Những quy tắc cần biết để tăng cường bảo mật cho iPhone, iPad và Android

Ngăn chặn virus, hack tài khoản,…

Nguy cơ nhiễm virus hay malware giờ đây không chỉ có hệ thống máy tính, mà thiết bị điện thoại cũng nằm trong phạm vị bị tấn công. Cho dù bạn dùng iPhone, iPad, các thiết bị Android, hay Windows Mobile thì đều có thể dễ dàng gặp phải những mối nguy hiểm, từ virus, hack tài khoản, đánh cắp thông tin,… Vì thế vệc tự bảo vệ smartphone trước những nguy hiểm là điều cần thiết, với một số nguyên tắc cơ bản mà chúng ta không nên bỏ qua.

1. Root hay jailbreak tăng nhiễm virus:

Để có thể tải và cài đặt nhiều ứng dụng, chương trình từ bên ngoài, hoặc tùy chỉnh một số những thiết lập trên máy, chúng ta thường root thiết bị Android hoặc jailbreak iPhone/iPad.

Jailbrak iPhone/iPad

Tuy nhiên, khi tiến hành root hay jailbreak, nghĩa là bạn đã phá vỡ mọi thiết lập sẵn cho hệ điều hành, đi sâu vào hệ điều hành và cũng đồng nghĩa với việc “dọn đường” cho hacker và malware xâm nhập vào thiết bị. Khi hàng rào bảo mật của iOS và Android đã bị phá vỡ thì nguy cơ nhiễm virus sẽ ngày càng tăng lên. Tốt nhất không nên tiến hành root hay jailbreak thiết bị của mình.

Root thiết bị Android

2. Cài App từ nguồn ngoài chứa nhiều rủi ro:

Ngày nay các ứng dụng cho Android, iOS phát triển ở nhiều nguồn phong phú, đa dạng không chỉ có trên App Store hay Google Play Store. Thậm chí có nhiều ứng dụng không thể tìm thấy tại 2 cửa hàng chính trên, nhưng lại có thể có thể cài đặt từ nguồn ngoài.

Cài đặt file APK

Tuy nhiên, việc tải những app lậu từ bên ngoài, không tải từ 2 nguồn chính thống bên trên cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, tương tự như khi bạn cài đặt phần mềm máy tính từ nguồn trôi nổi bên ngoài. Hầu hết người dùng sẽ cài đặt các ứng dụng bẻ khóa thông qua một số website, sử dụng cơ chế chỉ dành riêng cho lập trình viên test ứng dụng mà bỏ qua App Store. Hay lựa chọn tìm kiếm các nguồn tải file cài đặt APK của ứng dụng hay trò chơi.

Vì cài đặt từ nguồn ngoài nên sẽ không có bất cứ sự kiểm chứng, kiểm tra nào từ Apple hay Google. Và tất nhiên, những loại phần mềm mã độc hoàn toàn có thể được cài đặt thẳng vào máy tính bảng hoặc điện thoại, khi chúng ta cài các file ứng dụng không chính thống. Đã có rất nhiều trường hợp bị tấn công khi cài đặt ứng dụng theo cách trên, từ đó các thông tin tài khoản bị xâm nhập, hack thiết bị để lén theo dõi qua micro hay camera.

Vì thế tốt nhất hãy tìm ứng dụng trên 3 nguồn chính là App Store, Play Store và Windows Store. Vậy nếu muốn tìm ứng dụng ở những nguồn ngoài thì thế nào?

Amazon App Store là một cửa hàng có thể tin tưởng cho người dùng, hoặc truy cập vào cửa hàng online theo từng hãng sản xuất như LG Store, Samsung Store,…

Amazon Store nguồn tin cậy

3. Đừng bỏ qua tính năng lock màn hình, hệ thống:

Các chế độ khóa bảo mật như khóa màn hình, tạo mật khẩu mã PIN, khóa bằng vân tay hay trên Galaxy S8 có cơ chế bảo mật bằng mống mắt, không chỉ ngăn tình trạng mở máy trái phép, mà còn ngăn được sự can thiệp vào hệ thống. Khi bạn thiết lập các phương thức bảo mật, thì nếu có app nào đó muốn can thiệp bắt buộc phải nhập đúng mã bảo mật đó, chẳng hạn như nhập đúng vân tay đã thiết lập.

Khóa màn hình, hệ thống

Hoặc đơn giản khi muốn thêm một tài khoản online vào thiết bị cũng cần xác thực bằng mã PIN, dấu vân tay,… Nếu có ứng dụng nào đó muốn thêm tài khoản vào máy để theo dõi thông tin hay đồng bộ dữ liệu, thì buộc phải vượt qua hàng rào bảo mật này.

4. Cảnh giác với app quét virus:

Sẽ không quá khó để bạn tìm cho mình ứng dụng quét virus trên cửa hàng ứng dụng, với những lời quảng cáo khả năng diệt virus mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc cài đặt những app đó có thực sự cần thiết hay không, khi mà iOS và Windows Mobile không bao giờ có khả năng nhiễm virus?

Với hệ điều hành Android, hầu hết ứng dụng được gắn mác diệt virus thực chất chỉ có khả năng dọn dẹp bộ nhớ mà thôi. Thêm nữa, có nhiều trường hợp các malware giả danh các ứng dụng diệt virus để tấn công thiết bị của người dùng.

Kiểm tra app quét virus

5. Kiểm tra các app giải phóng RAM, tối ưu pin, tăng hiệu năng, app hình nền:

Tương tự như app diệt virus, những app này cũng thường được hacker nhúng các loại mã độc, đặc biệt trên Android. Có nhiều trường hợp app hình nền bị cài malware kiểm soát thiết bị từ xa, hay app tối ưu pin giả dạng adware nhằm thu thập thông tin người dùng,…

Với sự phát triển không ngừng của ngành di động thông minh hiện nay, thiết bị có khả năng tắt những app không dùng để tăng dung lượng lưu trữ, giảm tài nguyên hệ thống. Hoặc tự tay bạn có thể dọn dẹp hệ thống theo cách thủ công, như tắt app chạy ngầm, xóa cache ứng dụng,…

Kiểm tra các app hình nền, tăng tốc

Nếu có nhu cầu sử dụng thì trước hết hãy kiểm tra qua những lời nhận xét ứng dụng, hoặc tra cứu trên Google để xem người khác nói gì về ứng dụng đó.

6. Tránh nhấn vào link lạ, trên Messenger, tin nhắn:

Việc lây nhiễm các loại malware độc qua các đường link là hiện tượng không hề hiếm gặp, xảy ra trên cả máy tính lên smartphone. Có rất nhiều trường hợp tài khoản Facebook của bạn bè bị hack, gửi cho bạn 1 đường link nhiễm độc và nếu không cảnh giác, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Trước khi mở bất cứ đường link nào, hãy xác nhận rõ ràng với người gửi, nếu bạn biết người đó. Nếu với người lạ thì tuyệt đối không nhấn vào link đó. Hiện nay số lượng các hacker lợi dụng SMS/ MMS và Messenger đang có xu hướng gia tăng, vì 2 dịch vụ này có lượng người dùng đông đảo.

Tránh link lạ trên Messenger, SMS /MMS

Dù bạn có sử dụng Android, iOS hay Windows Mobile đi chăng nữa, thì việc bị nhiễm malware là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, hãy tự bảo vệ “dế yêu” của mình trước những rủi ro nguy hiểm. Chỉ với những quy tắc cơ bản bên trên, người dùng cũng đã phần nào có thể ngăn chăn những mối nguy hiểm về bảo mật khi sử dụng điện thọai.

Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn!

Thứ Sáu, 14/07/2017 11:10
2,34 👨 2.854
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bảo mật & Diệt Virus