Trộn lẫn và kết hợp trong multicloud - tương lai của điện toán đám mây

Có thể nói rằng ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp áp dụng chiến lược “multicloud” đang cùng nhau phải đối mặt với một vấn đề nan giải, đó là sự không đồng bộ giữa các nền tảng đám mây mà họ sử dụng. Multicloud dùng để chỉ việc sử dụng nhiều hơn 1 đám mây chung. Việc này xảy ra khi doanh nghiệp tránh không muốn bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Thay vào đó, họ chọn các dịch vụ tốt của mỗi bên để phục vụ cho công việc của mình. Ví dụ, vài công ty con trực thuộc một tập đoàn có thể sử dụng nhiều nền tảng đám mây khác nhau. Một số sử dụng Azure cho các nhu cầu liên quan đến đám mây công cộng (public cloud) của mình, trong khi số còn lại chọn lưu trữ dữ liệu của mình trên nền tảng AWS, hay thậm chí là sử dụng kết hợp với cả dịch vụ AI/ML của Google. Mỗi nền tảng đám mây đều có chứa những tính năng, chính sách phù hợp với từng nhóm đối tượng nhất định, do đó sự đa dạng trong việc lựa chọn giữa nhiều nền tảng đám mây chỉ trong một doanh nghiệp là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Dịch vụ đám mây

Tuy nhiên như đã nói, việc làm thế nào để sử dụng một cách đồng bộ và liền mạch giữa nhiều nền tảng đám mây không phải là vấn đề đơn giản đối với các doanh nghiệp, tổ chức. Giả sử một doanh nghiệp muốn sử dụng dịch vụ Azure, AI/ML với các ứng dụng và dữ liệu được tạo trong môi trường AWS, hay phức tạp hơn là sử dụng các dịch vụ AI/ML của Google trên nền tảng dữ liệu đang lưu trữ trên Azure. Điều này liệu có thể hay không?

Ví dụ trên không phải là hiện tượng hiếm trong thế giới công nghệ ngày nay. Và đáng tiếc là cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thực sự có một giải pháp rõ ràng cho vấn đề này, tất nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn bó tay. Mặc dù multicloud là một xu hướng đang phát triển tương đối mạnh mẽ, thế nhưng chúng ta cũng có thể nhận thấy sự trỗi dậy của các dịch vụ vượt ra ngoài multicloud, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng cuối. Một số yếu tố của các dịch vụ này đã bắt đầu xuất hiện một cách hạn chế trong thực tế sử dụng hiện nay, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi sẽ được chứng kiến các giải pháp đầy đủ hơn xuất hiện, đặc biệt là trong bối cảnh mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp gặp phải thách thức với multicloud.

Sức hấp dẫn của multicloud

Các tổ chức thường xuyên phải thống nhất về quyết định lựa chọn nhà cung cấp đám mây công cộng lớn nào sao cho phù hợp với chính sách phát triển chung của mình. Mặc dù chi phí chắc chắn là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong các quyết định này, thế nhưng cũng vẫn còn các yếu tố khác rất đáng để xem xét, ví dụ như chính sách bảo mật tổng thể của nhà cung cấp dịch vụ, việc chuyển các ứng dụng hiện có lên đám mây dễ dàng như thế nào, và có lẽ thú vị nhất là những ứng dụng mà nhà cung cấp dịch vụ triển khai bên ngoài quy chuẩn tính toán và lưu trữ quy mô tiêu chuẩn, chẳng hạn như hỗ trợ phân tích hoặc phát triển ứng dụng.

Và những gì mà chúng ta đã thấy trong vài năm qua là việc các doanh nghiệp đang hướng tới lựa chọn nhiều nhà cung cấp một lúc thay vì chỉ một. Trên thực tế, các nhóm, tổ chức khác nhau trong một doanh nghiệp cũng sẽ phù hợp với các nhà cung cấp khác nhau, hoặc đây cũng có thể là kết quả của một thương vụ sáp nhập hoặc mua lại.

Multicloud

Trong vài năm qua, multicloud đã phát triển một cách mạnh mẽ cả về tầm quan trọng cũng như quy mô triển khai trong các hệ thống CNTT cấp doanh nghiệp, và đồng thời được coi là tương lai của nền tảng điện toán đám mây toàn cầu. Theo Gartner thì “cho đến năm 2020, sẽ có đến 75% các tổ chức triển khai mô hình đám mây đa nền tảng (multicloud) hoặc đám mây lai (hybrid cloud) trong hệ thống của mình”. Ngoài ra, theo một nghiên cứu của IDC thì tính từ tháng 5 năm ngoái, đã có hơn một nửa số người dùng dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây công cộng (IaaS) trong đó có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp IaaS.

Tuy nhiên multicloud sẽ không phải cái đích cuối cùng mà chúng ta hướng đến. Bước tiếp theo sẽ là “trộn lẫn” và kết hợp các dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp đám mây, trong đó các dịch vụ từ một nhà cung cấp sẽ có thể được triển khai trên một nhà cung cấp đám mây cạnh tranh khác, cho phép các tổ chức sử dụng dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau theo những cách khác nhau cùng một lúc. Ví dụ: Một tổ chức có thể sử dụng khả năng tính toán và lưu trữ dữ liệu của nền tảng đám mây này, kết hợp với khả năng tính toán hay phân tích ưu việt từ một nền tảng đám mây khác. Chúng ta chắc chắn sẽ được chứng kiến sự xuất hiện nhiều hơn của phương thức khai thác điện toán đám mây theo kiểu “trộn lẫn và kết hợp” này trong tương lai gần.

Trộn lẫn và kết hợp giữa các đám mây

Một số ví dụ cơ bản về việc trộn lẫn và kết hợp giữa các nền tảng đám mây thực chất đã tồn tại trên thị trường, có thể kể đến trưởng hợp của Watson - IBM, VMWare trên AWS, giúp mang đến nền tảng VMWare quen thuộc trong AWS, và cuối cùng là Amazon RDS cho SQL Server, giúp mang dịch vụ được quản lý của Microsoft lên đám mây AWS. Trong mọi trường hợp, khách hàng đều có thể sử dụng các dịch vụ quen thuộc mà trong đó dữ liệu hoặc ứng dụng của họ đã “cư trú” một cách độc lập với nhà cung cấp ban đầu.

Trộn lẫn và kết hợp giữa các đám mây

Trên thực tế, các doanh nghiệp lớn ngày nay thường chọn một hoặc hai nhà cung cấp đám mây công cộng để triển khai cũng như lưu trữ dữ liệu của mình, dựa trên những gì mà họ cho là lựa chọn tốt nhất đối với một dự án cụ thể, hoặc cũng có thể là vì lịch sử hợp tác lâu dài với nhà cung cấp đó. Tuy nhiên, khi ứng dụng bắt đầu phát triển trên nhiều đám mây công cộng, các tổ chức cũng sẽ cần phải xử lý thông tin một cách hợp lý sao cho cả 2 nền tảng đám mây đều có thể sử dụng được. Cho đến bây giờ, việc này gần như vẫn được thực hiện chủ yếu bởi người dùng cuối theo kiểu “bội ước”, tức là sử dụng nhiều dịch vụ đám mây trên cùng một dữ liệu hoặc ứng dụng, đơn giản là bởi dịch vụ không được ủy quyền (hoặc được cung cấp) để chạy trên đám mây khác. Trộn lẫn và kết hợp giữa các đám mây sẽ có khả năng thay đổi tình trạng này.

Nhiều nhà cung cấp đám mây công cộng đang thực sự nghiêm túc trong việc bắt tay vào phát triển và triển khai các dịch vụ mới xung quanh công nghệ AI, serverless, hoặc phân tích dữ liệu - lĩnh vực mà khách hàng của họ (các doanh nghiệp) đang cố gắng đổi mới. Trộn lẫn và kết hợp giữa nhiều nền tảng đám mây sẽ cho phép các tổ chức, doanh nghiệp tận dụng những cải tiến mới ngay khi được tung ra bất kể việc chúng đến từ nhà cung cấp nào.

Điều gì thúc đẩy việc triển khai trộn lẫn và kết hợp đám mây

Có vẻ như các nhà cung cấp chẳng thu được lợi ích (đáng kể) nào trong việc trộn lẫn và kết hợp giữa các nền tảng đám mây. Chắc chắn các nhà cung cấp đám mây công cộng muốn khách hàng chỉ sử dụng IaaS cũng như triển khai dịch vụ của mình một cách đồng bộ từ trên xuống dưới, nhưng mặt khác, nếu sở hữu một dịch vụ tuyệt vời, họ cũng sẽ “lôi kéo được” nhiều người dùng hơn thông qua kiểu triển khai này. Đây là một kịch bản tương tự như khi các nhà cung cấp phần mềm độc lập (ISV) cần phải đưa ra quyết định hỗ trợ các nền tảng UNIX, Microsoft Windows và một hoặc nhiều nền tảng Linux. Tuy nhiên nếu một ISV tin rằng việc này có thể giúp họ bán được nhiều sản phẩm của mình hơn, họ chắc chắn sẽ không dại gì mà bỏ qua. Ví dụ như trường hợp của IBM, công ty này sở hữu một số hệ điều hành, nhưng họ cũng hỗ trợ cả các hệ điều hành máy chủ Linux và Windows với nhiều ứng dụng phần mềm được thiết kế riêng. Các dịch vụ của nhà cung cấp đám mây hoàn toàn có khả năng phát triển theo cách tương tự.

Điều gì thúc đẩy việc triển khai trộn lẫn và kết hợp đám mây

Một động lực khác cần phải kể đến là việc các nhà cung cấp đám mây công cộng lớn hiện đang sở hữu những dịch vụ tại chỗ, hoặc được triển khai trong các dự án của mình. Mặc dù tâm lý ban đầu của một số nhà cung cấp đó là muốn mọi thứ diễn ra trong nền tảng đám mây công cộng của mình, thế nhưng việc triển khai các dự án CNTT cấp doanh nghiệp theo kiểu đám mây thuần túy vẫn còn khá hiếm gặp. Không phải mọi tổ chức đều có thể truy cập toàn bộ vào đám mây công cộng cùng một lúc, do đó, việc mang đến tùy chọn tại chỗ, đóng vai trò như một cây cầu nối cho những người đang có nhu cầu di chuyển một số ứng dụng hoặc khối lượng công việc nhất định vào đám mây là một cách hay. Và nếu giả sử nhà cung cấp đám mây đã sẵn sàng để dịch vụ chạy tại chỗ trên VMWare hoặc trên Red Hat Enterprise Linux, thì mục tiêu tiếp theo là chạy các dịch vụ trên AWS, Azure hoặc Google Cloud không phải là một nhiệm vụ quá khó khăn, đồng thời góp phần mở rộng cơ sở người dùng và cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn.

Xu hướng này đã một lần nữa được khẳng định trong tuần vừa rồi khi Google công bố một ưu đãi có tên là Anthos, sẽ được cung cấp trên Google Cloud và cả AWS hoặc Azure.

Khi chúng ta thấy xu hướng này bắt đầu hình thành, nhiều khả năng những sự kết hợp đầu tiên sẽ xuất hiện trên Azure và AWS với tư cách là các nền tảng dẫn đầu thị phần điện toán đám mây toàn cầu hiện tại. Mặt khác, bằng cách cung cấp dịch vụ của mình trên Azure hoặc AWS, các đối thủ cạnh tranh hoàn toàn có thể lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ của họ ngay cả khi họ đã cam kết với AWS hoặc Azure từ quan điểm chia sẻ cơ sở hạ tầng.

Điểm cuối của vấn đề

Điểm cuối của vấn đề

Trong khi các nhà cung cấp điện toán đám mây công cộng lớn tiếp tục ổn định những giải pháp hybrid và dịch vụ tại chỗ của mình, bước tiếp theo sẽ là xác định phân khúc thị trường, lĩnh vực mới có thể sử dụng dịch vụ của họ.

Khi trộn lẫn và kết hợp giữa các đám mây này trở thành hiện thực, chúng ta sẽ được chứng kiến một làn sóng mới của các công ty trong việc bắt tay vào tiêu chuẩn hóa các dịch vụ trên mạng, trái ngược với đám mây, trong khi vẫn duy trì tính linh hoạt của nền tảng.

Thứ Năm, 25/04/2019 15:28
52 👨 184
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ