Các nhà cung cấp VPN có theo dõi dữ liệu duyệt web của bạn không?

Chúng ta sử dụng VPN để bảo vệ quyền riêng tư của mình trong thế giới internet, tránh con mắt nhòm ngó của tin tặc, các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) và kẻ trộm dữ liệu. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi liệu chính các công ty cung cấp VPN có thu thập dữ liệu duyệt web của bạn và bán nó cho các bên thứ ba không?

Chúng ta thường đặt rất nhiều niềm tin vào nhà cung cấp VPN mà mình sử dụng. Nhưng hãy cẩn thận!

Các nhà cung cấp VPN hoàn toàn có thể theo dõi bạn

Như đã nói, mục đích chính khiến chúng ta sử dụng Mạng riêng ảo VPN là để bảo vệ quyền riêng tư của mình. VPN giúp ngăn chặn các cuộc tấn công độc hại từ tin tặc, ngăn chặn nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tiếp cận lưu lượng truy cập, và đồng thời để che giấu thông tin riêng tư của bạn với các trang web có hành vi thu thập dữ liệu cá nhân. Nhìn chung, những “tuyên bố” này không sai, nhưng có vấn đề lớn mà bạn vẫn nên thận trọng: Chính các công ty cung cấp dịch vụ VPN.

Trước khi đi sâu tìm hiểu cách các nhà cung cấp VPN có thể theo dõi dữ liệu duyệt web của bạn, chúng ta cần nắm được cách thức hoạt động của VPN. Về cơ bản, VPN có nhiệm vụ định tuyến kết nối internet, vốn do ISP của bạn cung cấp, thông qua một mạng mã hóa, an toàn hơn được cung cấp bởi một bên thứ ba. Điều này sẽ thay đổi địa chỉ IP mà các trang web có thể nhìn thấy, đồng thời loại bỏ khả năng của ISP trong việc tiếp cận lưu lượng truy cập của bạn. Các mạng được mã hóa này có thể mô phỏng nhiều địa chỉ IP và vị trí khác nhau. Đây về cơ bản cũng chính là cách bạn có thể đánh lừa một dịch vụ phát trực tuyến như Netflix nghĩ rằng mình đang ở một quốc gia khác.

Trong quá trình này, lưu lượng truy cập của bạn sẽ chuyển qua bên thứ ba, và được quản lý bởi máy chủ của nhà cung cấp VPN mà bạn đang sử dụng. Công ty VPN này về lý thuyết có thể ghi lại tất cả lưu lượng truy cập đi qua hệ thống của họ, qua đó nắm được bức tranh đầy đủ về hành vi cũng như thói quen duyệt web trực tuyến của một người dùng cụ thể. Mặc dù hầu hết các nhà cung cấp VPN uy tín đều tuyên bố không theo dõi người dùng và không có động cơ để làm như vậy, nhưng rủi ro này trên thực tế vẫn hoàn toàn có thể xảy ra và cũng đã từng được ghi nhận trong thực tế.

VPN

Các sự cố gián điệp VPN

Sự cố nổi tiếng nhất về một nhà cung cấp VPN xâm phạm dữ liệu khách hàng được đưa ra ánh sáng vào năm 2018. Đi kèm với đó là một cuộc tranh cãi lớn liên quan đến nền tảng Onavo Protect do Facebook sở hữu. Theo đó, Facebook đã phát hành một VPN với tuyên bố bảo vệ và mã hóa lưu lượng truy cập của người dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, chính công ty này lại có hành vi thu thập thông tin nhạy cảm từ người dùng, chẳng hạn như các trang web đã truy cập hay những ứng dụng mà người dùng đã mở trên thiết bị của mình. Mặc dù Facebook đã tiết lộ rằng ứng dụng sẽ chuyển tiếp thông tin đến máy chủ Facebook, nhưng đây nhìn chung vẫn là điều khiến nhiều người khó chấp nhận.

Dữ liệu này sau đó được sử dụng cho một chương trình có tên Facebook Research - hỗ trợ các sáng kiến phát triển kinh doanh và bán quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Ngoài ra, nó cũng sẽ cung cấp cho Facebook cái nhìn sâu sắc hơn về cách người dùng sử dụng các nền tảng đối thủ, chẳng hạn như Snapchat.

Bên cạnh vụ việc của Facebook, còn có hàng chục nhà cung cấp VPN miễn phí khác đã bị cáo buộc với hành vi theo dõi người dùng. Báo cáo từ Buzzfeed News cho thấy Sensor Analytics, một nền tảng phân tích được nhiều nhà đầu tư và nhà phát triển sử dụng, sở hữu nhiều ứng dụng VPN miễn phí thu thập thông tin người dùng mà họ không hề hay biết. Các ứng dụng này có hàng triệu lượt tải xuống và không nêu rõ chúng thuộc sở hữu của ai. Sau đó, công ty sẽ di chuyển dữ liệu người dùng thu được vào nền tảng phân tích của riêng mình.

Nhìn chung, bạn nên đặc biệt thận trọng với các VPN miễn phí và dường như không có phiên bản trả phí hoặc mô hình kinh doanh rõ ràng. Rất có khả năng các ứng dụng này đang kiếm lợi nhuận bằng cách thu thập dữ liệu người dùng và bán chúng cho các bên thứ ba.

Có nên tiếp tục sử dụng VPN?

Trước vấn đề trên,câu hỏi đặt ra là liệu cũng chúng ta có nên tiếp tục sử dụng VPN không? Câu trả lời là có, nhưng theo cách thận trọng và có chọn lọc hơn.

Cách tốt nhất để tránh những sự cố như thế này là tìm kiếm các VPN có chính sách không ghi nhật ký. Đây là yếu tố đảm bảo rằng các công ty này sẽ không ghi lại lưu lượng truy cập của người dùng. Nhiều VPN trả phí hàng đầu như NordVPN, ExpressVPN và Mozilla VPN, có chính sách không ghi nhật ký đươc nêu rõ ràng trên trang web và bên trong ứng dụng. Điều này cũng có nghĩa là họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm các chính sách mà mình đã đưa ra.

Trước khi đăng ký VPN, hãy đảm bảo rằng bạn kiểm tra tỉ mỉ trang web của nó và tham khảo qua những đánh giá đáng tin cậy trước. Dưới đây là một số câu hỏi bạn nên xác định được câu trả lời trước khi đăng ký dùng thử VPN miễn phí:

  • VPN có quyền sở hữu đáng tin cậy không?
  • VPN có cung cấp các gói trả phí không?
  • VPN có nhiều đánh giá đáng tin cậy của người dùng không?
  • VPN có được xác minh bởi các bên thứ ba đáng tin cậy không?
  • VPN có chính sách không ghi nhật ký rõ ràng trên trang web của nó không?
Thứ Sáu, 26/02/2021 15:00
51 👨 2.055
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Giải pháp bảo mật