Gần đây, bạn đã mua một chiếc máy Mac mới hoặc công việc của bạn yêu cầu phải sử dụng máy Mac. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy thất vọng khi mới sử dụng OS X, nếu bạn là người quen dùng Windows trong thời gian dài. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng Apple thực sự cũng không quan tâm đến việc thay đổi hệ điều hành của mình để phù hợp với người quen dùng Windows đâu.
Apple yêu hệ điều hành OS X của mình và có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi OS X. Điều này có nghĩa là bạn sẽ cần phải làm quen với một số khác biệt giữa Windows và Mac. Theo quan điểm trong bài viết này, OS X vẫn có thể tùy chỉnh để dễ sử dụng hơn theo mặc định, nhưng thật không may, bạn phải thực hiện một số thay đổi theo cách thủ công để cải thiện mọi thứ trên hệ điều hành này.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số mẹo hữu ích dành cho người quen dùng Windows để có thể sử dụng Mac và OS X thuận tiện hơn. Khi bạn quen với OS X, bạn thậm chí có thể thích nó hơn Windows đấy. Phải mất chút thời gian thích nghi nhưng điều này thật sự rất đáng giá. Bây giờ hãy cùng tìm hiểu cụ thể nhé!
Mẹo số 1 - Cách nhấp chuột phải
Một trong những điều khó chịu nhất cho những người mới bắt đầu dùng Mac là không biết cách nhấp chuột phải! Không có nút bấm chuột phải riêng cho máy Mac và điều này có thể thực sự gây phiền toái cho một số người. May mắn thay, phương pháp của Apple thực sự trực quan và dễ sử dụng hơn.
Tất cả những gì bạn phải làm để nhấp chuột phải là sử dụng hai ngón tay khi bạn thực hiện một cú nhấp chuột bình thường. Khi bạn nhấp bằng hai ngón tay, context menu (trình đơn ngữ cảnh chuột phải) sẽ xuất hiện. Đây là cách thuận tiện hơn so với việc phải di chuyển ngón tay xuống đúng nút chuột phải như trên hầu hết các máy tính xách tay Windows.
Bạn có thể thay đổi các cài đặt cho thao tác nhấp chuột phải bằng cách vào System Preferences - Trackpad và nhấp vào tab Point & Click.
Theo mặc định, tùy chọn nhấp chuột phải được gọi là Secondary click trong OS X. Nếu được chọn, nó thông thường được đặt thành Click or tap with two fingers (Nhấp hoặc nhấn bằng hai ngón tay), nhưng bạn có thể nhấp vào mũi tên nhỏ và chọn một trong hai tùy chọn khác: Click in bottom right corner hoặc Click in bottom left corner. Nếu bạn chỉ thích cách nhấp chuột phải như trong Windows, bạn có thể tinh chỉnh OS X để có được hành vi tương tự.
Ngoài ra, một mẹo nhanh khác là kiểm tra tùy chọn Tap to click. Hầu hết các máy tính xách tay Windows, tùy chọn Tap to click đã có sẵn, nhưng OS X không kích hoạt điều này theo mặc định, do đó bạn phải tự tùy chỉnh phần này. Nếu bạn vào Scroll & Zoom, bạn cũng có thể thay đổi hướng cuộn để thao tác dễ dàng hơn.
Mẹo số 2 - Thêm ứng dụng vào Dock
Sự thay đổi lớn khác gây khó chịu nhất cho người quen dùng Windows là thiếu nút Start. Chỉ đơn giản là không có bất kỳ nút trung tâm nào trong OS X. Biểu tượng logo Apple nhỏ ở trên cùng bên trái, có thể thực hiện một số việc như đưa bạn đến System Preferences hoặc cho phép bạn khởi động lại/tắt máy tính của mình.
Dock về cơ bản giống như thanh tác vụ Windows, nhưng chỉ với các phím tắt và không có gì khác. Nhưng điều khó chịu ở đây là nó tập hợp toàn bộ các ứng dụng mặc định của Apple, trong khi người dùng thường không bao giờ sử dụng nhiều hơn một hoặc hai ứng dụng mặc định này. Vì vậy, nếu cần bạn có thể loại bỏ bớt chúng. Bạn có thể thực hiện việc này bằng cách nhấp chuột phải vào biểu tượng Dock, chọn Options và chọn Remove from Dock.
Sau khi bạn thực hiện điều này, bạn có thể thêm một thư mục All Programs vào Dock để xem danh sách tất cả các chương trình được cài đặt trong OS X. Để thực hiện việc này, bạn phải kéo thư mục Applications vào Dock. Để thực hiện điều đó, bạn cần phải bấm vào biểu tượng ổ cứng trên desktop.
Nếu bạn không thấy biểu tượng ổ cứng, hãy nhấp vào Finder ở trên cùng bên trái của máy Mac và sau đó nhấp vào Preferences. Trên tab General, hãy chọn Hard disks, External disks và CDs, DVDs and iPods.
Nhấp vào biểu tượng ổ cứng trên desktop và bạn sẽ thấy thư mục Applications được liệt kê cùng với các thư mục khác như Library, System và Users.
Tiếp tục và kéo thư mục đó xuống Dock của bạn. Bây giờ khi nhấp vào biểu tượng, bạn sẽ nhận được một danh sách đầy đủ của tất cả các chương trình được cài đặt trên máy Mac của bạn. Tốt hơn hết là cố gắng thêm tất cả chúng vào Dock, nếu không bạn phải sử dụng Spotlight để tìm chương trình mình muốn chạy.
Bạn cũng có thể sử dụng Launcher (biểu tượng tên lửa màu bạc/xám trong Dock), nhưng thường thì mọi người rất ít sử dụng công cụ này.
Mẹo số 3 - Loại bỏ các drive bằng Trash
Điều này mẹo hữu dụng nhất. Trong một thời gian dài, Apple đã gây nhầm lẫn cho mọi người khi nói đến việc loại bỏ các thiết bị ra khỏi hệ thống. Để loại bỏ ổ flash hoặc DVD, bạn phải nhấp chuột phải và chọn Eject hoặc bạn phải kéo mục đó vào Trash.
Điều này sẽ giống như kéo ổ USB vào Recycle Bin trong Windows. Bước này về cơ bản có nghĩa là hết xóa mọi thứ! Vì vậy, rõ ràng, mọi người dùng sẽ không thích ý tưởng ném bất cứ thứ gì có dữ liệu quan trọng vào thùng rác!
Tuy nhiên, dù bạn làm điều đó trong OS X thì không có bất kỳ dữ liệu nào bị mất cả. Bạn sẽ nhận thấy, trên thực tế, khi bạn nhấp và kéo ổ đĩa ngoài hoặc bất kỳ ổ đĩa nào trong OS X vào Trash, biểu tượng của nó có thể thay đổi thành biểu tượng eject (đẩy ra). Điều này làm người dùng cảm thấy an tâm hơn rất nhiều.
Mẹo số 4 - Tùy chỉnh Finder
Finder về cơ bản giống như Windows Explorer. Tuy nhiên, nhiều người lại thích chế độ xem chi tiết và có phần lộn xộn của Explorer hơn so với Finder được sắp xếp hợp lý. Rất đơn giản để thay đổi điều này.
Để thêm nhiều thứ hơn vào Finder, mở cửa sổ Finder và sau đó nhấp vào View, rồi nhấp vào tùy chọn Show Path Bar và Show Status Bar. Điều này sẽ làm cho Finder có vẻ giống Explorer hơn.
Khi đang ở chế độ View, hãy nhấp vào Customize Toolbar để thêm một vài biểu tượng hữu ích vào thanh công cụ mặc định. Đối với một số người dùng, họ sẽ muốn thêm các nút New Folder, Delete và Get Info vào thanh công cụ.
Cuối cùng, nhấp vào Finder, sau đó chọn Preferences và sau đó nhấp vào Sidebar. Ở đây, bạn có thể thêm các mục khác vào Finder sidebar như Pictures, Music, v.v... Điều này tương tự như các thư mục library trong Windows.
Trên tab General, bạn cũng có thể chỉnh sửa cửa sổ New Finder hiển thị tùy chọn và chọn một tùy chọn khác ngoài All Files. Bạn có thể chọn thư mục chính giống như trong Windows Explorer.
Mẹo số 5 - Tìm hiểu cách sử dụng Spotlight
Nếu bạn đã quen với hộp tìm kiếm trong menu Start trên Windows, bạn sẽ rất vui khi biết rằng có một tùy chọn tìm kiếm tương đương trong OS X được gọi là Spotlight. Bạn có thể truy cập nó theo hai cách: bằng cách nhấp vào kính lúp ở trên cùng bên phải của màn hình hoặc bằng cách nhấn tổ hợp phím tắt Cmd+Phím cách.
Sử dụng Spotlight là cách tốt nhất để tìm file, thay đổi cài đặt trong OS X, tìm ứng dụng để cài đặt, tìm email, tìm sự kiện trên lịch, v.v... Nó cũng hiển thị kết quả từ web, vì vậy bạn có thể tìm kiếm, nhận các trang web được đề xuất và thậm chí cả bản đồ trong Apple store.
Mẹo số 6 - OS X sử dụng không gian riêng cho mỗi ứng dụng và chế độ toàn màn hình
Một điều bạn phải làm quen là hiểu được ba nút ở phía trên cùng bên trái của mọi cửa sổ làm việc. Trong Windows, bạn có ba nút: nút thu nhỏ, nút mở rộng và nút đóng. Trong OS X, bạn có một nút đóng màu đỏ, một nút thu nhỏ màu vàng và một nút mở rộng màu xanh lá cây, nhưng khác nhau tùy thuộc vào mỗi chương trình.
Ví dụ, nếu bạn nhấp vào nút màu xanh lá cây trong Safari, nó sẽ mở rộng ra toàn màn hình và mọi thứ khác sẽ biến mất. Nếu bạn di chuyển chuột lên đầu màn hình, bạn sẽ thấy thanh công cụ. Nhưng còn các cửa sổ khác đang ở đâu và làm thế nào để bạn lấy lại được chúng?
Trong OS X, ứng dụng về cơ bản đã đi vào không gian riêng của nó. Nếu bạn cuộn lên bằng ba ngón tay, bạn sẽ thấy một thứ gọi là Mission Control. Về cơ bản, nó cho bạn thấy một hình thu nhỏ của mỗi desktop hoặc chương trình đang sử dụng không gian riêng của mình.
Về cơ bản chúng là các desktop ảo trong OS X. Hầu hết các ứng dụng tích hợp sẽ sử dụng hết không gian của chúng khi được mở rộng bằng nút màu xanh lá cây. Bạn có thể nhấp vào một khoảng trống để kích hoạt hoặc bạn có thể sử dụng thao tác vuốt ba ngón tay sang phải hoặc sang trái để bỏ qua các khoảng trắng. Nhiều người dùng rất thích tính năng này vì nó cho phép bạn làm việc trong một ứng dụng một cách toàn diện, nhưng vẫn cho phép bạn di chuyển nhanh đến các ứng dụng khác.
Tuy nhiên, trên một số ứng dụng, ứng dụng sẽ mở rộng ra toàn màn hình nhưng lại không đi vào không gian riêng của nó. Về cơ bản, nó sẽ vẫn còn trên desktop ban đầu và chỉ chiếm phần lớn màn hình. Hầu hết các ứng dụng của bên thứ ba như Microsoft Office hiện đã hỗ trợ chế độ toàn màn hình đi vào không gian riêng của chúng.
Bạn cũng có thể nhấp vào biểu tượng dấu cộng nhỏ để thêm desktop mới nếu bạn muốn. Bạn có thể có các chương trình cụ thể mở trong các desktop cụ thể nếu bạn thích và thậm chí bạn có thể thay đổi nền để mỗi desktop có một background khác nhau. Phải mất một chút thời gian loay hoay thử nghiệm, nhưng một khi đã quen với nó, bạn sẽ rất thích sử dụng. Chỉ cần nhớ thao tác vuốt ba ngón tay.
Mẹo số 7 - Cài đặt chương trình từ Mac App Store
Theo mặc định, Apple cố gắng bảo vệ bạn bằng cách chỉ cho phép bạn cài đặt các ứng dụng từ Mac App store và từ các nhà phát triển được xác định. Theo một nghĩa nào đó, điều đó rất tốt vì nó giúp bạn an toàn hơn mà không phải làm gì nhiều.
Nếu bạn muốn cài đặt một chương trình mới, nơi tốt nhất là tới Mac App store. Trong khi phần mềm Windows thường được tải xuống từ mọi nơi trên Internet, hầu hết các chương trình bạn cần cài đặt trên máy Mac sẽ có sẵn trong Mac App store. Nếu bạn thực sự cần phải cài đặt một phần mềm nào đó từ một số nơi khác, bạn có thể vào System Preferences - Security & Privacy và chọn Anywhere trong phần Allow apps downloaded from.
Hy vọng 7 mẹo trên đây là một số lời khuyên hữu ích cho người mới bắt đầu sử dụng Mac và đã quen với việc sử dụng Windows trong một thời gian dài. Có rất nhiều điểm khác biệt, nhưng nếu bạn có thể vượt qua những điều này, chắc chắn bạn sẽ thích thú với việc sử dụng máy Mac đấy. Chúc bạn thành công!
Xem thêm: