Mã hóa dữ liệu là quá trình chuyển dữ liệu từ dạng này sang dạng khác hoặc sang dạng code mà chỉ có người có quyền truy cập vào key giải mã hoặc có mật khẩu mới có thể đọc được dữ liệu đó. Có 2 loại mã hóa được triển khai phổ biến hiện nay là mã hóa đối xứng và bất đối xứng. Sự khác biệt cơ bản giữa 2 loại hình mã hóa này nằm ở chỗ mã hóa đối xứng sử dụng một key duy nhất cho cả hoạt động mã hóa và giải mã, trong khi mã hóa bất đối xứng sử dụng public key để mã hóa và private key để giải mã.
Để hiểu sâu hơn về 2 hình thức mã hóa này cũng như chỉ ra sự khác biệt cơ bản giữa chúng, hãy cùng điểm qua một vài yếu tố dưới đây.
Mã hóa đối xứng
Đây được cho là kỹ thuật mã hóa đơn giản và được sử dụng phổ biến nhất, với một số đặc điểm nổi bật như:
- Do thuật toán mã hóa đối xứng ít phức tạp hơn và có thể thực thi nhanh hơn, đây là kỹ thuật được đặc biệt ưa thích trong các hoạt động truyền tải dữ liệu hàng loạt.
- Văn bản gốc được mã hóa bằng một key trước khi gửi đi, và chính key này cũng sẽ được người nhận sử dụng để giải mã dữ liệu.
- Một số thuật toán mã hóa đối xứng được sử dụng phổ biến nhất bao gồm AES-128, AES-192 và AES-256.
Mã hóa bất đối xứng
Đây là loại hình mã hóa ra đời sau mã hóa đối xứng và còn được gọi là công nghệ mã hóa public-key:
- Mã hóa bất đối xứng được cho là an toàn hơn mã hóa đối xứng vì nó sử dụng 2 key riêng biệt cho 2 quy trình mã hóa và giải mã.
- Public key được sử dụng để mã hóa sẽ được công khai, nhưng private key để giải mã là hoàn toàn bí mật.
- Phương pháp mã hóa này được sử dụng trong các giao tiếp hàng ngày qua internet.
- Khi một tin nhắn được mã hóa bằng public key, nó chỉ có thể được giải mã bằng private key. Tuy nhiên, khi một tin nhắn được mã hóa bằng private key, nó có thể được giải mã bằng public key.
- Chứng chỉ kỹ thuật số trong mô hình máy khách-máy chủ có thể được sử dụng để tìm thấy các public key.
- Điểm hạn chế của mã hóa bất đối xứng là mất nhiều thời gian thực hiện hơn so với mã hóa đối xứng.
- Các kỹ thuật mã hóa bất đối xứng phổ biến bao gồm RSA, DSA và PKCS.
Điểm khác biệt chính giữa mã hóa đối xứng và mã hóa bất đối xứng
- Mã hóa đối xứng là một kỹ thuật đã được giới thiệu từ lâu, trong khi mã hóa bất đối xứng là kỹ thuật mới hơn.
- Mã hóa bất đối xứng mất nhiều thời gian hơn để thực hiện do logic phức tạp liên quan. Vì lý do này, mã hóa đối xứng vẫn được ưu tiên sử dụng khi truyền dữ liệu hàng loạt.
- Mã hóa bất đối xứng an toàn hơn vì nó sử dụng các key khác nhau cho quá trình mã hóa và giải mã.
Cả hai phương thức mã hóa đều sở hữu những ưu, nhược điểm riêng. Tuy nhiên nếu nhìn từ từ góc độ bảo mật, mã hóa bất đối xứng chắc chắn là lựa chọn tối ưu hơn.