NASA công bố: AI của Google phát hiện hành tinh mới khiến kỷ lục của Hệ Mặt Trời bị san bằng

Trong cuộc họp báo mới diễn ra, NASA đã công bố phát hiện ra hệ sao Kepler-90 có số hành tinh trong cùng một hệ nhiều nhất từ trước đến nay. Hệ sao này được các nhà nghiên cứu coi như một phiên bản mini của Hệ Mặt Trời của chúng ta.

Cho tới nay, Thái dương hệ là một hệ sao đặc biệt với sự tồn tại của Trái Đất, hành tinh duy nhất mà con người từng biết đến có thể nuôi dưỡng sự sống và là hệ sao có nhiều hành tinh nhất, với 8 tinh cầu xoay quanh Mặt Trời.

Hệ Mặt Trời

Trước đây, các nhà khoa học đã phát hiện hệ sao Kepler-90 có tổng cộng 7 hành tinh. Nhưng mới đây hành tinh thứ 8 thuộc hệ sao này đã được phát hiện, nằm cách Trái Đất của chúng ta 2545 năm ánh sáng. Với phát hiện này, hệ sao Kepler-90 chính thức sánh ngang với Hệ Mặt Trời của chúng ta về số lượng tinh cầu xoay quanh một ngôi sao.

Hành tinh mới được đặt tên Kepler-90i. Đây là một hành tinh nóng bỏng với bề mặt rắn và có quỹ đạo kéo dài 14,4 ngày quanh Kepler-90.

Điều thú vị ở đây là hành tinh được phát hiện là nhờ sự kết hợp giữa kính thiên văn Kepler và hệ thống AI (trí thông minh nhân tạo) có thể "tự học" (machine learning - máy tự học) của Google.

Dựa vào những tín hiệu mà Kepler thu được từ các các exoplanet (hành tinh ngoài hệ Mặt trời), AI đã phân tích và xác nhận được tín hiệu của một hành tinh mới.

Hệ sao - hành tinh Kepler-90
Hệ sao - hành tinh Kepler-90.

2 nhà nghiên cứu Christopher Shallue và Andrew Vanderburg đã “luyện” cho một chiếc máy tính khả năng phân tích các dữ liệu ánh sáng (những thay đổi rất nhỏ về độ sáng khi có một hành tinh di chuyển cắt ngang một ngôi sao) ghi lại được từ Kepler để tìm ra các exoplanet.

Các "mạng neuron" trong AI sẽ đào xới dữ liệu của Kepler, tìm kiếm những tín hiệu thay đổi cực nhỏ. Và cuối cùng nó đã tìm ra hành tinh số 8 của Kepler-90 thuộc chòm sao Draco.

Trước đây, công nghệ machine learning cũng đã từng được sử dụng để nghiên cứu dữ liệu của Kepler nhưng không được kỳ vọng quá nhiều. Thành công lần này đã cho thấy nó có khả năng rất lớn để tìm ra những tín hiệu nhỏ nhất tại các thiên hà có khoảng cách cực kỳ xa mà con người vốn không thể chạm tới.

Hành tinh băng ngang của sao chủ sẽ tạo ra một sự thay đổi rất nhỏ về tín hiệu ánh sáng
Hành tinh băng ngang của sao chủ sẽ tạo ra một sự thay đổi rất nhỏ về tín hiệu ánh sáng.

Kepler-90i có kích cỡ lớn hơn Trái Đất khoảng 30%, nhiệt độ bề mặt rất nóng - khoảng trên 420 độ C, tương đương với nhiệt độ của sao Thủy trong hệ Mặt Trời. Kepler-90h là hành tinh xa nhất của Kepler-90 với khoảng cách tương đương với Trái Đất tới Mặt Trời.

Vanderburg, nhà thiên văn từ ĐH Texas và là nghiên cứu sinh của NASA cho biết, Hệ sao - hành tinh Kepler-90 có các hành tinh lớn bên ngoài, hành tinh nhỏ bên trong tương tự như hệ Mặt Trời của chúng ta nhưng khoảng cách nhỏ hơn rất nhiều. Chính vì vậy, nó giống như phiên bản thu nhỏ của hệ Mặt Trời vậy.

Trong vòng 4 năm, Kepler đã thu nhận được 35.000 tín hiệu có khả năng là một hành tinh mới. Đây là một kho dữ liệu khổng lồ. Trước đây, những tín hiệu này được kiểm tra bằng mắt người và phần mềm tự động nhưng không đạt hiệu quả cao do các tín hiệu yếu thường bị bỏ qua. Shallue và Vanderburg tin rằng những dữ liệu ấy có thể ẩn chứa những phát hiện chưa từng có. Và họ quyết định dạy cho hệ thống neuron của AI cách để xác nhận những tín hiệu từ exoplanet, dựa trên 15.000 tín hiệu đã được công nhận trước kia.

Kết quả nhận được tuyệt vời hơn sự mong đợi, ngay trong các thử nghiệm đầu tiên AI đã đạt độ chính xác lên tới 96%. Hệ thống tiếp tục tự học để đạt độ chính xác cao hơn.

Dựa trên giả thiết những hệ sao có nhiều hơn 1 hành tinh là nơi phù hợp nhất để tìm kiếm thêm các hành tinh đang lẩn trốn, các chuyên gia đã hướng hệ thống này tìm kiếm các tín hiệu yếu hơn trong tổng số 670 hệ sao đã có rất nhiều hành tinh được xác nhận.

Mô phỏng Kepler-90i
Mô phỏng Kepler-90i.

AI đã tìm thấy nhiều hơn một hành tinh mới, ngoài Kepler-90i nó còn phát hiện ra hành tinh thứ 6 trong hệ sao Kepler-80 vốn có 5 hành tinh. Hành tinh này có kích cỡ tương đương với Trái Đất và được đặt tên là Kepler-80g.

Sau thành công này, Shallue và Vanderburg dự tính cho hệ thống AI quét toàn bộ hệ dữ liệu của Kepler, bao gồm 150.000 ngôi sao với hy vọng sẽ tìm thấy nhiều hành tinh hơn và tăng cao khả năng phát hiện một nền văn minh khác.

Xem thêm:

Thứ Sáu, 15/12/2017 09:28
51 👨 552
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ