Bạn đã bao giờ tự hỏi các nhà sản xuất thử nghiệm mô phỏng tai nạn đối với những mẫu siêu xe đắt tiền như thế nào chưa? Thực tế mà nói thì nhiều mẫu siêu xe hiện nay có giá trị lên tới vài triệu đô la, vì vậy thật là vô lý khi mang những chiếc xe này ra vứt quăng quật hay đâm cho nát bấy để thử nghiệm mức độ an toàn khi có tai nạn xảy ra. Tuy hoạt động thử nghiệm này là tuyệt đối quan trọng và cần thiết, nhưng “đốt” cả mớ tiền cho mỗi cuộc thử nghiệm như vậy có lẽ không phải là một phương án hay cho lắm. Cũng bởi lý do này mà các nhà sản xuất siêu xe đã “vắt óc” trong nhiều năm để sáng tạo ra một vài thủ thuật hữu ích giúp giảm chi phí cho mỗi cuộc thử nghiệm an toàn đối với các sản phẩm đắt tiền của mình.
Một đoạn video ngắn của APEX ONE mới được xuất bản gần đây đã quay lại hậu trường thử nghiệm va chạm tại nhà máy sản xuất siêu xe của thương hiệu Koenigsegg, đồng thời cho thấy tất cả các thủ thuật cũng như kỹ thuật mà nhà sản xuất ô tô Thụy Điển này sử dụng để thử nghiệm mức độ an toàn cho các mẫu siêu xe của mình trong khi vẫn đảm bảo chi phí chấp nhận được.
Để được cấp phép mở bán ở Hoa Kỳ, những chiếc siêu xe Koenigsegg cần phải vượt qua được một loạt các thử nghiệm va chạm, bắt đầu từ các va chạm phía trước, sau đó phía sau và cuối cùng là từ bên hông. Trên tất cả, chiếc xe thử nghiệm sẽ phải trụ vững trước một loạt các tác động phức hợp từ nhiều vị trí khác trên thân xe, mô phỏng gần như chính xác những tình huống có thể xảy ra trong điều kiện thực tế. Đối với một số nhà sản xuất ô tô bình dân, chi phí cho những thử nghiệm kiểu này thường không phải là vấn đề gì đó quá lớn. Tuy nhiên đối với một hãng siêu xe như Koenigsegg, chi phí cho các cuộc thử nghiệm sẽ là một vấn để thực sự nếu cứ tiến hành theo cách thông thường bởi mỗi sản phẩm của hãng có thể có giá trị từ vài trăm ngàn cho đến hàng triệu đô la, tức là tương đương với hàng chục chiếc xe bình dân nói chung.
Do vậy, thay vì vứt đi hơn chục chiếc xe hơi bình dân sau mỗi bài kiểm tra va chạm, Koenigsegg chỉ sản xuất một chiếc xe duy nhất để thử nghiệm và cố gắng sửa chữa nó sau mỗi bài kiểm tra. Điều này nghe có vẻ hơi phi lý nhưng trên thực tế thì hầu hết các thiệt hại gây ra trên những chiếc xe chỉ nằm ở những lớp khung, vỏ bên ngoài, tương đối rẻ so với các thành phần khác nằm ẩn sâu bên trong chiếc xe như động cơ, hộp số hay khung gầm - phần phần đắt nhất của một chiếc xe ô tô. Nói cách khác, nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu là làm thế nào để đảm bảo những bộ phận này vẫn có thể “sống sót” sau mỗi bài kiểm tra, trong khi các bài kiểm tra vấn sẽ phải diễn ra theo đúng quy chuẩn chung.
Các kỹ sư tại Koenigsegg đã bổ sung thêm cho phương pháp này bằng một loạt mô phỏng sự cố, trong đó nó sử dụng dữ liệu thực từ các thử nghiệm trước đó để dự đoán kết quả của các thử nghiệm trong tương lai, đảm bảo việc chiếc xe chỉ phải chạy thử nghiệm khi nhóm nghiên cứu chắc chắn xe của họ sẽ không trở thành sắt vụn hoàn toàn sau bài kiểm tra. Kết quả thì như đã nói, hãng xe Thụy Điển chỉ phải “hy sinh” một chiếc xe duy nhất cho mỗi mô hình sản xuất của mình, giúp Koenigsegg có thể chế tạo ra những chiếc siêu xe đạt tiêu chuẩn an toàn cao nhất trong khi vẫn đảm bảo chi phí ở mức thấp tối đa.