VPN được sử dụng để kết nối người dùng từ xa với một mạng an toàn qua Internet công cộng. Nó thường được sử dụng trong môi trường công ty hoặc doanh nghiệp để cho phép nhân viên kết nối an toàn với mạng nội bộ của công ty từ bên ngoài.
Khi nói đến VPN, có hai loại chính: VPN phần cứng và VPN phần mềm. Mặc dù cả VPN phần cứng và phần mềm đều cung cấp chức năng cơ bản giống nhau, nhưng có một số điểm khác biệt chính giữa hai loại hệ thống mà bạn cần cân nhắc khi chọn loại nào phù hợp với mình.
Vậy VPN phần cứng và phần mềm khác nhau như thế nào?
VPN phần cứng là gì?
VPN phần cứng, còn được gọi là mạng riêng ảo dựa trên thiết bị, là một thiết bị vật lý đóng vai trò là cổng kết nối giữa hai mạng. Nó thường được triển khai trong môi trường doanh nghiệp và cung cấp quyền truy cập từ xa an toàn cho người dùng được ủy quyền. Thiết bị VPN phần cứng mã hóa lưu lượng dữ liệu người dùng và đóng gói nó trong một IP tunnel đến điểm cuối bên ngoài, nơi nó được giải mã và gửi đến đích.
VPN phần cứng cung cấp mức độ bảo mật cao hơn so với các tùy chọn dựa trên phần mềm, vì chúng có khả năng chống lại các cuộc tấn công độc hại từ những nguồn bên ngoài cao hơn, vì phần cứng thường được cách ly với bất kỳ mạng bên ngoài nào.
Ngoài ra, VPN phần cứng thường hỗ trợ các tính năng như lọc nội dung, chính sách xác thực nâng cao và Quality of Service (QoS) không có trong VPN phần mềm.
VPN phần mềm là gì?
VPN phần mềm (hoặc "VPN mềm") là mạng riêng ảo sử dụng phần mềm để tạo kết nối an toàn giữa hai hoặc nhiều thiết bị qua internet. Không giống như VPN phần cứng, VPN phần mềm không yêu cầu bất kỳ phần cứng vật lý nào và có thể được triển khai ở mọi nơi.
VPN phần mềm thường sử dụng các tunneling protocol như OpenVPN hoặc IPSec để nắm bắt lưu lượng dữ liệu của người dùng và gửi dữ liệu đó qua Internet một cách an toàn. Ngoài ra, chúng thường tiết kiệm chi phí hơn so với VPN phần cứng vì yêu cầu thiết lập tối thiểu và không có bất kỳ chi phí bảo trì phần cứng nào.
Tuy nhiên, so với các phần cứng tương tự, VPN phần mềm kém an toàn hơn và thường không cung cấp các tính năng nâng cao.
Sự khác biệt chính giữa VPN phần cứng và phần mềm là gì?
Dưới đây là những khác biệt cốt lõi giữa VPN phần cứng và VPN phần mềm.
Tính năng và lợi ích
VPN phần cứng có xu hướng cung cấp nhiều tính năng và lợi ích hơn so với VPN phần mềm. Điều này là do tính chất chuyên dụng của chúng, vì chúng có thể cung cấp mức độ tùy chỉnh mà VPN phần mềm không thể. Ví dụ, VPN phần cứng có thể cung cấp các giao thức mã hóa cấp cao, khả năng truy cập đồng thời nhiều mạng và tốc độ tốt hơn.
Mặt khác, VPN phần mềm cung cấp ít tính năng và lợi ích hơn so với VPN phần cứng. Điều này là do chúng hoạt động trên cùng một nền tảng với các ứng dụng khác và không có mã hóa chuyên dụng hoặc quyền truy cập vào nhiều mạng. Hơn nữa, VPN phần mềm có xu hướng kém an toàn hơn và chậm hơn so với VPN phần cứng. Tuy nhiên, một số VPN phần mềm đi kèm với các tính năng bổ sung, chẳng hạn như tường lửa và khả năng bảo vệ chống phần mềm độc hại.
Bảo mật
VPN phần cứng thường được coi là an toàn hơn VPN phần mềm. Chúng dựa vào các thiết bị vật lý có thể cung cấp những kết nối chuyên dụng, cũng như mã hóa ở cấp độ phần cứng. Mặt khác, VPN phần mềm thường được coi là kém an toàn hơn, do thực tế là các giao thức mã hóa và kết nối của chúng có thể dễ bị tấn công, bởi chúng hoạt động trên cùng một nền tảng với những ứng dụng khác.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều dịch vụ VPN phần mềm uy tín mà bạn có thể tin tưởng về khả năng bảo mật.
Giá cả
Một sự khác biệt lớn khác giữa VPN phần cứng và phần mềm là chi phí liên quan đến chúng. VPN phần cứng thường đắt hơn VPN phần mềm vì chúng yêu cầu mua router hoặc máy chủ chuyên dụng, cũng như thiết bị bổ sung, chẳng hạn như cáp và switch, để có thể sử dụng. VPN phần mềm rẻ hơn vì chúng sử dụng phần cứng hiện có và không yêu cầu mua thêm bất kỳ thiết bị nào.
Tính dễ sử dụng
Về tính dễ sử dụng, VPN phần cứng có xu hướng cấu hình phức tạp hơn so với VPN phần mềm. Bạn cần có nhiều kiến thức kỹ thuật để cấu hình đúng một VPN phần cứng. Trong khi đó, VPN phần mềm dễ cài đặt và sử dụng hơn nhiều vì chúng yêu cầu ít hoặc không cần kiến thức kỹ thuật.
Tính linh hoạt
Tính linh hoạt là một điểm khác biệt chính giữa hai loại VPN. VPN phần cứng kém linh hoạt hơn vì chúng bị giới hạn trong cấu hình của phần cứng chuyên dụng. VPN phần mềm mang lại sự linh hoạt hơn vì chúng có thể được sử dụng trên nhiều loại thiết bị và mạng khác nhau.
Tốc độ
Tốc độ truyền dữ liệu cũng khác nhau đáng kể giữa VPN phần cứng và phần mềm. Nói chung, VPN phần cứng nhanh hơn VPN phần mềm vì chúng cung cấp các kết nối chuyên dụng và giao thức mã hóa không can thiệp vào những ứng dụng khác. VPN phần mềm có thể bị tắc nghẽn do chúng sử dụng tài nguyên được chia sẻ.
Thiết lập và bảo trì
Nếu bạn đang tìm kiếm một giải pháp VPN nhanh chóng và dễ thiết lập, thì VPN phần mềm là giải pháp phù hợp. Các VPN này có thể được cấu hình nhanh chóng mà không yêu cầu mua thêm bất kỳ phần cứng hoặc kiến thức kỹ thuật nào. VPN phần cứng cần nhiều thời gian và công sức hơn để được cấu hình và bảo trì đúng cách.
Điều quan trọng cần lưu ý là VPN phần cứng yêu cầu bảo trì thường xuyên, chẳng hạn như cập nhật firmware và bản vá bảo mật, để duy trì tính bảo mật.
Khả năng mở rộng
Khi nói đến khả năng mở rộng, VPN phần mềm rõ ràng chiếm ưu thế hơn. VPN phần mềm có thể dễ dàng tăng hoặc giảm quy mô tùy thuộc vào nhu cầu mà không yêu cầu mua thêm phần cứng. VPN phần cứng cần tài nguyên chuyên dụng giới hạn khả năng mở rộng của chúng. Nếu bạn muốn bao gồm nhiều thiết bị hoặc người dùng hơn trong VPN của mình, bạn sẽ cần mua phần cứng bổ sung. Điều quan trọng là phải xem xét các yêu cầu về khả năng mở rộng của bạn khi quyết định giữa hai giải pháp.
Nên sử dụng VPN phần cứng hay phần mềm?
Việc lựa chọn VPN phần cứng hay phần mềm phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân. Mỗi tùy chọn cung cấp những ưu điểm và nhược điểm riêng. Nếu bạn là một cá nhân đang tìm kiếm một giải pháp an toàn, nhanh chóng và dễ thiết lập, thì VPN phần mềm là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, nếu bạn điều hành một tổ chức lớn và cần một giải pháp đáng tin cậy hơn, hãy xem xét việc thiết lập VPN phần cứng.
Trong mọi trường hợp, điều quan trọng là phải cân nhắc tất cả các lựa chọn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Cho dù bạn chọn loại VPN nào, cần đảm bảo rằng bạn có kết nối bảo mật và đáng tin cậy để giữ an toàn cho dữ liệu của mình. Chọn được giải pháp phù hợp, bạn có thể hoàn toàn yên tâm trong suốt quá trình sử dụng.