Cách khắc phục Read-only của ổ cứng ngoài trên máy Mac

Thỉnh thoảng khi kết nối ổ cứng ngoài với máy Mac, người dùng sẽ thấy rằng nó được đặt ở chế độ read-only. Điều này xảy ra bởi vì ổ đĩa được định dạng (format) với hệ thống file NTFS của Microsoft mà macOS không hỗ trợ theo mặc định. May mắn thay, vấn đề này rất dễ khắc phục.

Có một số cách để làm cho ổ cứng ngoài trên máy Mac sẵn sàng để sử dụng, từ format lại ổ đĩa cho đến cài đặt phần mềm (cho phép người dùng ghi vào ổ đĩa NTFS). Đối với người dùng cao cấp hơn, cũng có những giải pháp thử nghiệm khác nhưng nhiều rủi ro hơn. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

1. Nếu ổ đĩa trống

Sẽ thật may mắn nếu ổ đĩa trống. Bạn chỉ cần format lại ổ đĩa theo định dạng phù hợp với macOS.

Để bắt đầu, hãy gắn ổ đĩa vào máy Mac, sau đó mở Disk Utility. Bây giờ chọn ổ đĩa trong thanh bên và nhấp vào Erase.

Mở ổ đĩa trên macOS

Việc nên chọn tùy chọn format nào tùy thuộc vào cách người dùng định sử dụng ổ đĩa:

  • Sao lưu Time Machine: Nếu có kế hoạch sử dụng ổ đĩa để sao lưu máy Mac bằng Time Machine, bạn cần format ổ đĩa thành HFS+. Trong Disk Utility, tùy chọn này hiển thị dưới tên gọi Mac OS Extended.
  • Ổ đĩa di động: Nếu muốn tạo một ổ đĩa di động để sử dụng với máy Mac và các hệ điều hành khác như Windows, hãy chọn exFAT. Nếu chỉ làm việc với máy Mac, có thể format ổ đĩa thành HFS với tùy chọn Mac OS Extended hoặc với hệ thống file APFS mới hơn.
  • Làm việc với các thiết bị cũ: Tùy chọn này rất hiếm khi được sử dụng, nhưng nếu sử dụng ổ đĩa với một thiết bị cũ không hỗ trợ exFAT, bạn có thể phải chọn tùy chọn FAT cũ. Trong hầu hết các trường hợp, bạn không nên sử dụng tùy chọn này vì nó giới hạn kích thước ổ đĩa dưới 32GB.

2. Nếu chỉ cần sửa lỗi một lần

Cảnh báo!

Phần sau đây mô tả phương pháp kích hoạt hỗ trợ NTFS thử nghiệm trong macOS. Rất có thể sẽ có một cái gì đó hoạt động không chính xác, dẫn đến việc mất dữ liệu trên ổ đĩa đích. Bài viết khuyên bạn đọc không nên dựa vào phương pháp này để ghi vào các ổ đĩa quan trọng hoặc sử dụng như một giải pháp lâu dài.

Đôi khi, bạn có thể chỉ cần ghi một số file vào ổ đĩa bị khóa và có thể thực hiện việc này với các công cụ Mac tích hợp. Mặc dù macOS có thể đọc các ổ đĩa NTFS theo mặc định, khả năng ghi vào các ổ này cần đến một thủ thuật với Terminal. Hãy làm theo các hướng dẫn sau cho mỗi ổ đĩa bạn muốn ghi.

Mở Terminal và gõ:

nano etc/fstab

Sau đó sao chép dòng này vào file, thay thế DRIVENAME bằng tên thực của ổ đĩa muốn truy cập:

LABEL=DRIVENAME none ntfs rw,auto,nobrowse

Nhấn Ctrl + O để lưu file, sau đó nhấn Ctrl + X để thoát Nano. Bây giờ ngắt kết nối, rồi sau đó kết nối lại ổ đĩa. Một khi nó được gắn lại, nó sẽ có sẵn trong /Volumes.

Nhấp vào Go trong thanh menu và chọn Go to Folder để đi đến đó. Nhập /Volumes và bấm Go. Người dùng sẽ thấy ổ đĩa của mình được liệt kê ở đây và bây giờ, người dùng có thể sao chép các file vào nó.

Ghi file vào ổ đĩa ngoài bị khóa trên macOS

3. Giải pháp mã nguồn mở miễn phí

Ngay cả khi thấy ổn khi sử dụng Terminal, thì cũng không ai muốn chỉnh sửa file mỗi khi xử lý ổ đĩa mới cả. Nếu có chút hiểu biết về công nghệ và thường xuyên xử lý các ổ đĩa Windows, bạn có thể cần một giải pháp tốt hơn. Một trong những giải pháp phổ biến nhất là sản phẩm mã nguồn mở có tên gọi FUSE cho macOS.

Trước tiên, hãy tải xuống FUSE. Chương trình này không chứa bất cứ thứ gì để mount và đọc các file. Bạn sẽ cần một vài công cụ bổ sung để hoàn thành công việc, có sẵn trong gói Homebrew với tên gọi NTFS-3G.

Đầu tiên, cài đặt Homebrew bằng cách dán dòng này vào Terminal:

/usr/bin/ruby -e "$(curl -fsSL https://raw.githubusercontent.com/Homebrew/install/master/install)"

Khi chạy các lệnh để cài đặt Homebrew và nhận được xác nhận trong Terminal, cần cài đặt gói NTFS-3G. Nhập lệnh sau:

brew install ntfs-3g

Đôi khi, Terminal không nhận ra rằng gói FUSE đã được cài đặt. Nếu điều đó xảy ra, hãy chạy lệnh này:

brew cask install osxfuse

Sau đó, bạn sẽ được nhắc khởi động lại máy Mac. Sau khi thực hiện điều đó, hãy thử chạy lại lệnh NTFS-3G.

Ghi vào ổ đĩa NTFS với NTFS-3G

NTFS-3G cho phép máy Mac ghi vào ổ đĩa NTFS, nhưng mọi thứ không tự động diễn ra. Người dùng cần chạy thêm một vài lệnh để nó hoạt động.

Đầu tiên, tìm địa chỉ của ổ đĩa read-only. Thông tin này có thể lấy trong Terminal bằng lệnh:

diskutil list

Bạn cần chạy các lệnh sau mỗi lần muốn gắn ổ đĩa có thể ghi. Thay thế /dev/disk1s1 bằng địa chỉ ổ đĩa tìm thấy ở trên:

sudo mkdir /Volumes/NTFS
sudo /usr/local/bin/ntfs-3g /dev/disk1s1 /Volumes/NTFS -olocal -oallow_other

Nếu không muốn chạy các lệnh này mỗi lần gắn ổ đĩa mới, thì có một cách khắc phục. Bạn có thể boot máy Mac vào chế độ single-user và thay thế công cụ NTFS có sẵn của Mac bằng NTFS-3G.

4. Một lựa chọn đơn giản, trả phí

Các giải pháp mà bài viết đã mô tả ở trên có vẻ hơi kỹ thuật. Nếu muốn mọi thứ hoạt động chỉ với vài cú nhấp chuột, bạn có thể sử dụng ứng dụng của bên thứ ba (và phải trả tiền) để đơn giản hóa toàn bộ quy trình.

Có một số lựa chọn khác nhau, nhưng NTFS for Mac của Paragon Software là công cụ được yêu thích nhất. Nó có giá $19,95 (khoảng 463.000VND) cho mỗi giấy phép (sẽ được giảm giá khi mua 3 hoặc 5 giấy phép cùng một lúc. Bạn cũng có thể sử dụng bản dùng thử 10 ngày của phần mềm.

Giao diện NTFS for Mac

Việc cài đặt rất đơn giản, sau đó, phần mềm sẽ cung cấp một thanh menu hiển thị các ổ đĩa NTFS. Các ổ đĩa NTFS vẫn hiển thị trong Finder bình thường và người dùng có thể coi chúng như mọi ổ đĩa khác.

Tuxera NTFS for Mac là một lựa chọn khác. Nó được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn mở mà ta đã sử dụng ở trên, NTFS-3G. Chỉ cần trả $25 (580.000VND) để sử dụng nó trên tất cả các máy Mac. Phần mềm cũng có bản dùng thử miễn phí 15 ngày. Thay vì một thanh menu, Tuxera cài đặt một cửa sổ điều khiển tùy chọn. Người dùng có thể định dạng ổ đĩa từ đây. Giống như Paragon, người dùng có thể sử dụng Finder để làm việc với ổ đĩa.

Tuxera

Cả hai tùy chọn trả phí giúp dễ dàng gắn ổ đĩa read-only trên máy Mac và làm cho nó có thể ghi được. Bạn cũng có thể ghi bao nhiêu dữ liệu tùy ý vào ổ đĩa trong khi sử dụng bản dùng thử.

Nhưng ổ đĩa read-only không phải là vấn đề duy nhất mà người dùng có thể gặp phải với ổ đĩa ngoài trên máy Mac. Đôi khi bạn gắn ổ đĩa ngoài vào mà máy Mac không nhận nó.

Chúc bạn nhanh chóng khắc phục được vấn đề!

Thứ Tư, 20/02/2019 17:15
52 👨 13.127
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Phần cứng Mac