Bạn có lo lắng về việc bộ xử lý đồ họa tỏa ra nhiều nhiệt hơn bình thường không? GPU quá nóng không chỉ có thể làm hỏng lõi của chính nó mà còn gây hại cho các thành phần khác của máy tính.
GPU là một trong những thiết bị đắt tiền nhất trong máy tính, vì vậy không ai muốn thiết bị quý giá của mình bị hỏng do quá nóng. Do đó, theo dõi nhiệt độ của GPU là điều bắt buộc.
Hãy cùng khám phá cách bạn có thể xác định khi nào GPU của mình quá nóng, nguyên nhân và triệu chứng của hiện tượng này, cuối cùng là những gì có thể làm để hạ nhiệt GPU.
Như thế nào là quá nóng đối với GPU?
GPU được thiết kế để xử lý nhiệt độ cao vì chúng liên tục hoạt động dưới tải nặng, sinh ra nhiều nhiệt hơn. Nhiệt độ GPU có thể chịu đựng cao bao nhiêu tùy thuộc vào nhà sản xuất, số lượng keo tản nhiệt, luồng không khí và khoảng thời gian nó đã được sử dụng.
Nói chung, nhiệt độ dưới 60°C là hoàn toàn an toàn cho GPU, còn nhiệt độ từ 60°C đến 90°C không gây hại, nhưng bạn nên cân nhắc làm mát nhiều hơn. Ở nhiệt độ trên 100°C, có nhiều nguy cơ hư hỏng phần cứng.
Nếu GPU quá cũ, keo tản nhiệt đã khô và không có đủ luồng khí, thì việc để GPU ở nhiệt độ trên 80°C có thể không an toàn.
Nguyên nhân khiến GPU quá nóng
Sau đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng GPU quá nóng:
1. Quá tải GPU: Chỉ báo quá nhiệt đầu tiên là mức tải xử lý bạn đang đặt trên GPU của mình. Nói chung, tải GPU càng cao thì càng tạo ra nhiều nhiệt và ngược lại.
2. Không vệ sinh GPU: Sự tích tụ bụi bẩn và xơ vải trên phần cứng GPU là nguyên nhân phổ biến thứ hai làm nó quá nóng. Trừ khi bạn có thói quen làm sạch GPU của mình thường xuyên, thì khả năng cao là việc vệ sinh không đúng cách đang khiến GPU của bạn quá nóng.
3. Luồng không khí không đủ: Nếu để GPU hướng vào tường, bạn hạn chế luồng không khí giúp loại bỏ nhiệt ra khỏi hệ thống. Điều này ngăn GPU làm mát hiệu quả.
4. Keo tản nhiệt bị khô: Keo tản nhiệt chất lượng cao cải thiện khả năng truyền nhiệt từ GPU, giúp khả năng tản nhiệt của nó hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo thời gian, keo trở nên khô lại và cản trở dòng nhiệt ra khỏi hệ thống. Do đó, nhiệt tích tụ, khiến GPU của bạn quá nóng.
Các triệu chứng của hiện tượng GPU quá nóng
Tiếng ồn của quạt lớn, lỗi màn hình và gặp phải các lỗi liên quan đến đồ họa là một số dấu hiệu cho bạn biết card đồ họa của bạn đang nóng lên quá nhiều, nhưng các triệu chứng tương tự cũng có thể xuất hiện nếu phần cứng GPU bị lỗi hoặc nếu card đồ họa đã lỗi thời.
Do đó, bạn nên kiểm tra nhiệt độ GPU thông qua phần mềm chuyên dụng để xác nhận xem liệu nó có quá nóng và gây ra những dấu hiệu này hay không. Open Hardware Monitor, MSI Afterburner và HWMonitor là một vài công cụ phổ biến để theo dõi nhiệt độ GPU.
Sau đây là một số triệu chứng của GPU quá nóng:
1. Tiếng ồn của quạt: Một trong những dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất của GPU quá nóng là quạt chạy quá tốc độ khi chúng cố gắng tản nhiệt quá mức. Quạt phát ra tiếng ồn lớn cho thấy chúng hoạt động không tốt trong việc loại bỏ nhiệt, có nghĩa là việc quá nhiệt đang gây căng thẳng cho các quạt GPU.
2. Hiện tượng lạ trên màn hình: Nếu bạn bắt đầu nhìn thấy các ô màu đỏ (hoặc các lỗi khác) trên toàn màn hình, đó là dấu hiệu có gì đó không ổn với GPU.
3. Lỗi khi chơi game: Bất cứ khi nào bạn thấy các lỗi liên quan đến đồ họa như card đồ họa không phản hồi, card đồ họa không thể khôi phục sau khi hết thời gian chờ hoặc bất cứ điều gì tương tự khi chơi các game nặng về đồ họa hoặc game bắt đầu bị lag, trục trặc hoặc lỗi, rất có khả năng card đồ họa của bạn đang hoạt động quá mức.
Các lý do khác có thể khiến GPU quá nóng bao gồm lỗi màn hình xanh, lỗi PC và tắt máy đột ngột khi tải cao.
Các cách khác nhau để hạ nhiệt GPU
Nếu GPU quá nóng gây ra sự cố, bạn có thể làm mát nó bằng cách làm theo các bước bên dưới.
1. Vệ sinh quạt GPU: Vệ sinh quạt GPU đúng cách, đảm bảo không có bụi bẩn hoặc xơ vải bám bên trong để giúp tản nhiệt hiệu quả hơn. Sử dụng máy nén khí hoặc chà xát cánh quạt với cồn là cách an toàn để vệ sinh quạt. Bạn cũng nên làm khô đúng cách trước khi lắp lại quạt vào máy tính.
2. Tắt tính năng ép xung: Tốc độ xung của lõi GPU càng cao, chúng càng tạo ra nhiều nhiệt. Do đó, nếu GPU của bạn được ép xung, hãy cân nhắc đặt lại nó về tốc độ xung bình thường. Nếu GPU vẫn nóng lên, hãy thử chạy nó ở cài đặt không ép xung để xem điều đó có giải quyết được sự cố hay không.
3. Kiểm tra phần cứng: Kiểm tra cẩn thận các quạt của GPU để đảm bảo chúng không bị hỏng (rất hiếm gặp). Thay thế chúng nếu chúng bị mòn để giải quyết vấn đề quá nhiệt.
4. Cải thiện luồng không khí: Gần đây bạn có di dời máy tính của mình vào nơi mới và nó bắt đầu quá nóng sau đó không? Nếu đúng như vậy, hãy đảm bảo GPU của bạn có đủ luồng không khí lưu thông.
5. Thay keo tản nhiệt: Keo tản nhiệt không bị hao mòn trong vài tháng và tùy thuộc vào chất lượng của loại keo dán mà GPU có, nó có thể kéo dài đến 10 năm. Sẽ hữu ích nếu bạn vẫn cân nhắc thay keo tản nhiệt 3 năm một lần để đạt hiệu quả tốt hơn, nhưng thay thế keo tản nhiệt trên GPU không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
6. Hạn chế làm quá tải GPU: GPU quá tải có xu hướng tạo ra nhiều nhiệt hơn, vì vậy hãy tránh làm quá tải nó bằng cách chạy đồng thời nhiều tác vụ đồ họa chuyên sâu. Quá tải không chỉ khiến GPU quá nóng mà còn làm hỏng quạt và các thành phần khác của nó.
Các phương pháp khác nhau được liệt kê ở trên cải thiện luồng nhiệt thoát ra khỏi GPU quá nóng của bạn. Tuy nhiên, nếu chúng không mang lại hiệu quả như bạn mong đợi, hãy cân nhắc thêm nhiều quạt hơn vào case máy tính. Bằng cách thêm nhiều quạt hơn, bạn có thể cải thiện luồng không khí ra khỏi hệ thống của mình, do đó làm giảm nhiệt độ GPU.
Hơn nữa, nếu ngân sách cho phép, hãy cân nhắc lắp đặt hệ thống làm mát bằng nước cho bộ xử lý đồ họa của bạn. Nếu bạn kết hợp làm mát bằng không khí với làm mát bằng nước, nhiệt độ GPU sẽ giảm đáng kể.