Để truyền dữ liệu nhanh hơn, hãy kiểm tra những chỉ số ẩn này trước khi mua ổ SSD!

Khi mua SSD, dung lượng lưu trữ và tốc độ đọc/ghi thường là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, có một chỉ số ẩn thường bị bỏ qua: SSD DRAM cache. Nhưng chỉ số bí ẩn này là gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến tốc độ truyền dữ liệu?

SSD DRAM cache là gì?

SSD DRAM cache hay DRAM (Dynamic Random Access Memory) buffer là bộ nhớ đệm tốc độ cao hoạt động như một ống dẫn giữa SSD (Solid State Drives) và PC. Bộ nhớ khả biến này có thể nhanh chóng lưu trữ và truy xuất dữ liệu nhưng sẽ mất nội dung khi mất điện. Nó khác với thiết bị lưu trữ dài hạn như SSD, sử dụng công nghệ NAND Flash.

Để hiểu rõ hơn, hãy chia nhỏ từng thành phần:

  • SSD: Những ổ này sử dụng công nghệ NAND Flash để lưu trữ dữ liệu. Không giống như ổ cứng HDD truyền thống, chúng không có bộ phận chuyển động và truy xuất dữ liệu nhanh hơn.
  • DRAM: Bộ nhớ khả biến này lưu trữ tạm thời dữ liệu để truy cập bộ xử lý nhanh hơn. Nó cung cấp tốc độ cao hơn bộ nhớ NAND Flash cố định được sử dụng trong SSD.
  • Cache: Trong máy tính, cache là vùng lưu trữ tạm thời chứa dữ liệu được truy cập thường xuyên để truy xuất nhanh.

SSD DRAM cache ảnh hưởng như thế nào đến tốc độ truyền dữ liệu?

Bây giờ, chúng ta đã biết SSD DRAM cache là gì, hãy xem nó ảnh hưởng đến việc truyền dữ liệu như thế nào. Khi truy cập dữ liệu, bộ xử lý sẽ gửi yêu cầu tới SSD. Sau đó, SSD lấy dữ liệu từ bộ nhớ NAND Flash và lưu trữ tạm thời vào DRAM cache. Từ đó, DRAM cache nhận dữ liệu và chuyển nó đến bộ xử lý. Quá trình này nhanh hơn nhiều so với việc lấy dữ liệu trực tiếp từ bộ nhớ SSD NAND Flash.

Để hiểu rõ hơn, hãy liên tưởng đến một đường cao tốc đông đúc với nhiều làn đường bổ sung. Đường cao tốc là ổ SSD, trong khi các làn đường bổ sung tượng trưng cho DRAM cache. Khi có mật độ giao thông đông đúc (tốc độ truyền dữ liệu cao), các làn đường bổ sung (DRAM cache) cho phép ô tô (dữ liệu) di chuyển nhanh hơn so với một làn đường duy nhất (được truy xuất trực tiếp từ bộ nhớ NAND Flash).

Nếu không có SSD DRAM cache, bộ xử lý sẽ phải đợi bộ nhớ NAND Flash truy xuất và truyền dữ liệu. Sự trì hoãn này được gọi là độ trễ và nó làm chậm quá trình truyền dữ liệu. Ngoài ra, kích thước DRAM cache ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ truyền dữ liệu. DRAM cache lớn hơn có thể tạm thời lưu trữ và truy xuất nhiều dữ liệu hơn, giảm nhu cầu sử dụng bộ nhớ NAND Flash chậm hơn.

Cách kiểm tra SSD DRAM cache trước khi mua

Làm thế nào để biết liệu SSD của bạn có SSD DRAM cache hay không? Dưới đây là một số cách để tìm hiểu:

  • Kiểm tra thông số kỹ thuật của nhà sản xuất: Kiểm tra thông số kỹ thuật của SSD để xem nó có DRAM cache hay không. Hầu hết các nhà sản xuất liệt kê thông tin này trong mô tả sản phẩm hoặc thông số kỹ thuật của họ. Hãy tìm các thuật ngữ như DRAM cache hoặc DRAM buffer để xác nhận.
  • Đọc nhãn sản phẩm: Nếu bạn mua SSD tại cửa hàng, hãy hỏi người bán hoặc kiểm tra bao bì để biết nó có đề cập đến DRAM cache hay không. Các nhà sản xuất thường nhấn mạnh tính năng này vì đây là một đặc tính quan trọng.
  • Diễn đàn và đánh giá trực tuyến: Bạn cũng có thể kiểm tra các diễn đàn và đánh giá trực tuyến về các model SSD. Người dùng thường đề cập và chia sẻ trải nghiệm bản thân trong bài đánh giá của họ.

DRAM là một cách tuyệt vời để có thêm năng lượng từ ổ SSD và tăng tốc thời gian truyền. Vì vậy, nếu thường xuyên chia sẻ các file lớn, bạn nên cân nhắc mua một ổ SSD có DRAM cache tốt.

Thứ Bảy, 03/08/2024 09:17
42 👨 164
0 Bình luận
Sắp xếp theo