Ngày càng nhiều tháp 5G bị phá hoại tại Châu Âu, nguyên nhân do đâu?

Sự sợ hãi, những thuyết âm mưu, và lầm tưởng nghiêm trọng về mối liên hệ giữa sóng 5G, sức khỏe con người và dịch COVID-19 đã khiến một số người quá khích tại Anh đổ xô đi phá hoại các cột thu phát sóng 5G tại quốc gia này vài tuần trước, khiến ít nhất 20 cột phát sóng di động của nhiều nhà mạng Anh bị đốt hoặc phá, gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở vật chất và đặc biệt là mạng lưới truyền thông quốc gia.

Những tưởng đây chỉ là hành vi bộc phát, quá khích của một vài nhóm người tại Anh, tuy nhiên kịch bản tương tự lại vừa mới lặp lại tại Hà Lan, một quốc gia cũng thuộc châu Âu.

Cụ thể theo báo cáo của tờ De Telegraaf, một số lượng chưa xác định các cột phát sóng di động của Hà Lan đã bị hư hại một phần hoặc hoàn toàn do hành vi đốt, đập phá của một số phần tử quá khích trong vài ngày qua nhằm phản đối việc triển khai mạng viễn thông 5G mới, với lo ngại vô căn cứ về việc loại sóng này gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức đề kháng của con người và là trung gian lan truyền virus Corona chủng mới.

Có tới 4 vụ đập phá cột thu phát sóng 5G được cảnh sát Hà Lan ghi nhận trong vòng 1 tuần qua. Cá biệt, một số kẻ phá hoại còn để lại khẩu hiệu "anti-5G" tại hiện trường như một biện pháp tiếp tục lan truyền thông tin sai lệch.

Cột sóng 5G bị đốt cháy tại Hà Lan
Cột sóng 5G bị đốt cháy tại Hà Lan

Theo tiết lộ của Cơ quan An ninh và Chống khủng bố Hà Lan (NCTV), những cuộc biểu tình phản đối mạng 5G ở Hà Lan trên thực tế đã nổ ra vào năm 2019 khi quốc gia này công khai kế hoạch đẩy mạnh phủ sóng mạng 5G trên quy mô toàn quốc. Sự việc chỉ trở nên “cực đoan hóa” trong vài tuần trở lại đây sau khi đại dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng tại châu Âu, và đặc biệt sự xuất hiện của vô số nguồn tin giả về việc virus nCoV lây lan qua mạng 5G.

NCTV lên tiếng cảnh báo nếu những vụ việc như trên không được ngăn chặn triệt để, mạng lưới liên lạc, bao gồm cả các dịch vụ khẩn cấp, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tê liệt tại một số khu vực. Đồng thời, cơ quan này cũng kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà cung cấp dịch vụ internet và cảnh sát trong hoạt động ngăn chặn phát tán tin giả.

Bất chấp việc hành vi phá hoạt được thúc đẩy bởi mối liên hệ giữa 5G và COVID-19 hay chỉ là những lo ngại chung về tiêu chuẩn không dây mới, hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy sóng 5G có thể lan truyền virus hay gây hại đến sức khỏe con người.

Trên thực tế, tín hiệu tần số cao mà sóng 5G sử dụng dễ bị chặn đến mức nó thậm chí không thể xuyên qua lớp bên trong của da, và mạng di động hoạt động ở mức năng lượng thấp dưới mức giới hạn an toàn khi con người tiếp xúc với bức xạ. Nói đúng hơn, những hành vi phá hoại này được thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi phi lý hơn là sự thật.

Chủ Nhật, 19/04/2020 23:48
52 👨 1.205
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ