Bạn đã sử dụng keo tản nhiệt đúng cách?

Keo tản nhiệt là thứ không thể thiếu trong các bộ tản nhiệt ngày nay, bởi nó có khả năng lấp đi phần không khí dẫn nhiệt kém nằm giữa 2 bề mặt. Nhưng liệu các bạn đã biết cách bôi keo thế nào cho đúng?

Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao trước khi đặt quạt tản nhiệt lên CPU ta lại phải tra một lớp keo màu trắng trước chứ không được đặt trực tiếp? Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Tại sao lại cần keo dẫn nhiệt?

Về lý thuyết nếu như bề mặt của CPU và của phiến tản nhiệt hoàn toàn nhẵn thì khi tiếp xúc với nhau toàn bộ nhiệt từ CPU sẽ được truyền hết sang phiến tản nhiệt. Tuy nhiên trên thực tế không thể sản xuất ra các linh kiện lý tưởng như vậy, giữa 2 bề mặt tiếp xúc với nhau sẽ luôn tồn tại 1 khe hở. Bạn có thể hình dung ra khe hở này qua hình minh họa dưới đây.

Khe hở giữa CPU và bộ tản nhiệt

Phần trắng thể hiện vùng không khí tồn tại giữa 2 bề mặt tiếp xúc, và không khí thì dẫn nhiệt rất kém. Vì vậy mà keo dẫn nhiệt ra đời để lấp đầy chỗ trống đó và làm công việc dẫn nhiệt từ các loại chip sang bộ tản nhiệt. Keo dẫn nhiệt tuy không thể bằng được kim loại nhưng ít nhất nó cũng tốt hơn khoảng 100 lần không khí.

Nếu không có chất dẫn nhiệt này, CPU có thể chạy với nhiệt độ tăng, gây ra hiện tượng Throttling theo thời gian. (Throttling về cơ bản là hiện tượng khi CPU buộc phải chạy chậm lại và cuối cùng tắt khi nó bắt đầu trở nên quá nóng). Quá trình này diễn ra quá nhiều không chỉ làm giảm hiệu suất máy tính mà còn khiến CPU quá nóng, gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Về lâu dài, đầu tư hơn 200.000 VND (hoặc ít hơn) cho keo dán nhiệt có thể giúp bạn tiết kiệm hàng triệu khi thay thế CPU.

Các cách bôi keo tản nhiệt

Bạn có thể thấy có nhiều cách bôi keo tản nhiệt như theo đường thẳng, chấm, đường chéo, xoắn ốc, quá nhiều, quá ít hoặc thậm chí sử dụng ngón tay để dàn keo tản nhiệt. Dưới đây là hình ảnh kết quả tản nhiệt khi sử dụng các phương thức bôi keo khác nhau.

Các cách bôi keo tản nhiệt

Nhìn vào kết quả từ biểu đồ trên, bạn có thể thấy hầu như các phương pháp đều cho kết quả nhiệt độ giống nhau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là bạn không nên sử dụng quá ít keo tản nhiệt nếu không bạn sẽ sớm phải thay GPU và CPU.

Lựa chọn keo dẫn nhiệt

Hầu hết các loại keo tản nhiệt thường có màu trắng, tuy nhiên thành phần bên trong của chúng có thể khác nhau dẫn đến hiệu quả dẫn nhiệt cũng khác nhau. Có 3 loại chính đó là keo tản nhiệt có chứa thành phần kim loại, sứ và silicon.

Lựa chọn keo dẫn nhiệt

Keo chứa kim loại: ai cũng biết rằng kim loại dẫn nhiệt tốt nhất trong các loại vật chất nên hiệu quả của loại keo này là không phải bàn cãi. Tuy nhiên kim loại ngoài dẫn nhiệt ra còn dẫn cả điện nên nếu để keo dây vào phần mạch có thể gây chập rất nguy hiểm cho linh kiện.

Keo có chứa gốm: hiệu quả kém một chút so với keo kim loại, bù lại loại keo này có ưu điểm là không dẫn điện nên rất an toàn.

Keo chứa silicon: loại keo thường được bán kèm cùng với tản nhiệt mặc định của CPU và trong các bộ tản nhiệt chất lượng thấp. Hiệu quả của loại keo này kém hơn nhiều so với 2 loại trên.

Để có hiệu quả giải nhiệt tốt nhất cho CPU hoặc GPU bạn nên chọn loại keo có thành phần gốm, hiệu quả chỉ kém hơn loại keo kim loại từ 1 đến 3 độ C mà lại rất an toàn tránh được nguy cơ chập cháy linh kiện. Hãy mua sản phẩm từ các hãng sản xuất tản nhiệt nổi tiếng như Arctic Cooling, Arctic Silver để có chất lượng tốt nhất.

Quy trình bôi keo tản nhiệt cho CPU

Làm sạch bề mặt tiếp xúc

Đây là một bước quan trọng trước khi gắn tản nhiệt mới lên CPU mà rất nhiều người quên hoặc bỏ qua. Lớp keo cũ sau một thời gian sử dụng sẽ bị khô và tạo thành các mảng bám trên bề mặt chip. Nếu tiếp tục tra keo mới lên thì diện tích tiếp xúc của keo với tản nhiệt sẽ giảm đi (do bề mặt không bằng phẳng của lớp keo) và dẫn tới việc tản nhiệt kém hiệu quả.

Loại bỏ lớp keo tản nhiệt cũ

Để thực hiện việc làm sạch bề mặt chip bạn cần sử dụng một tấm vải mềm hoặc một vài cây tăm bông cùng với dung dịch tẩy rửa như cồn hoặc axeton. Chú ý không sử dụng các loại chất tẩy rửa có chứa dầu vì lớp dầu trên bề mặt chip sẽ cản trở việc dẫn nhiệt ra ngoài.

Sau khi chuẩn bị các dụng cụ cần thiết, bạn hãy tiến hành làm sạch bằng cách nhúng vải hoặc tăm bông vào dung dịch sau đó nhẹ nhàng lau sạch lớp keo trên bề mặt chip. Bạn cũng chú ý không để ngón tay chạm lên bề mặt chip vì trên các đầu ngón tay cũng có dầu.

Tương tự như bề mặt chip, phần đáy tiếp xúc của các phiến tản nhiệt cũng cần được làm sạch. Nếu keo cũ còn sót lại nhiều bạn phải lau nhiều lần cho tới khi bề mặt tiếp xúc của tản nhiệt sáng bóng trở lại.

Bôi keo mới

Công đoạn này đơn giản nhưng đòi hỏi bạn khi thực hiện phải cẩn thận và tỉ mỉ. Cái mà chúng ta cần là tạo một lớp keo tản nhiệt mỏng và đều trên bề mặt chip chứ không phải cứ thật nhiều keo là tốt. Đầu tiên hãy nhỏ 1 giọt keo vào chính giữa bề mặt chip.

Bôi keo mới

Sau đó dùng một tấm bìa hoặc nhựa mỏng (như các loại thẻ game, card visit, ..) dàn đều keo ra 4 phía của chip. Tuyệt đối không sử dụng các vật kim loại vì có thể làm xước bề mặt tiếp xúc.

Dàn keo tản nhiệt

Có một cách khác để thực hiện việc này đó là đặt tản nhiệt luôn lên chip sau khi nhỏ keo, trọng lượng của phiến tản nhiệt sẽ giúp cho keo được dàn đều về mọi phía. Tuy nhiên nếu lượng keo quá ít thì bề mặt chip sẽ không được che phủ kín và ngược lại nếu quá nhiều sẽ tràn ra ngoài và dù có thừa hay thiếu keo thì bạn vẫn phải làm lại từ đầu nên tốt nhất bạn hãy làm theo cách đầu tiên để đỡ mất công.

Việc còn lại sau khi đã tra keo xong là đặt tản nhiệt vào vị trí. Hãy cố gắng đặt thật chính xác sau đó khóa tản nhiệt lại luôn, tránh nâng lên hạ xuống nhiều lần sẽ làm biến dạng lớp keo và giảm hiệu quả tản nhiệt.

Quy trình bôi keo tản nhiệt cho GPU

Bây giờ, việc bôi lại keo tản nhiệt GPU sẽ diễn ra như sau.

Bước 0: Kiểm tra nhiệt độ card đồ họa

Uningine Heaven Benchmark
Uningine Heaven Benchmark

Bài viết khuyên bạn không nên bỏ qua bước này. Luôn kiểm tra và so sánh để xem liệu tình trạng của bạn đã được cải thiện hay trở nên tồi tệ hơn.

Để thực hiện kiểm tra, hãy chạy Unigine Heaven Benchmark ở chế độ nền và sử dụng công cụ theo dõi phần cứng như HWiNFO. Để benchmark chạy trong 10 - 15 phút để đảm bảo bạn đạt được nhiệt độ tối đa.

Hãy theo dõi nhiệt độ GPU trong thời gian này. Lý tưởng nhất là nhiệt độ nên duy trì ở mức dưới 80 - 85°C, nhưng bài viết khuyên bạn nên đặt mục tiêu thấp hơn ở khoảng 76-78°C. Việc tra lại keo thực sự chỉ nên là biện pháp cuối cùng. Trước tiên, hãy thử giảm điện áp cho GPU hoặc các giải pháp xử lý quá nhiệt GPU trước khi tra lại keo.

Điện áp 0,944V trước khi tra lại keo tản nhiệt
Điện áp 0,944V trước khi tra lại keo tản nhiệt

Trường hợp ví dụ vẫn nhận được mức 78°C sau khi giảm điện áp 1080 Ti xuống 0,944V để có nhiệt độ thấp hơn. 78°C là hơi cao và vì card đồ họa này được phát hành vào năm 2018 và chưa từng được mở ra nên cần phải tra lại keo tản nhiệt.

Lưu ý: Bạn cũng cần phải loại bỏ keo tản nhiệt cũ trên GPU như đã thực hiện với CPU. Công cụ cần thiết giống như CPU nhưng cần thêm tuốc nơ vít để tháo các ốc vít. Hãy chắc chắn rằng bạn đã tháo tất cả các ốc vít khỏi card đồ họa.

Bước 1: Tháo card đồ họa

Để tháo card đồ họa, hãy bắt đầu bằng cách tắt PC, tắt nguồn điện, rút nguồn điện rồi rút cáp khỏi card đồ họa.

Sau khi rút phích cắm của PC, hãy thực hiện xả điện bằng cách nhấn nút nguồn trong vài giây để đảm bảo đã hết điện.

Tháo card đồ họa ra khỏi khung máy
Tháo card đồ họa ra khỏi khung máy

Tiếp theo, mở case và tháo card đồ họa ra khỏi case.

Rút nguồn card đồ họa
Rút nguồn card đồ họa

Rút cáp nguồn khỏi card đồ họa của bạn.

Mở chốt khe cắm PCIE trên card đồ họa
Mở chốt khe cắm PCIE trên card đồ họa

Cuối cùng, để tháo card đồ họa của bạn, hãy nhấn chốt trên khe cắm PCIe mà card đồ họa của bạn được cắm vào trên bo mạch chủ. Nhẹ nhàng kéo nó ra.

Bước 2: Mở card đồ họa

Một số card đồ họa khó mở hơn những card đồ họa khác và EVGA 1080 Ti FTW3 trong ví dụ này chắc chắn là một trong những card đồ họa khó mở hiện có.

Card đồ họa này có nhiều miếng đệm tản nhiệt - nhiều hơn mức trung bình. Khi tháo rời, hãy đảm bảo không để bất kỳ bụi bẩn nào bám vào các miếng đệm tản nhiệt để chúng có thể tái sử dụng. Sẽ an toàn hơn nếu có vật thay thế đề phòng trường hợp bạn làm hỏng hoặc làm bẩn chúng, vì các bộ phận quan trọng khác có thể quá nóng nếu không có chúng.

Tấm ốp lưng EVGA 1080 Ti 
Tấm ốp lưng EVGA 1080 Ti

Ghi nhớ vị trí các miếng đệm tản nhiệt, rồi tháo card đồ họa của bạn. Chúng ta đang bắt đầu với tấm ốp lưng trong trường hợp này.

Đã loại bỏ tấm ốp mặt sau của chip 1080 Ti với các miếng đệm tản nhiệt
Đã loại bỏ tấm ốp mặt sau của chip 1080 Ti với các miếng đệm tản nhiệt

Đặt các tấm ốp lưng sang một bên vì chúng có các miếng đệm tản nhiệt dễ bị hỏng.

Lau bụi mặt sau card đồ họa
Lau bụi mặt sau card đồ họa

Chúng tôi cũng sẽ tận dụng cơ hội này để quét sạch bụi bẩn ở mặt sau nhằm cải thiện khả năng tản nhiệt.

Tấm ốp lưng 1080 Ti với miếng đệm tản nhiệt
Tấm ốp lưng 1080 Ti với miếng đệm tản nhiệt

Tiếp theo, chúng ta sẽ tháo các ốc vít đang gắn bộ tản nhiệt GPU vào chip GPU trên bo mạch chính.

Đầu nối nguồn trên card đồ họa
Đầu nối nguồn trên card đồ họa

Trước khi tháo bộ tản nhiệt, hãy đảm bảo rằng bạn đã rút các đầu nối nguồn khác nhau và tháo khung IO nếu cần.

Bộ tản nhiệt được loại bỏ khỏi bo mạch chính GPU có các miếng đệm tản nhiệt
Bộ tản nhiệt được loại bỏ khỏi bo mạch chính GPU có các miếng đệm tản nhiệt

Khi mọi thứ đã ổn, hãy nhẹ nhàng tách bộ tản nhiệt ra, lưu ý đến các miếng đệm tản nhiệt có thể ở bên dưới.

Bước 3: Loại bỏ keo tản nhiệt cũ

Sau khi card đồ họa của bạn được mở, đã đến lúc loại bỏ keo tản nhiệt cũ trên bộ tản nhiệt và khuôn GPU.

Keo tản nhiệt cũ trên khuôn GPU 
Keo tản nhiệt cũ trên khuôn GPU

Bắt đầu với khuôn GPU, hãy đảm bảo không sử dụng bất kỳ công cụ cạo nào, đặc biệt là những công cụ làm bằng kim loại, vì bạn có thể làm hỏng chip. Sử dụng cồn isopropyl 99% và để vài giây, sau đó chà sạch bằng bông gòn hoặc tăm bông. Bạn không cần phải loại bỏ phần cồn bị tràn; làm sạch bề mặt là đủ rồi.

Làm sạch keo tản nhiệt cũ khỏi bộ tản nhiệt GPU
Làm sạch keo tản nhiệt cũ khỏi bộ tản nhiệt GPU

Tiếp theo, thực hiện tương tự với bộ phận tản nhiệt, để cồn ngấm rồi chà sạch.

Bước 4: Tra keo tản nhiệt mới

Không giống như CPU, bộ tản nhiệt nằm ngay trên khuôn chứ không phải IHS như đã đề cập trước đó.

Chấm keo tản nhiệt trên GPU
Chấm keo tản nhiệt trên GPU

Bôi một lượng lớn keo tản nhiệt lên chip, nhưng không quá nhiều. Tốt nhất bôi theo hình dấu X hoặc một chấm lớn.

Trải keo tản nhiệt trên khuôn GPU 
Trải keo tản nhiệt trên khuôn GPU

Tiếp theo và quan trọng nhất là trải rộng phần keo ra và chạm tới các cạnh của khuôn GPU. Đảm bảo các cạnh có lớp keo được phủ đều và không quá mỏng.

Bước 5: Lắp lại card đồ họa

Sau khi bôi keo tản nhiệt, bạn có thể lắp lại card đồ họa của mình.

Đề phòng trường hợp bạn làm hỏng một số miếng đệm tản nhiệt, bây giờ là thời điểm hoàn hảo để thay thế chúng. Nếu chúng còn nguyên vẹn, tiến hành gắn bộ tản nhiệt và vặn vít ở mặt sau bo mạch chính, ngay phía sau chip GPU.

Tiến hành lắp ráp lại bằng cách cắm các đầu nối nguồn từ bộ tản nhiệt vào bo mạch chính, gắn giá đỡ IO và đặt lại các tấm ốp lưng nếu card đồ họa của bạn có.

Bước 6: Kiểm tra và so sánh nhiệt độ

Cuối cùng, một bước rất quan trọng để đảm bảo công việc của bạn thực sự đã hoàn thành và không cần phải thực hiện lại là kiểm tra.

Giống như đã trình bày ở bước 0, hãy chạy cùng một benchmark trong khoảng 10 - 15 phút bằng phần mềm theo dõi nhiệt độ GPU. Trường hợp ví dụ cũng đang kiểm tra phần mềm Precision X1 của EVGA vì FTW3 có công nghệ iCX. Nó cho biết nhiệt độ của các bộ phận khác nhau, chẳng hạn như nhiệt độ bên dưới miếng đệm tản nhiệt, để biết liệu có cần thay thế chúng hay không.

Sau lần thử nghiệm đầu tiên, GPU chạy lên tới 90°C trong khi các thành phần khác không nóng bằng. Mở card đồ họa ra, tác giả bài viết nhận thấy mặc dù keo trải rộng và phủ đều như dự định nhưng lại hơi mỏng và có những khoảng trống.

Kiểm tra tốc độ quạt 100%
Kiểm tra tốc độ quạt 100%

Sau khi bổ sung thêm keo tản nhiệt, tác giả bài viết đã thử nghiệm lại trong 10 phút ở điện áp tăng nhẹ vì nhận thấy có chút bất ổn ở mức 0,944v. Mặc dù điện áp tăng, nhiệt độ trung bình vẫn chỉ khoảng 75,7°C.

Kiểm tra tốc độ quạt tự động 0,963v
Kiểm tra tốc độ quạt tự động 0,963v

Vì muốn biết mình có thể giảm tốc độ quạt đến mức nào, tác giả đã thử sử dụng tốc độ quạt 100% thay vì tự động và nó ngừng tăng ở khoảng 68,4°C sau khi đạt mức tối đa 69,7°C chỉ sau 5 phút. Bạn cũng có thể thiết lập tùy chỉnh để tăng tốc độ quạt lên tới 100% ở khoảng 70°C để có được nhiệt độ thấp nhất ở hiệu suất cao nhất. Tuy nhiên, quạt sẽ chạy khá ồn.

Bao lâu bạn nên bôi keo tản nhiệt một lần?

Một nguyên tắc cơ bản là theo dõi nhiệt độ CPU của bạn thường xuyên, tham khảo bài viết Hướng dẫn kiểm tra nhiệt độ CPU, VGA, ổ cứng máy tính, laptop để biết cách thực hiện. Khi nhận thấy hiệu suất giảm cùng với nhiệt độ CPU cao, bạn nên bôi keo tản nhiệt mới. Nói chung, keo tản nhiệt này có thể sử dụng trong vài năm (ít hơn nếu bạn chơi game hoặc thực hiện ép xung).

Keo tản nhiệt rất quan trọng để giúp máy tính chạy ở nhiệt độ tối ưu, đảm bảo hiệu suất hiệu quả và tránh tình trạng throttling CPU.

Chúc các bạn thực hiện thành công!

Xem thêm:

Thứ Tư, 22/11/2023 15:27
4,715 👨 107.554
0 Bình luận
Sắp xếp theo