Làm thế nào để trở thành một nhà phát triển phần mềm giỏi?

Cách trở thành một Software developer

Việc trở thành nhà phát triển phần mềm là một kế hoạch nghề nghiệp sinh lợi. Thông thường đó là những người có kỹ năng thị trường thực sự giỏi. Nhưng chính xác họ đang làm những gì? Bởi có nhiều khả năng bạn không thể bỏ qua chúng, bạn sẽ phải tham gia cùng chúng.

Liệu bạn có thực sự yêu thích công nghệ và muốn gắn kết người dùng để phát triển một phần mềm tốt hay không? Hãy cùng Quản Trị Mạng suy nghĩ và bắt đầu từng bước một để trở thành một nhà phát triển phần mềm giỏi nhé. Chúng tôi tin bạn hoàn toàn có thể làm được!

Phần 1: Nắm vững nguyên tắc cơ bản

1. Xác định xem bạn hứng thú với hình thức phát triển phần mềm nào

Xác định xem bạn hứng thú với hình thức phát triển phần mềm nào

Có hai hình thức phát triển phần mềm cơ bản là Phát triển ứng dụng (Applications Development) và Phát triển hệ thống (Systems Development). Phát triển ứng dụng tập trung tạo ra các chương trình đáp ứng nhu cầu người dùng, từ ứng dụng điện thoại di động đến video game được phát triển với mức kinh phí cao hay những phần mềm kế toán mang tầm cỡ doanh nghiệp. Phát triển hệ thống tập trung tạo ra và duy trì hệ điều hành sử dụng quy trình phát triển vòng đời. Phát triển hệ thống thường bao gồm bảo mật dữ liệu và khả năng vận hành mạng.

2. Tự học một ngôn ngữ lập trình

Tự học một ngôn ngữ lập trình

Bất cứ ai trong số chúng ta đều có thể nghĩ ra các ý tưởng thú vị, nhưng bạn phải là một nhà phát triển phần mềm mới có khả năng hiện thực hóa những ý tưởng đó. Cho dù bạn chỉ có ý định làm các công việc liên quan đến thiết kế phần mềm, thì vẫn nên làm quen với việc viết code và có khả năng tạo ra các mẫu thử nghiệm (prototype) cơ bản. Hiện nay có nhiều ngôn ngữ lập trình quan trọng và hữu ích mà bạn có thể tự học như:

  • C - một trong những ngôn ngữ lập trình cũ hiện vẫn còn được sử dụng, đồng thời là nền tảng của hầu hết ngôn ngữ khác trong danh sách này. Ngôn ngữ lập trình C được dùng để phát triển các chương trình cấp thấp và tương thích với phần cứng của máy tính.
  • C++ - phiên bản hướng đối tượng của ngôn ngữ lập trình C và cũng là ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất trên thế giới. Một vài chương trình như Chrome, Firefox, Photoshop và các chương trình khác đều được tạo ra bằng ngôn ngữ lập trình C++, ngôn ngữ phổ biến được dùng để tạo ra video game. Những nhà phát triển phần mềm C++ gần như lúc nào cũng có nhu cầu tuyển dụng cao.
  • Java - phiên bản phát triển từ ngôn ngữ lập trình C++ và trở thành ngôn ngữ quen thuộc nhờ việc dễ dàng chuyển đổi nền tảng. Hầu hết mọi hệ thống đều có thể dùng Java Virtual Machine để chạy phần mềm Java. Ngôn ngữ này được sử dụng rộng rãi trong video game và phần mềm doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng đây là ngôn ngữ lập trình căn bản.
  • C# - ngôn ngữ lập trình dựa trên Windows và là một phần của .NET framework từ Microsoft. Ngôn ngữ này có mối liên hệ mật thiết với Java và C++, nên nếu bạn đã học Java thì có thể nhanh chóng chuyển đổi sang C#. Ngôn ngữ lập trình C# đặc biệt hữu ích với các nhà phát triển tạo ra phần mềm Windows hoặc Windows Phone.
  • Objective-C - một phiên bản khác của ngôn ngữ lập trình C được thiết kế dành riêng cho hệ thống Apple. Ngôn ngữ này vô cùng phổ biến trong các ứng dụng iPhone và iPad; cũng là ngôn ngữ tuyệt vời dành cho những lập trình viên tự do.
  • Python - ngôn ngữ rất dễ học, có thể được coi là một trong những ngôn ngữ dễ nắm bắt nhất. Python chuyên dùng để phát triển web.
  • PHP - Đây không hẳn là ngôn ngữ phát triển phần mềm nhưng việc học PHP là cần thiết nếu bạn có hứng thú tìm hiểu về phát triển web. Luôn có nhiều việc làm dành cho các nhà phát triển PHP dù không mang lại nhiều lợi nhuận như phát triển phần mềm.

3. Tìm kiếm tài liệu

Tìm kiếm tài liệu

Hầu hết các hiệu sách đều có khu dành riêng cho sách lập trình, đương nhiên còn có rất nhiều sách trên Amazon và những nhà bán lẻ điện tử khác. Một cuốn sách lập trình được trau chuốt cẩn thận có thể trở thành tài liệu tốt nhất dành cho bạn, đồng thời cho phép bạn nhanh chóng tham khảo khi thực hiện dự án.

Ngoài sách, Internet cũng là kho tài nguyên vô tận bao gồm sách tham khảo và các hướng dẫn chi tiết. Hơn nữa, bạn có thể tìm kiếm nội dung tham khảo về ngôn ngữ mà bạn đã lựa chọn trên các trang như CodeAcademy, Code.org, Bento, Udacity, Udemy, Khan Academy, W3Schools và nhiều trang khác.

Xem thêm: Top 20 website học lập trình miễn phí cần bookmark ngay lập tức!

4. Tham gia vào một số lớp học

Tham gia vào một số lớp học

Dù không nhất thiết phải lấy bằng chính quy để tiến hành phát triển phần mềm nhưng bạn cũng chẳng mất gì khi học trung tâm hoặc tham gia một số lớp học của trường cao đẳng cộng đồng tại địa phương. Bạn sẽ được hướng dẫn riêng và có cơ hội giải quyết những vấn đề mà ít gặp phải khi tự học.

Nếu muốn tham gia lớp học cần đóng học phí, hãy chắc chắn bạn chỉ đăng ký những lớp học giúp bạn học được những điều chưa biết.

  • Nhiều nhà phát triển có thể dấn thân vào ngành này với kỹ năng xuất sắc của họ, bạn có thể trở nên nổi bật nếu có tấm bằng Cử nhân về khoa học máy tính sau 4 năm học tại trường đại học. Tấm bằng đó giúp bạn có kiến thức nền sâu rộng để có khả năng tham gia vào các lớp học hữu ích khác như toán và logic.

5. Thực hiện dự án vì sở thích cá nhân

Thực hiện dự án vì sở thích cá nhân

Trước khi tiến hành áp dụng kỹ năng lập trình mới vào công việc thực tế, bạn nên thử làm một số dự án của chính mình. Tự đặt ra thử thách cho bản thân xử lý vấn đề bằng ngôn ngữ lập trình học được không chỉ giúp cải thiện kỹ năng, mà còn làm đẹp cho CV xin việc của bạn.

  • Chẳng hạn, thay vì dùng ứng dụng lịch của máy tính để sắp xếp công việc, hãy thử thiết kế một ứng dụng cho riêng mình!
  • Nếu có hứng phát triển video game, hãy thử tạo ra các game đơn giản không chú trọng vào đồ họa hay quy tắc chơi game phức tạp. Thay vào đó, tập trung vào việc khiến game trở nên thú vị và độc đáo. Một bộ sưu tập bao gồm các game nhỏ mà bạn tự tạo sẽ khiến hồ sơ xin việc của bạn trông đẹp hơn.

6. Đặt câu hỏi

Đặt câu hỏi

Sử dụng Internet là một cách tuyệt vời để giao thiệp với các nhà phát triển khác. Nếu gặp khó khăn trong lúc thực hiện dự án của mình, bạn có thể yêu cầu trợ giúp trên các trang như StackOverflow. Nhưng hãy đảm bảo hỏi một cách tinh tế và chứng tỏ rằng bạn đã thử nhiều cách có thể.

7. Luyện tập hàng ngày

Luyện tập hàng ngày

Thực hiện dự án vì đam mê, cho dù mỗi ngày bạn chỉ làm trong một tiếng đồng hồ. Điều này giúp bạn có tinh thần hăng hái và thường xuyên học được các kỹ năng mới. Nhiều nhà phát triển đã thành công trong việc học một ngôn ngữ mới bằng cách tiếp xúc với nó mỗi ngày.

  • Xác định khoảng thời gian bạn có thể dành ra mỗi ngày cho việc viết code hoặc đặt ra hạn chót cần hoàn thành. Cố gắng làm dự án của bạn vào các ngày trong tuần để có thời gian thư giãn vào cuối tuần.

Phần 2: Phát triển chương trình

1. Nghĩ ra các ý tưởng

Nghĩ ra các ý tưởng

Một chương trình tốt thường sẽ thực hiện tác vụ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dùng. Quan sát phần mềm hiện có dành cho tác vụ bạn muốn thực hiện, sau đó nghĩ xem có giải pháp nào giúp tiến trình trở nên dễ dàng hoặc suôn sẻ hơn không. Một chương trình thành công là chương trình mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.

  • Kiểm thử tác vụ trên máy tính. Liệu có cách nào giúp bạn tự động hóa một phần của những tác vụ đó bằng một chương trình?
  • Viết ra mọi ý tưởng. Dù vào thời điểm viết nghe có vẻ ngớ ngẩn hoặc lạ lùng nhưng ý tưởng đó có thể trở nên hữu ích hoặc thậm chí là đáng giá.
  • Tìm hiểu về các chương trình khác. Những chương trình này có tác dụng gì? Làm thế nào để chúng trở nên tốt hơn? Chúng còn thiếu thứ gì? Việc trả lời những câu hỏi này có thể giúp bạn nghĩ ra ý tưởng tự xử lý vấn đề.

2. Viết văn bản phác thảo

Viết văn bản phác thảo

Văn bản phác thảo sẽ chỉ ra các nét chính và mục tiêu nỗ lực đạt được khi thực hiện dự án. Tham khảo văn bản phác thảo trong quá trình phát triển sẽ giúp dự án của bạn luôn đi đúng hướng và đạt được sự tập trung cần thiết.

3. Tạo ra mẫu thử nghiệm (prototype)

Tạo ra mẫu thử nghiệm (prototype)

Đây là chương trình cơ bản phô diễn tính năng mà bạn đang cố gắng đạt được. Mẫu thử nghiệm là một chương trình nhanh cần tạo đi tạo lại cho đến khi tìm ra một mẫu chạy được. Ví dụ: Nếu tạo một ứng dụng lịch, mẫu thử nghiệm của bạn có thể là lịch cơ bản (có ngày tháng chính xác) và thêm các sự kiện vào lịch.

  • Mẫu thử nghiệm sẽ thường xuyên thay đổi trong suốt thời gian phát triển vì bạn có thể tìm ra các cách mới để giải quyết vấn đề hoặc nghĩ ra một ý tưởng bạn muốn sử dụng về sau.
  • Mẫu thử nghiệm không nhất thiết phải đẹp. Trên thực tế, phong cách thiết kế và đồ họa nên là thứ nằm cuối trong danh sách những thứ mà bạn cần chú trọng. Tiếp tục với ví dụ ứng dụng lịch, mẫu thử nghiệm của bạn chỉ cần có chữ là đủ rồi.

4. Chạy thử nhiều lần

Chạy thử nhiều lần

Lỗi (bug) là thứ bất kỳ nhà phát triển nào cũng gặp phải. Lỗi trong lúc viết code và cách sử dụng khác thường gây ra mọi vấn đề trong một phần mềm hoàn chỉnh. Khi còn đang thực hiện dự án của mình, bạn nên cố gắng chạy thử càng nhiều càng tốt. Tìm ra mọi trường hợp có thể gây lỗi chương trình và cố gắng không để chương trình gặp lỗi tương tự trong tương lai. Nhờ gia đình và bạn bè chạy thử chương trình và báo lỗi. Bất kỳ cách nào mang lại ý kiến phản hồi đều có thể hỗ trợ cho quá trình phát triển.

  • Thử nhập ngày tháng lạ nếu chương trình của bạn có chứa ngày tháng. Ngày tháng trong quá khứ hoặc tương lai xa có thể khiến chương trình chạy khác thường.
  • Gõ sai kiểu biến. Ví dụ: Nếu tạo ra một mẫu yêu cầu người dùng điền tuổi, hãy thử gõ một từ vào đó xem điều gì sẽ xảy ra với chương trình.
  • Thử nhấp vào mọi thứ nếu chương trình của bạn có giao diện đồ họa. Chuyện gì sẽ xảy ra khi bạn trở về màn hình trước đó hoặc nhấn các nút sai thứ tự?

5. Trau chuốt dự án của mình

Trau chuốt dự án của mình

Nếu bạn tạo ra một dự án sơ sài trong giai đoạn tạo mẫu thử nghiệm và phát triển cũng không sao cả, nhưng nếu muốn người khác có ý định sử dụng nó, bạn cần dành thời gian trau chuốt thêm. Nghĩa là bạn cần đảm bảo các trình đơn nằm ở những vị trí hợp lý, giao diện người dùng (UI) gọn gàng và dễ nhìn, không có lỗi dễ phát hiện hoặc lỗi nghiêm trọng, và phiên bản hoàn thiện trông phải đẹp mắt.

  • Việc thiết kế giao diện người dùng và tính năng có thể rất khó và phức tạp. Có những người dành toàn bộ thời gian trong sự nghiệp chỉ để thiết kế giao diện người dùng. Đảm bảo chương trình của bạn dễ dùng và ưa nhìn. Việc tạo ra một giao diện người dùng chuyên nghiệp khó có thể được thực hiện nếu không có ngân sách và đội ngũ phát triển.
  • Nếu có ngân sách, bạn nên biết rằng hiện có nhiều nhà thiết kế đồ họa làm việc tự do có khả năng thiết kế giao diện người dùng khi ký hợp đồng với bạn. Nếu có một dự án lớn mà bạn kỳ vọng rằng sẽ trở thành thứ được nhiều người yêu thích, hãy thử tìm kiếm một nhà thiết kế giao diện người dùng tốt và thuyết phục họ trở thành một thành viên trong đội của bạn.

6. Đưa dự án của bạn lên GitHub

Đưa dự án của bạn lên GitHub

GitHub là cộng đồng mã nguồn mở cho phép bạn chia sẻ code của mình với những người khác. Nhờ đó, bạn có thể hiểu sâu hơn về code do chính mình viết ra, đồng thời góp phần hỗ trợ những người đang vật lộn tìm kiếm giải pháp mà bạn có thể đã tìm ra. GitHub là kho lưu trữ tuyệt vời giúp bạn học hỏi nhiều điều, đồng thời là một cách hay để gây dựng sự nghiệp của mình.

7. Phân phối phần mềm của bạn

Phân phối phần mềm của bạn

Sau khi tạo ra một phần mềm hoàn chỉnh, bạn có thể lựa chọn giữa hai phương án: phân phối phần mềm hoặc không. Hiện có nhiều cách để thực hiện việc này tùy thuộc vào loại phần mềm tạo ra.

  • Một trong những cách phân phối phần mềm phổ biến nhất dành cho đội ngũ phát triển có quy mô nhỏ hoặc nhà phát triển độc lập thông qua trang web cá nhân. Đảm bảo tất cả các tính năng đều được ghi đầy đủ thông tin, đi kèm với một vài ảnh chụp màn hình và hướng dẫn sử dụng. Nếu bạn đang bán phần mềm, hãy đảm bảo bạn có hệ thống thanh toán tốt qua mạng và một máy chủ (server) phân phối phần mềm.
  • Nếu đang phát triển phần mềm cho hệ điều hành hoặc thiết bị riêng biệt, bạn có thể tận dụng cửa hàng công nghệ số. Ví dụ: Nếu đang phát triển phần mềm cho thiết bị Android, bạn có thể bán phần mềm của mình thông qua Google Play Store, Amazon App Store hoặc trang web cá nhân của bạn.

Phần 3: Tìm kiếm việc làm

1. Nhận công việc thời vụ

Nhận công việc thời vụ

Cho dù công việc thời vụ không giúp bạn kiếm được nhiều tiền như công việc toàn thời gian và có độ tin cậy thấp hơn nhưng bạn có thể cải thiện hồ sơ của mình một cách đáng kể bằng cách nhận nhiều công việc thời vụ. Bạn có thể tham khảo các trang như Elance hay ODesk (còn được gọi là "Upwork" vào thời điểm hiện tại) để tìm việc. Dù có thể gặp đôi chút khó khăn trong việc xem xét ký hợp đồng nhưng sau khi có công việc đầu tiên, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

  • Hacker News là một nguồn tham khảo tuyệt vời dành cho những ai muốn tìm công việc tự do và công việc ký hợp đồng. Bạn nên chú ý đến phần "Ask".
  • Dù đôi khi muốn buông xuôi, ra giá thấp để dễ dàng có công việc thời vụ, nhưng đừng bán rẻ sức lao động của mình. Không chỉ rơi vào tình cảnh phải làm nhiều mà lại nhận ít hơn mức xứng đáng, bạn còn khiến những người làm cùng ngành cảm thấy bực mình, kết quả bạn sẽ khó gắn kết với cộng đồng hơn.
  • Làm tốt công việc thời vụ đôi khi giúp bạn kiếm được công việc toàn thời gian. Vì thế, bạn lúc nào cũng nên thể hiện điểm mạnh nhất của bản thân!

2. Mở rộng mạng lưới giao tiếp

Mở rộng mạng lưới giao tiếp

Tham gia thật nhiều hội nghị và buổi tụ họp lập trình viên. Bạn không chỉ có cơ hội xử lý vấn đề và biết nhiều code hơn mà còn gặp được những người làm cùng ngành. Có thể bạn nghĩ lập trình viên thường làm việc một mình trong phòng nhưng thật ra phần lớn các nhà phát triển làm việc toàn thời gian đều là thành viên của một đội và việc giao lưu với nhau cũng quan trọng như bất cứ việc nào khác.

3. Ứng tuyển vào vị trí làm việc toàn thời gian

Ứng tuyển vào vị trí làm việc toàn thời gian

Sau khi làm một vài công việc thời vụ để ghi vào hồ sơ của mình, bạn có thể tiến hành gửi lý lịch nghề nghiệp và hồ sơ của mình cho những tổ chức lớn hơn để nhận công việc toàn thời gian. Ngoài Monster và Indeed, hiện có nhiều trang cung cấp việc làm dành riêng cho nhà phát triển mà bạn nên truy cập, trong đó có GitHub Jobs, StackOverflow Job Board, AngelList, CrunchBoard, Hirelite và Hacker News.

4. Đa dạng hóa kỹ năng

Đa dạng hóa kỹ năng

Một nhà phát triển phần mềm giỏi thường thông thạo nhiều hơn một ngôn ngữ. Cho dù phần lớn nội dung học đều được sử dụng trong công việc, bạn nên dành chút thời gian rảnh để mở mang kiến thức và học những điều cơ bản về một hoặc hai ngôn ngữ lập trình khác. Điều này khiến việc chuyển sang làm các dự án mới trở nên dễ dàng hơn và giúp bạn trở thành một ứng viên xuất sắc được nhà tuyển dụng chú ý hơn.

5. Đừng lo lắng về mức lương

Đừng lo lắng về mức lương

Ban đầu không phải công việc phát triển phần mềm nào cũng đều đem lại cho bạn mức lương cao. Trên thực tế, chẳng có công việc nào như thế. Tuy nhiên, ưu điểm của việc phát triển phần mềm là thị trường việc làm đang phát triển mạnh mẽ. Nếu cảm thấy số tiền kiếm được từ công việc hiện tại không đủ, bạn có thể ứng tuyển vào vị trí mới của một công ty khác tương đối dễ dàng (nếu có kỹ năng). Hãy coi những công việc ban đầu là kinh nghiệm cần thiết thay vì chỉ chăm chăm vào quỹ hưu trí.

Tham khảo thêm một số bài viết:

Chúc các bạn vui vẻ!

Thứ Năm, 05/04/2018 08:24
4,67 👨 1.894
0 Bình luận
Sắp xếp theo