Tìm hiểu các phiên bản của Firefox: Firefox Quantum, Nightly, Beta, Developer, Extended Support Release

Bạn nghĩ rằng chỉ có một phiên bản Firefox thôi ư? Thực tế, trình duyệt nổi tiếng này có khá nhiều phiên bản, mỗi phiên bản cung cấp các tính năng thử nghiệm hoặc công cụ phát triển mới khác nhau. Tin tốt là bạn có thể thoải mái trải nghiệm tất cả chúng.

Quantrimang.com sẽ cho bạn biết các phiên bản khác nhau của Firefox, những tính năng cơ bản, sự khác nhau và cách chúng kết nối ra sao. Bài viết cũng sẽ chỉ cho bạn cách chuyển đổi giữa các phiên bản này nếu cần.

5 phiên bản khác nhau của Firefox

Có 5 phiên bản khác nhau của Firefox. Đây là những gì các phiên bản này cung cấp.

1. Firefox

Giao diện của Firefox Quantum

Đây là phiên bản Firefox tiêu chuẩn mà hầu hết mọi người sử dụng. Người dùng có thể thấy nó được gọi là Firefox Quantum. Mozilla đặt tên cho trình duyệt này sau khi nó có một bản cập nhật lớn vào cuối năm 2017, cải thiện tốc độ và sử dụng ít bộ nhớ hơn.

Mozilla Firefox (ban đầu được gọi là Phoenix) đã xuất hiện từ năm 2002. Nó lấy tên từ con chim thần thoại xuất hiện từ đống tro tàn. Trong câu chuyện này, “những đống tro tàn đó” là trình duyệt Netscape Navigator.

Firefox là trình duyệt miễn phí và mã nguồn mở. Mức sử dụng đạt đỉnh vào năm 2009 nhưng đã giảm dần khi Google Chrome xuất hiện. Tuy nhiên, nó vẫn là trình duyệt web phổ biến thứ hai cho máy tính để bàn.

2. Firefox Nightly

Nightly

Firefox Nightly dành cho người dùng tích cực tình nguyện thử nghiệm và báo cáo lỗi. Nếu muốn truy cập vào tất cả các tính năng tiên tiến trong quá trình phát triển (những tính năng còn rất lâu mới xuất hiện trên trình duyệt chính), có sẵn một phiên bản cho người dùng thử nghiệm.

Mỗi ngày, các nhà phát triển Mozilla viết code, sau đó được hợp nhất vào kho lưu trữ code. Code sau đó được biên dịch để thử nghiệm và đây là bản dựng Nightly bạn sử dụng. Nó nhận được cập nhật hai lần mỗi ngày.

Như vậy, đây là phiên bản không ổn định nhất của Firefox. Nó có nhiều khả năng gặp phải sự cố hoặc có lỗi. Mozilla thu thập số liệu thống kê sử dụng ẩn danh để giúp cải thiện trình duyệt này.

Khi code Nightly hoàn thiện, nó chuyển sang phiên bản Beta, trước khi được cung cấp chính thức cho người dùng.

3. Firefox Beta

Beta

Firefox Beta cho phép người dùng kiểm tra các tính năng sắp được phát hành. Một phiên bản có sẵn để sử dụng nếu bạn muốn thử nghiệm chức năng chưa được chính thức xuất hiện, nhưng đã từng được thử nghiệm trước đó.

Mặc dù Beta vẫn chủ yếu dành cho mục đích thử nghiệm, nhưng nó hướng tới công chúng nhiều hơn so với Nightly.

Nó có bản dựng trước khi phát hành ổn định nhất nhưng vẫn dễ gặp sự cố hoặc xảy ra lỗi. Giống như Nightly, nó cũng thu thập thông tin ẩn danh từ người dùng để giúp Mozilla khắc phục mọi sự cố.

Khi code Beta đã hoàn tất, nó sẽ chuyển sang hướng phát hành đại trà cho mọi người sử dụng.

4. Firefox Developer Edition

Developer Edition

Như tên gọi của nó cho thấy, Firefox Developer Edition nhắm đến các nhà phát triển. Cụ thể hơn, phiên bản này dành cho những người đang thiết kế, xây dựng và thử nghiệm mọi thứ trên web.

Phiên bản trình duyệt này có rất nhiều tính năng và công cụ để giúp phát triển web dễ dàng hơn. Có những thứ như trình gỡ lỗi JavaScript, trực quan hóa CSS Grid, trình chỉnh sửa Shape Path, thông tin phông chữ, v.v...

Phiên bản này cho phép các nhà phát triển nhận được các tính năng đặc biệt này sớm hơn so với bản phát hành bình thường. Tuy nhiên, không giống như Nightly và Beta, phiên bản dành cho nhà phát triển ổn định và không được thiết kế như một môi trường thử nghiệm.

Nó cũng sử dụng một chủ đề tối màu theo mặc định, rất phù hợp với các nhà phát triển. Mặc dù vậy, đừng lo lắng, người dùng cũng có thể bật chế độ Dark Mode trong phiên bản Firefox tiêu chuẩn.

5. Firefox Extended Support Release

ESR

Firefox ESR dành cho các tổ chức có nhiệm vụ kiểm soát các desktop trên máy khách ở các doanh nghiệp, trường học, chính phủ, v.v... và cần duy trì Firefox trên quy mô lớn. Nó không có các tính năng mới nhất nhưng vẫn có các bản vá bảo mật quan trọng.

Không giống như phiên bản tiêu chuẩn của trình duyệt này, được cập nhật thường xuyên, các phiên bản Firefox ESR được hỗ trợ trong hơn một năm. Vào cuối giai đoạn, sẽ không có bản cập nhật nào cho phiên bản đó nữa, thay vào đó bản cập nhật cho phiên bản tiếp theo sẽ được cung cấp.

Đôi khi, người dùng thường xuyên có thể muốn sử dụng ESR. Ví dụ, người dùng Windows XP được khuyên nên làm như vậy khi phiên bản vanilla của Firefox ngừng hỗ trợ hệ điều hành này.

Cách hạ cấp xuống phiên bản Firefox thấp hơn

Firefox Nightly và Developer Edition sẽ được cài đặt thành các chương trình riêng biệt. Người dùng có thể gỡ cài đặt chúng thông qua tổ hợp phím Windows + I > Apps. Beta và ESR sẽ ghi đè lên phiên bản chuẩn của Firefox. Nếu muốn hoàn nguyên từ một trong hai tùy chọn này, chỉ cần cài đặt lại Firefox.

Hạ cấp

Lý tưởng nhất là đừng sử dụng bất cứ thứ gì trừ phiên bản Firefox mới nhất vì các phiên bản cũ dễ bị đe dọa. Cân nhắc sử dụng Firefox Extended Support Release nếu muốn hạ cấp trình duyệt. Có thể, bạn không muốn các tính năng mới nhất mà muốn trình duyệt của mình được bảo vệ.

Nếu vẫn muốn hạ cấp tiếp, trước tiên, hãy truy cập thư mục Mozilla chứa các bản phát hành Firefox. Nhấp vào phiên bản trình duyệt mong muốn, sau đó là hệ điều hành đang sử dụng. Ví dụ, win32/ cho Windows 32-bit và win64/ cho Windows 64-bit.

Chọn bản phát hành

Tiếp theo, nhấp vào phiên bản có ngôn ngữ mong muốn. Ví dụ, nếu bạn đến từ Vương quốc Anh, hãy chọn en-GB. Nếu đến từ Hoa Kỳ, hãy chọn en-US.

Cuối cùng, nhấp vào liên kết “exe” để tải về trình cài đặt. Mở nó lên và làm theo hướng dẫn. Phiên bản Firefox đã chọn sẽ được cài đặt.

Lưu ý rằng Firefox sẽ tự động cập nhật.

Để ngăn chặn việc đó, hãy nhấp vào nút Menu > Options, sau đó cuộn đến phần Firefox Updates. Đặt Allow Firefox to thành Check for updates but let you choose to install them. Các bước thể thực hiện nhiệm vụ này có thể khác nhau trong một số phiên bản cũ hơn.

Hy vọng, bây giờ bạn đọc đã hiểu rõ về tất cả những phiên bản này và tìm ra đâu là phiên bản tốt nhất cho mình. Nếu đã gắn bó với phiên bản chuẩn của Firefox, nhưng vẫn muốn mở rộng chức năng của nó, thì đừng lo lắng. Bạn có thể làm điều đó thông qua các tiện ích bổ sung (add-on). Tham khảo bài viết của Quản Trị Mạng về các add-on Firefox tốt nhất, bao gồm mọi thứ từ bảo mật, quản lý tab, thiết kế và nhiều hơn nữa.

Chúc bạn tìm cho mình được phiên bản phù hợp!

Xem thêm:

Thứ Sáu, 25/01/2019 16:09
52 👨 3.453
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Mozilla Firefox