Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Android là hệ điều hành phổ biến nhất trên hành tinh — thậm chí còn hơn cả Windows. Đây cũng là điều khiến nó trở thành mục tiêu quen thuộc của các hoạt động độc hại khác nhau. Câu hỏi đặt ra là bạn có thực sự cần đến ứng dụng chống phần mềm độc hại (virus) trên thiết bị Android của mình không?
Đây thực sự là một vấn đề đáng bàn luận. Phần mềm chống virus đã được khuyến nghị cho người dùng Windows trong nhiều năm. Nhưng còn Android thì sao?
Android thực sự an toàn
Bản thân Android là một hệ điều hành khá an toàn. Nghe có vẻ "lạ" nhưng tuyên bố này đã nhận được ngày càng nhiều sự tán thành trong vài năm trở lại đây. Tất cả các điện thoại Android đều có trình khóa bootloader (chương trình khởi động hệ thống và hệ điều hành) để ngăn cản truy cập vào phân vùng hệ thống. Theo mặc định, tùy chọn sideload của các ứng dụng không được phê duyệt đều bị vô hiệu hóa.
Hai tùy chọn trên (mở khóa bootloader và ứng dụng sideload) là những cách phổ biến nhất để thiết bị Android bị nhiễm các phần mềm độc hại và cả hai đều bị chặn theo mặc định. Thực tế, hầu hết các vấn đề phần mềm độc hại trên Android đều nằm ở hai cách thức này bởi vì các tính năng bảo mật mặc định cụ thể đã bị tắt. Đó chính là điều khiến Android khác so với các đối thủ khác. Bạn có thể tự do làm những điều mình muốn với chiếc điện thoại của mình.
Google thậm chí còn khiến sideload an toàn hơn với Android Oreo. Thay vì tính năng này là cài đặt chung chung như trước, chỉ đơn giản cho phép hoặc không cho phép ứng dụng được cài đặt từ bên ngoài Play Store, này nó hoạt động dựa trên cơ sở từng ứng dụng. Điều đó có nghĩa là có thể cho phép ứng dụng được cài đặt từ một nguồn khác ngoài Play Store như Amazon Appstore. Đây là một cách thông minh để xử lý cài đặt này.
Nói một cách đơn giản, nếu bạn không có ý định mở khóa bootloader (thậm chí không thể trên nhiều điện thoại) hoặc sideload ứng dụng, bạn sẽ được bảo vệ an toàn bởi hệ thống.
Google Play Protect
Hệ thống bảo vệ chống phần mềm độc hại tích hợp sẵn lớn nhất của Android là Google Play Protect. Công cụ này có thể quét tất cả các ứng dụng trong Play Store và cả trên thiết bị của người dùng. Đây được xem là chương trình bảo vệ thiết bị khỏi phần mềm độc hại mọi lúc, mọi nơi.
Mọi thiết bị Android sở hữu Google Play Store đều có Play Protect. Bạn có thể nhận thấy thông báo “No Harmful Apps Found” (Không tìm thấy ứng dụng có hại) ở đầu mục quản lý ứng dụng và trò chơi trong Play Store. Play Protect đảm bảo các ứng dụng bạn tải xuống từ Google Play Store luôn an toàn để sử dụng.
Tuy nhiên, Play Protect không chỉ hoạt động trong phạm vi Play Store. Nó cũng để mắt đến cả các ứng dụng đã được người download từ bên ngoài, không chính thống.
Ngoài chức năng quét ứng dụng, Play Protect cũng có thể bảo vệ bạn khi duyệt web bằng Google Chrome. Tương tự như trên Chrome dành cho máy tính, nếu bạn truy cập một trang web có mã độc, Chrome sẽ đưa ra cảnh báo và đưa bạn trở lại trạng thái an toàn.
Cập nhật bảo mật định kỳ hàng tháng
Một điều quan trọng khác cần nhắc tới trong cơ chế bảo vệ thiết bị Android của Google là chính sách phát hành các cập nhật bảo mật hàng tháng. Đây là những bản cập nhật nhỏ, thường không đi kèm tính năng mới, mà thay vào đó là những sửa đổi giúp nâng cao độ ổn tịnh và bảo mật cho hệ điều hành.
Các lỗ hổng và cách thức tấn công mới luôn xuất hiện mỗi ngày. Nếu điện thoại Android của bạn chỉ được cập nhật mỗi năm một lần, các mối đe dọa sẽ dần chồng chất và trở nên nguy hiểm. Đó là lý do tại sao các bản cập nhật bảo mật định kỳ theo tháng là cực kỳ cần thiết.
Đáng buồn là không phải tất cả các thiết bị Android đều nhận được các bản cập nhật định kỳ này một cách kịp thời hoặc hoàn toàn. Google phát hành các bản cập nhật bảo mật hàng tháng, và ủy quyền cho các đối tác của mình (Samsung, OnePlus, v.v.) phê duyệt, bổ sung các bản sửa lỗi của riêng họ và phát hành cho người dùng.
Nếu bạn muốn có một chiếc điện thoại Android an toàn nhất, và được cập nhật đầy đủ nhất, nên chọn thiết bị Google Pixel hoặc Samsung Galaxy. Cả Google và Samsung đều được đánh giá cao trong việc chính sách duy trì thiết bị luôn cập nhật các bản vá mới nhất.
Và bạn không cần cài đặt ứng dụng diệt virus
Nhiều công ty diệt virus đã tận dụng “sự cố virus” để phát hành ứng dụng quét phần mềm độc hại trên nền tảng này. Tất nhiên bạn có thể cài đặt ứng dụng diệt virus cho Android nếu muốn. Tuy nhiên nó thực sự không tìm thấy bất cứ thứ gì mà Google chưa biết và bảo vệ hơn so với Play Protect.
Tất nhiên, hầu hết các ứng dụng diệt virus trên Android cũng làm những việc khác như chặn cuộc gọi điện thoại spam, bảo vệ điện thoại của bạn khỏi bị đánh cắp và cung cấp nhiều tính năng khác nữa. Đó là những lợi ích bổ sung, nhưng những tính năng này đã dần được tích hợp sẵn trên Android.
Nói một cách rõ ràng, bạn có thể sử dụng ứng dụng diệt virus nếu điều này làm bạn an tâm hơn nhưng nếu vẫn tải ứng dụng từ nguồn không rõ ràng, cho phép các ứng dụng thứ ba sử dụng nguồn tài nguyên, thực hiện những điều hệ điều hành làm, thì điều này không có ý nghĩa gì. Do đó, bạn chỉ cần chú ý một chút đến những ứng dụng cài đặt từ Google Play thì mọi thứ đều an toàn.
Xem thêm: