của nhà lãnh đạo là luôn giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Hãy cố gắng dự đoán trước các khả năng có thể xảy ra và chuẩn bị tốt nhất để có thể đương đầu với những thử thách đó, bởi việc tránh chúng là bất khả thi.

"If there is no struggle, there is no progress." – Frederick Douglass

"Nếu không có sự tranh đấu, sẽ không có sự phát triển."

1. Những người khó chịu

Hiển nhiên, trong nhóm, trong tổ chức và công việc hàng ngày ắt hẳn sẽ luôn tồn tại những người "tương đối khó chịu". Với tư cách người quản lý, mục tiêu của bạn là đối xử với họ sao cho khéo léo và tử tế. Đừng để bản thân bị lún sâu vào việc giải quyết các vấn đề với họ. Hơn nữa, đừng để họ khiến bạn bị xuống tinh thần.

Những người khó chịu

2. Áp lực

Môi trường làm việc luôn tạo ra rất nhiều áp lực cho bạn, bởi vậy khả năng chấp nhận và giải tỏa những áp lực đó sẽ có lợi cho bản thân bạn về lâu dài. Tất nhiên, không ai có thể chạy liên tục với tốc độ tối đa trên suốt quãng đường đi được, thay vào đó một vài quãng nghỉ chân giúp tăng hiệu quả và đưa bạn tới thành công tốt hơn nhiều.

3. Cho ai đó nghỉ việc

Khi trở thành nhà lãnh đạo, trách nhiệm của bạn sẽ bao gồm cả việc đề nghị ai đó nghỉ việc hoặc chính bạn phải là người cho người đó nghỉ việc. Hãy nhớ rằng: Không bao giờ được thực hiện việc này một cách hấp tấp hay trong lúc đang tức giận. Khả năng giữ bình tĩnh trong lúc thực hiện những thay đổi nội bộ có ích cho tổ chức sẽ thể hiện năng lực lãnh đạo thực sự của bạn.

4. Truyền đạt những thông tin xấu

Truyền đạt những thông tin xấu

Những thông tin như sản phẩm bị lỗi, không thể đáp ứng kịp thời hạn là phần không thể tránh khỏi trong công việc kinh doanh. Tuy nhiên, trách nhiệm của bạn phải thông báo tin tức này cho ban quản trị hay cấp trên của mình. Hãy tìm cách truyền đạt chúng sao cho chân thật và rõ ràng nhất có thể. Bởi những chuyện không vừa ý diễn ra thường xuyên, nhưng điều đáng nói đến ở đây là cách bạn chia sẻ tin tức về chúng như thế nào.

5. Giữ lửa nhiệt huyết

Đôi khi trong vai trò là một nhà lãnh đạo, bạn sẽ cảm thấy động lực thực hiện một dự án hay cống hiến tài năng cho tổ chức bỗng nhiên không còn nữa. Hầu hết tất cả mọi người đều gặp phải tình huống này. Những gì bạn cần làm lúc này là liệt kê tất cả những điều thú vị về công việc đang làm để có thể tiếp tục trở lại làm việc.

Đừng tốn quá nhiều thời gian vào những việc mà bạn không thể cải thiện được. Có thể bản thân tự cảm thấy rằng không phải lúc nào cũng hừng hực khí thế, nhưng nhóm nhân viên của bạn thì kỳ vọng nhà lãnh đạo của họ luôn như vậy. Vì thế, hãy bước ra và chia sẻ sự hào hứng của bạn về dự án sắp tới chẳng hạn, mặc dù trong thâm tâm bạn lúc đó không thực sự phấn chấn.

6. Vấn đề về văn hóa nơi công sở

Vấn đề về văn hóa nơi công sở

Làm việc trong một tổ chức có nghĩa là bạn phải đối mặt với những vấn đề về văn hóa và cách sống. Có thể bạn không hòa nhập được với một nhóm người hay tán chuyện, hoặc có thể bạn đã đánh giá hơi thấp nhân viên của mình chẳng hạn. Dù vấn đề là gì đi chăng nữa thì bạn cũng vẫn là người có trách nhiệm xử lý mọi việc. Việc thay đổi các thói quen cư xử của nhân viên là nhiệm vụ vô cùng khó, nhưng ít nhất nhà lãnh đạo cũng nên là người đặt những viên gạch đầu tiên cho nhân viên của mình. Nếu bạn không muốn nhân viên của mình tán dóc nữa thì bạn cũng đừng đi kể lể với ai. Nếu muốn nhóm mình làm việc nhóm hiệu quả, trước hết bạn phải thể hiện thái độ hợp tác cho cả nhóm thấy.

"Customers will never love a company until the employees love it first." – [at]simonsinek

"Khách hàng sẽ không bao giờ yêu thích một công ty nếu người chủ công ty đó không yêu quý nó."

7. Được tôn trọng và yêu quý

Trở thành người đứng đầu không đồng nghĩa với việc bạn sẽ luôn được mọi người yêu quý. Đặc biệt là khi đảm nhận trọng trách lãnh đạo, một vài người sẽ mong muốn bạn bị thất bại, đó là điều thường gặp trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, đừng để điều đó khiến bạn cảm thấy hoang mang, hãy luôn tỏ ra tử tế, tập trung vào kỹ năng giao tiếp của bạn. Theo thời gian, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của mọi người và đôi khi là cả sự yêu quý nữa.

8. Duy trì sự tập trung

Điều dễ nhận thấy là bản thân chúng ta thường bị xao nhãng trong môi trường công sở. Luôn có ai đó muốn hỏi bạn điều gì hoặc muốn gây sự chú ý với bạn. Đây là một phần của công việc quản lý, nhưng người lãnh đạo cần tránh việc bị những vấn đề nhỏ làm mất thời gian và phải giữ sự tập trung vào mục tiêu quan trọng nhất. Bởi bạn có một nhóm người để dẫn dắt, một sản phẩm phải bàn giao hay một dự án phải hoàn thiện chẳng hạn, hãy bám sát kế hoạch của mình, đừng nghe ngóng linh tinh và làm việc thật chú tâm để đạt được kết quả tốt nhất.

Duy trì sự tập trung

9. Vấn đề về thông tin liên lạc

Gần như không thể tránh khỏi việc, đôi khi có một người nào đó bấm nút "reply all" đối với một email mà họ chỉ cần trả lời một người, một nhân viên làm việc chậm tiến độ hoặc một ai đó không tổng hợp được những lưu ý quan trọng trong mail. Những vấn đề về thông tin liên lạc nơi công sở có lẽ là điều khiến cho nhà quản lý đau đầu hơn cả. Vậy thì hãy cố gắng luyện tập phương pháp trình bày ý kiến của mình sao cho rõ ràng, mạch lạc. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho toàn bộ tổ chức của bạn chứ không phải chỉ có mình bạn.

10. Giải quyết lộn xộn

Đôi khi cũng xảy ra trường hợp một dự án không thể hoạt động được hoặc một sự kiện bị đổ bể. Đừng quá lo lắng về điều này, vì hầu hết chúng ta đều có lúc gặp phải những tình huống tương tự. Điều quan trọng là bạn cần xử lý tình huống đó ra sao. Đừng để nhân viên của mình rơi vào cái vòng luẩn quẩn than thân trách phận hay đổ lỗi cho nhau. Chỉ cần lấy lại tinh thần và suy nghĩ xem làm thế nào để dự án/sự kiện tiếp theo thành công rực rỡ là đủ.

Trên thực tế, lãnh đạo không phải chỉ là đương đầu với những rắc rối mà còn là gánh vác một phần trách nhiệm lớn lao. Bất cứ khi nào gặp phải thử thách, điều mà người lãnh đạo cần làm là thực hành cách xử lý sao cho hiệu quả hơn lần trước, bởi những khó khăn, thử thách luôn tồn tại trên đường đi. Sự tiến bộ trong khả năng lãnh đạo còn phụ thuộc rất nhiều vào những bài học bạn tích lũy được khi xử lý vấn đề.

Tham khảo thêm một số bài viết:

Chúc các bạn vui vẻ!

Thứ Tư, 05/04/2017 14:55
51 👨 4.718
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc