Tesla mới đây đã chính thức giới thiệu chi tiết về 2 tính năng an toàn mới sẽ được trang bị trên những chiếc xe điện của mình. Theo đó, các tính năng này được thiết kế để nhằm ngăn chặn đến mức tối đa việc chiếc xe đi chệch ra khỏi làn đường trong khi di chuyển. Tính năng thứ nhất có tên Lane Departure Avoidance (tạm dịch: Hệ thống ngăn chệch làn đường) và thứ hai là Emergency Lane Departure Avoidance (tạm dịch: Hệ thống ngăn chệch làn đường khẩn cấp). Về cơ bản, cả 2 tính năng an toàn này đều được kỳ vọng sẽ ngăn chặn đến mức tối đa lỗi không tuân thủ làn đường - một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vụ tai nạn đáng tiếc tại Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, đặc biệt là khi tài xế không sử dụng chế độ tự lái (Autopilot) mà tự mình điều khiển xe như thông thường.
Lane Departure Avoidance về cơ bản sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo trong trường hợp người lái rời khỏi làn đường của mình mà không có tín hiệu rẽ cũng như khi tay họ không chạm vào vô lăng. Nếu hiện tượng này xảy ra quá nhiều lần trong khi người lái đang sử dụng chế độ kiểm soát hành trình chủ động (traffic-aware cruise control - TACC), hệ thống sẽ tự động bật đèn cảnh báo nguy hiểm trên xe và đồng thời can thiệp vào động cơ để giảm tốc độ xe xuống dưới mức mà người lái đang thiết lập đối với cruise control khoản 25km/h. Tức là nếu bạn đang thiết lập TACC cho chiếc xe ở mức 75km/k, thì khi Lane Departure Avoidance được kích hoạt, hệ thống sẽ tự động giảm tốc độ xuống chỉ còn khoảng 50km/h. Bên cạnh đó, tính năng này sẽ có thể được bật hoặc tắt tùy ý và hoạt động ở giữa dải tốc độ 40 và 150km/h.
Trong khi đó, tính năng Emergency Lane Departure Avoidance sẽ tự động điều khiển chiếc xe của bạn quay trở lại làn đường chuyển nếu hệ thống máy tính nghĩ rằng bạn có thể gặp nạn hoặc đang lái xe trong tình trạng không tỉnh táo, mất tự chủ. Tất nhiên bạn cũng có thể tắt tính năng này đi, nhưng chiếc xe sẽ tự động kích hoạt lại ở lần nổ máy tiếp theo, đóng vai trò như một trong các tính năng an toàn nghiêm ngặt nhất trên những chiếc xe Tesla.
Thực tế mà nói thì các hệ thống cảnh báo chệch làn đường không phải là một tính năng an toàn mới mẻ gì. Nó đã được trang bị trên rất nhiều mẫu xe từ hạng sang đến bình dân ngày nay. Tính năng này ban đầu được phát triển để sử dụng trong xe tải thương mại, tuy nhiên nó đã bắt đầu được trang bị trên những chiếc xe hơi thương mại kể từ năm 2001. Thế nhưng 2 tính năng mới này của Tesla lại chứa đựng thêm khá nhiều quy định an toàn thông minh và chặt chẽ hơn, khiến cho cảnh báo chệch làn đường nói chung trở thành một tính năng phức tạp hơn khá nhiều.
Trở lại thời điểm tháng 2 vừa qua, Tesla cũng đã công bố một số thay đổi đối với các tính năng tự lái trên những chiếc xe điện của hãng. Về cơ bản, nhà sản xuất ô tô điện này muốn chia các tính năng lái xe nói chung ra thành 2 nhóm chính. Autopilot thông thường có khả năng tự động điều khiển xe của bạn khi đi trên đường cao tốc, và đồng thời cũng bao gồm thêm cả tính năng TACC. Trong khi nhóm tính năng tự lái hoàn toàn (Full Self-Driving) sẽ phức tạp hơn, được trang bị thêm cả các tùy chọn an toàn đi kèm, bao gồm tính năng đề xuất và thực hiện thay đổi làn đường thích hợp, cũng như tự động điều hướng khi đi qua các nút giao và đường cao tốc. Bên cạnh đó vào tháng trước, Tesla cũng cho biết tính năng Autopilot thông thường giờ sẽ trở thành tiêu chuẩn trên tất cả các mẫu xe của họ.
Hiện cả 2 tính năng mới này đang được triển khai dần trên các mẫu Tesla Model 3 thông qua một bản cập nhật sẽ tự động được gửi tới khách hàng bắt đầu từ ngày hôm nay. Ngoài ra Tesla cũng cho biết tất cả các mẫu xe được sản xuất sau tháng 10 năm 2016 đều sẽ nhận được bản cập nhật này, đây hầu hết là những mẫu xe được trang bị nền tảng phần cứng Autopilot 2.0 của hãng.