Windows 10 mang đến cho người dùng rất nhiều tùy chọn để cấu hình trực tiếp từ trong hệ điều hành, nhưng trên hầu hết các máy tính đều có những cài đặt mà chỉ có thể thay đổi trong BIOS (basic input/output system). BIOS là phần mềm được tích hợp vào bo mạch chủ của máy tính và kiểm soát mọi thứ từ trình tự khởi động của ổ đĩa đến khởi động trước các tùy chọn bảo mật, phím Fn,...
Vì BIOS là môi trường trước khi khởi động nên người dùng không thể truy cập vào BIOS trực tiếp từ trong Windows. Với các hệ điều hành cũ hơn bạn có thể vào BIOS bằng cách nhấn một phím nào đó như F2, F12, Del khi khởi động lại máy tính, nhưng trên Windows 10 thì sẽ phức tạp hơn một chút. Trong bài viết này, Quản Trị Mạng sẽ hướng dẫn cách vào BIOS trên Windows 10 hay chính là truy cập vào cài đặt UEFI cho bạn, kèm theo video minh họa.
Lưu ý: Nếu bạn chỉ cần chọn để boot từ USB trên Windows 10 thì khi khởi động lại máy tính, bạn nhấn tổ hợp phím để vào BIOS như bình thường, Windows 10 sẽ hiện ra các tùy chọn cho bạn thay đổi kiểu boot, hãy nhấn phím mũi tên để di chuyển đến loại boot bạn cần và nhấn Enter để chọn.
Trong hình này, mình dùng máy tính Acer, Windows 10 Fall Creators Update, khi khởi động lại nhấn F12 để vào tùy chọn boot. Vì không kết nối với USB boot nào nên bạn không thấy tùy chọn boot từ USB.
1. Cách vào BIOS Windows 10 bằng Settings
Bước 1: Lưu tất cả các hoạt động và đóng tất cả các chương trình đang chạy trên máy tính Windows 10 của bạn.
Bước 2: Mở ứng dụng Settings bằng cách click vào biểu tượng Settings trên Start menu hoặc nhấn tổ hợp phím Windows
+I
.
Bước 3: Trên giao diện Settings, bạn click chọn Update & security.
Bước 4: Dưới mục Update & security, click chuột vào Recovery từ khung bên trái cửa sổ.
Bước 5: Tiếp theo, ở khung bên phải cửa sổ, click vào Restart now trong mục Advanced startup.
Lúc này máy tính của bạn sẽ khởi động lại.
Bước 6: Sau khi máy tính của bạn khởi động lại xong, bạn sẽ nhìn thấy màn hình Choose an option xuất hiện, tại đó bạn click chọn Troubleshoot.
Bước 7: Trên màn hình Troubleshoot, click chọn Advanced options để truy cập tùy chọn Advanced Startup Options.
Bước 8: Khi xuất hiện màn hình Advanced options, click chọn UEFI Firmware Settings.
Lưu ý: Nếu không xuất hiện tùy chọn UEFI Firmware Settings đồng nghĩa với việc máy tính của bạn không hỗ trợ UEFI.
Bước 9: Cuối cùng khi màn hình UEFI Firmware Settings xuất hiện, kèm theo thông báo “Restart to change UEFI firmware settings”, click chọn Restart để khởi động lại máy tính của bạn và truy cập cài đặt UEFI firmware.
Bước 10: Máy tính sẽ khởi động lại và đưa bạn vào BIOS của Windows 10.
Video hướng dẫn truy cập cài đặt UEFI trên Windows 10
Tại đây, bạn có thể thay đổi các thiết lập mình cần và xem thông tin máy tính cơ bản.
2. Truy cập UEFI firmware settings bằng Command Prompt
Bước 1: Mở Command Prompt dưới quyền Admin.
Bước 2: Trên cửa sổ Command Prompt, nhập lệnh dưới đây vào rồi nhấn Enter:
shutdown.exe /r /o
Bạn sẽ thấy một thông báo hiển thị báo rằng bạn đang đăng xuất You are about to be signed off, hãy Close thông báo và chờ một chút, Windows 10 sẽ khởi động lại vào menu Advanced Startup Options.
Bước 3: Thực hiện tương tự như phần cuối của cách 1 để truy cập cài đặt UEFI.
3. Mở BIOS/UEFI từ Desktop Windows 10
Bước 1: Mở Start Menu, sau đó click chọn nút Power.
Bước 2: Nhấn và giữ phím Shift, sau đó click chọn Restart để khởi động lại máy tính của bạn. Lúc này bạn sẽ nhìn thấy màn hình Choose an options.
Bước 3: Trên màn hình Choose an option, bạn click chọn Troubleshoot để mở màn hình Troubleshoot và vào menu Advanced Startup Options.
Bước 4: Thực hiện tương tự như phần cuối của cách 1 để truy cập cài đặt UEFI.
4. Cách vào UEFI BIOS bằng phím tắt hoặc lệnh
Bạn có thể truy cập UEFI BIOS trong Windows 10 bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, một trong những cách nhanh nhất có thể là chạy một lệnh khá đơn giản.
Mở CMD với quyền admin, gõ lệnh sau và nhấn Enter trên bàn phím:
shutdown /r /fw /f /t 0
Thao tác này sẽ ngay lập tức khởi động lại PC chạy Windows 10 và sau đó truy cập BIOS UEFI của máy tính.
Nếu bạn thích lệnh này nhưng muốn chạy nó nhanh hơn nữa, bạn có thể tạo shortcut Windows 10 BIOS. Khi bạn làm điều đó, hãy đảm bảo bạn chỉ định lệnh chính xác (shutdown /r /fw /f /t 0) trong trường vị trí của shortcut, như được minh họa bên dưới.
Nếu muốn điều gì đó thậm chí còn dễ dàng hơn, bạn có thể chỉ cần tải xuống shortcut BIOS của Windows 10 mà bài viết đã tạo cho bạn, được gọi là UEFI BIOS (khởi động lại Windows 10 và vào UEFI BIOS). Hãy tải xuống file ZIP này, trích xuất nội dung của nó và bạn sẽ tìm thấy shortcut trong đó.
Nhấp đúp vào shortcut và PC hoặc thiết bị Windows 10 sẽ khởi động lại và mở giao diện UEFI BIOS của nó, sau khi bạn nhấn Yes trong lời nhắc UAC sẽ được hiển thị.
5. Cách khắc phục lỗi không vào được BIOS trên Windows 10
Thực tế, một số bạn đã dùng cả 3 phương pháp trên vẫn không truy cập được BIOS trên Windows 10. Khi đó, nhiều khả năng máy tính của bạn đã gặp một vấn đề nào đó. Để khắc phục bạn làm theo những cách sau:
Cách 1: Tắt tính năng khởi động nhanh Fast Startup
Để tắt Fast Startup bạn làm theo các bước sau:
- Nhấn Windows + I để mở Settings sau đó truy cập vào System > Power & sleep
- Bạn kéo xuống dưới và nhấp vào Additional power settings
- Trong cửa sổ Power Options mới hiện ra, bạn chọn Choose what the power buttons do
- Một cửa sổ mới hiện ra và bạn kéo xuống để bỏ chọn ở ô Turn on fast startup
- Nhấn Save changes
- Bạn hãy khởi động lại máy tính và thử xem đã vào được BIOS hay chưa, nếu chưa mời bạn thử cách thứ 2
Cách 2: Reset lại CMOS
Nếu bạn không thể truy cập BIOS hãy làm theo các bước sau để reset lại thiết lập của CMOS. Bạn sẽ cần thực hiện một vài thủ thuật phần cứng.
- Tắt hết các thiết bị ngoại vi kết nối với máy tính
- Ngắt nguồn điện khỏi máy tính
- Mở nắp máy tính
- Tìm viên pin (dạng tròn dẹt) trên bo mạch chủ
- Gỡ viên pin ra khỏi bo mạch chủ
- Đợi khoảng một tiếng sau đó lắp lại pin
- Đóng nắp máy tính
- Kết nối nguồn điện và các thiết bị ngoại vi với máy tính
Bây giờ, bạn có thể thử xem đã vào được BIOS hay chưa. Hầu hết người dùng đều có thể truy cập BIOS thành công sau khi reset lại CMOS. Sau khi vào được BIOS bạn nên đặt lại các thiết lập của BIOS để loại bỏ các vấn đề đã ngăn chặn bạn truy cập trước đó.
Hy vọng bài viết hữu ích với bạn.
Xem thêm: